(Baonghean) - Được biết UBND tỉnh cấp bằng Chứng nhận là Tổng đội TNXP 10, cho Làng Thanh niên lập nghiệp Na Ngoi (Kỳ Sơn) tôi xúc động gọi điện chúc mừng Tổng đội trưởng Nguyễn Trọng Cảnh và xin đươc lên với Pu-xai-lai-leng một lần nữa...Nhưng phải gần hai tháng sau tôi mới thực hiện được chuyến đi, với lý do đoạn đường từ trung tâm xã vào Tổng đội chỉ dăm km, vào  giữa mùa mưa đất núi sạt lở đổ ập xuống mặt đường lầy lội ô tô không thể vào được. Khác với những lần trước, là được theo đoàn công tác của huyên vào Na Ngoi, thời gian đi về trong ngày, chúng tôi chưa kịp hàn huyên đã vội chia tay. Chuyến đi này tôi may mắn được ở lại với tổng đội một tuần. Đươc cùng sống với những người  bao năm lặng lẽ dầm mưa, dãi nắng nơi rừng sâu núi thẳm giúp đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, thực sự là quý giá đối với tôi. Na Ngoi, nhanh chóng đổi thay đến ngỡ ngàng, từ cơ sở hạ tầng, đến đời sống của từng hộ dân đã khác trước nhiều lắm. Từ cuộc sống tự cung tự cấp dai dẳng, cái đói truyