Nghe, thấy ở Chăm Puông

Những ngày này, bản nghèo Chăm Puông, xã Lượng Minh nay thêm phần hiu hắt do dịch Covid-19 bùng phát, buộc phải phong tỏa để chống dịch. Nhà cách ly nhà, cửa đóng then cài; bản “nội bất xuất, ngoại bất nhập”... Trong căn nhà gỗ ván nhỏ xiêu vẹo, 5 đứa cháu tầm 5 đến 7 tuổi của bà Lữ Thị An (42 tuổi) im bặt khi nhìn thấy người trong trang phục phòng dịch gọi cửa. Chắc hẳn 5 đứa trẻ ấy đã có ý thức lo sợ về dịch Covid-19 mà cảm nhận đầu tiên đó là sự khó chịu khi bị lấy mẫu xét nghiệm. Chú của đám trẻ là con trai út của bà An - một trong 131 F1 ở bản đã được đưa đi cách ly y tế tập trung phòng chống dịch.

bna_5783826510_1772021.jpgBà Lữ Thị An e dè khi thấy người mặc trang phục phòng dịch gọi cửa. Ảnh: Thành Cường

Lo sợ dịch, bà Lữ Thị An chuyện trò cùng phóng viên qua hàng rào kẽm gai treo 5-6 chiếc khẩu trang cáu bẩn đã qua sử dụng (và nó sẽ còn được tái sử dụng thêm vài lần khác). Bà An có 4 người con trai, cả 4 đều đi làm công nhân, duy chỉ có thằng út mới về thì vừa được đưa đi cách ly. Trong 4 đứa thì có 2 đứa đã lập gia đình. Trước khi đi thì các con gửi lại 5 đứa cháu nhờ ông bà chăm sóc...

Bà An kể: “Dịch Covid-19 bùng phát, cả bản bị phong tỏa cách ly, ông bà lo lắm. Lo vì sẽ đói, không có gì cho các cháu ăn. Bây giờ nhà đang còn một thùng mì tôm, 1 bì gạo và ít rau củ quả do huyện, xã gửi, phát cho. Lâu dài thì không biết ra sao... Không được ra khỏi nhà nên ông bà cũng chẳng có thể lên rừng kiếm thêm thực phẩm cho các cháu”.

Vừa kể, bà An vừa lấy chiếc nồi không và 2 rổ rau, củ, quả để nấu bữa trưa cho các cháu mình. Trong một rổ nhỏ là một nửa quả bí đỏ và dăm quả cà ngọt, cùng một vài lá tía tô. Đó là bữa trưa cho ông bà và 5 cháu. Chiếc rổ còn lại là một bó rau muống được dành cho bữa chiều. Bữa ăn hàng ngày của gia đình vốn đã chẳng giàu dinh dưỡng gì, nay trong những ngày dịch bệnh lại càng dè xẻn, “tích cốc, phòng cơ”...

Ngay cạnh nhà bà An là gia đình ông Lữ Văn Khoát (67 tuổi). Con cháu đi làm ăn cả, chỉ còn mỗi ông bà ở nhà. Ông Khoát buồn bã, lặng thinh nhìn ra con đường bê tông của bản.

“Hàng quán giờ đóng cả, có tiền cũng không biết làm sao mua. Dịch bệnh mà kéo dài như thế này thì rau cỏ bòn mót quanh nhà cũng hết. Huyện, xã có gửi lương thực cho nhưng mà vẫn lo không đủ. Bản còn nhiều nhà, nhiều người”, ông Khoát lo lắng chia sẻ.

Dịch Covid-19 bùng phát, cả bản bị phong tỏa cách ly, cuộc sống của nhiều người dân ở Chăm Puông bị ảnh hưởng. Ảnh: Thành Cường

Hôm nay đã là ngày thứ 5 kể từ khi 3 ca nhiễm Covid-19 ở bản Chăm Puông được phát hiện (ngày 13/7). Trong 4 ngày qua, ở Chăm Puông còn phát hiện thêm 18 người khác. 21 người mắc bệnh tương đương với 5% dân số của bản. Bây giờ ở 3 cụm dân cư bám theo ba nhánh khe ở bản đâu đâu cũng là dây giăng, biển treo nhà có người cách ly phòng chống dịch... Khảo sát nhu cầu các hộ dân đang thực hiện nghĩa vụ cách ly chống dịch, ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho hay: “Lo nhất bây giờ vẫn là thiếu đói em ạ! Thực hiện phong tỏa chống dịch, hàng quán không mở, thương lái không vào. Người dân Chăm Puông xưa nay sống dựa vào rừng nay không được phép ra khỏi nhà, lên rừng kiếm cái rau, măng. Bây giờ Chăm Puông đang vào thời gian giáp hạt. Gạo, tương, mắm muối đều thiếu cả. Mong rằng các cấp, các ngành, các tổ chức và nhà hảo tâm tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ Chăm Puông nói riêng, Lượng Minh nói chung chiến thắng đại dịch”.

Chăm Puông là bản lâu đời, đông dân cư nhất của xã Lượng Minh. Bản hiện có 190 hộ, với 978 nhân khẩu, thuộc dân tộc Khơ Mú. Dân trí ở bản thấp, không đồng đều. Đời sống kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào nương rẫy, chăn nuôi gia súc gia cầm và nguồn kinh phí do những người lao động ly hương gửi về. Có 214 người dân ở bản đang đi làm việc trong và ngoài nước (hầu hết là lao động chân tay, nên thu nhập cũng không cao). 74% số hộ dân ở bản là hộ nghèo...

Một cụm dân cư của bản Chăm Puông, xã Lượng Minh. Ảnh: Thành Cường

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Tương Dương và xã Lượng Minh đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội ở Chăm Puông như khuyến khích nhân dân mở rộng ruộng lúa nước, chăn nuôi đại gia súc, trồng sắn cao sản; đẩy mạnh công tác phân luồng học nghề, dạy nghề... Chăm Puông đã có những sự thay đổi nhất định, tuy nhiên biến chuyển này rất chậm bởi người dân địa phương vẫn chưa thay đổi được thói quen, tập quán sản xuất cũ nên sản lượng, hiệu quả thấp, ông Vi Đình Phúc chia sẻ.

Ráo riết chống dịch

Ổ dịch Covid-19 ở Chăm Puông bắt đầu được phát hiện vào ngày 13/7, khi mà 3 bệnh nhân Covid-19 là người trong 1 gia đình đến khám, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tương Dương. Sau khi test nhanh, Trung tâm đã gửi mẫu xét nghiệm về CDC Nghệ An xét nghiệm khẳng định cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Lực lượng y tế trèo đèo, lội suối đến từ nhà để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Thành Cường

Ngay lập tức, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An và huyện Tương Dương đã tổ chức họp khẩn, triển khai các biện pháp khẩn cấp, quyết liệt, kịp thời để chống dịch, bao gồm: ban hành văn bản, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc tham gia chống dịch; tổ chức tiêu trùng, khử độc các địa bàn liên quan đến các F0; chuyển F0 về điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1 Nghệ An. Ngành Y tế và huyện Tương Dương, huyện Kỳ Sơn phối hợp tiến hành điều tra, truy vết các trường hợp F1, đưa đi cách ly y tế tập trung phòng chống dịch; lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân bản Chăm Puông; thành lập 4 chốt kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 phong tỏa, chốt chặn tại bản Chăm Puông và xã Lượng Minh... Toàn huyện Tương Dương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15; xã Lượng Minh; thực hiện cách ly xã hội toàn xã Lượng Minh theo Chỉ thị 16; thiết lập khu cách ly y tế bản Chăm Puông để phòng chống dịch.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Tương Dương: Huyện đã kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm 4 tại chỗ, duy trì hoạt động có hiệu quả tổ truy vết (do Công an làm tổ trưởng), tổ lấy mẫu, Tổ Covid cộng đồng; đưa khu cách ly tập trung vào vận hành, đáp ứng cách ly các trường hợp F1; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu, chấp hành các quy định về phòng, chống dịch và tránh tình trạng người dân quá bi quan, lo lắng... Chính nhờ thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ mà đến nay (ngày 16/7), Tương Dương đã phát hiện được 21 trường hợp F0; kịp thời ngăn chặn dịch lây lan rộng. Đến nay, với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, Tương Dương cơ bản đã xác định được nguồn lây của ổ dịch Chăm Puông.

Lực lượng công an và y tế lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp trở về từ rẫy sau khi phong tỏa ở Chăm Puông. Ảnh: Thành Cường

Bác sĩ Trần Đình Công - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương cho biết: Trước đây, người dân Chăm Puông khá lơ là, coi thường, chưa ý thức được sự nguy hiểm của dịch Covid-19. Mấy ngày qua, lực lượng Công an, Y tế, cán bộ xã thường xuyên đi nhắc nhở, tuyên truyền, dặn dò nên người dân đã biết rõ về dịch bệnh, tuân thủ các biện pháp phòng dịch, đảm bảo cách ly tại nhà theo đúng quy định. Ở thời điểm dịch bùng phát, bản Chăm Puông có 784 người có mặt trên địa bàn. 4 ngày qua, cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm cho 744 người; còn 40 người làm nương rẫy trên núi xa thì ngay trong sáng 16/7, lực lượng Công an - Y tế đã cử đoàn công tác lên núi mời họ xuống khu vực gần bản, lấy mẫu test nhanh và yêu cầu ký cam kết thực hiện cách ly tại các chòi trên nương rẫy 21 ngày, tạm thời không về bản để phòng chống dịch.

Ráo riết phòng chống dịch bệnh, huyện đang mở rộng điều tra truy vết, tìm kiếm người liên quan ở 2 bản liền kề của xã Lượng Minh là bản Minh Thành, Minh Tiến và cả 2 trường hợp ở thị trấn Hòa Bình. Qua test nhanh phân loại sàng lọc 52 mẫu, hiện chưa phát hiện có trường hợp nào phản ứng dương tính với test. Hiện nay, huyện đang thực hiện lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho tất cả người liên quan.

Không để cho dân đói

Ở thời điểm này, huyện Tương Dương đã và đang thực hiện tốt các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, như: siết chặt quản lý khu cách ly y tế bản Chăm Puông với phương châm “Nhà cách ly với nhà, người cách ly với người, bản cách ly với bản”; vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”; đồng thời thực hiện việc cung cấp đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân trong khu phong tỏa và khu cách ly.

Về lực lượng, chúng tôi đã huy động các lực lượng y tế, Công an, Quân sự, Dân quân tự vệ của huyện và xã Lượng Minh triển khai các lực lượng phòng chống dịch. Về phương tiện, Tương Dương đã điều 2 xe cấp cứu của Trung tâm Y tế xuống xã phục vụ công tác chống dịch, vận chuyển bệnh nhân đi điều trị, vận chuyển F1 đi cách ly tập trung. Về chỉ huy tại chỗ, chúng tôi cũng đã thành lập sở chỉ huy chống dịch đặt ngay tại bản Chăm Puông do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, có sự tham gia của lãnh đạo Công an, Ban Chỉ huy Quân sự huyện. Về hậu cần tại chỗ, Tương Dương đã tuyên truyền vận động bà con nhân dân huyện nhà mang lương thực, thực phẩm cho 190 hộ dân trong khu phong tỏa; đáp ứng đủ lương thực, nhu yếu phẩm.

Ông Phan Đức Sơn - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương

Với phương châm “cương quyết không để cho nhân dân đói”, đáp ứng tốt hơn nhu yếu phẩm cho người dân, huyện Tương Dương đã phân công Ủy ban MTTQ huyện làm đầu mối tiếp nhận, phân phối và bảo đảm phân phát phù hợp lương thực, thực phẩm, hàng cứu trợ. Ủy ban MTTQ huyện đã kêu gọi 17 xã, thị trấn của huyện, mỗi địa phương thực hiện cung cấp lương thực thực phẩm 1 ngày cho bà con Chăm Puông - ông Phan Đức Sơn nêu rõ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long - Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An kiểm tra công tác phòng chống dịch tại bản Chăm Puông. Ảnh: Thành Cường

Trong sáng ngày 16/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long - Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An đã kiểm tra công tác phòng chống dịch tại bản Chăm Puông. Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị huyện Tương Dương trong chống dịch; bày tỏ sự tin tưởng Tương Dương sẽ sớm khống chế được dịch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cũng lưu ý thêm “huyện phải đảm bảo lương thực, thực phẩm cho nhân dân vùng cách ly, không được để dân đói, nếu khó khăn, tỉnh sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ cho huyện Tương Dương”.

Có thể nói, Chăm Puông là một trong những bản nghèo nhất của huyện Tương Dương. Trong khi đó, Tương Dương vẫn đang là 1 trong 3 huyện miền núi nghèo nhất của tỉnh. Dẫu có nhiều cố gắng nhưng rõ ràng, nguồn lực chống dịch của huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An rất hạn hẹp. Hơn bao giờ hết, người dân Chăm Puông nói riêng và Tương Dương nói chung vẫn đang cần sự chung tay, góp sức chống dịch Covid-19 từ các cấp, ngành, tổ chức, nhà hảo tâm. Những tấm lòng hướng về Chăm Puông, Tương Dương xin liên hệ ông Lương Bá Vin - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tương Dương. SĐT 0916.846.969.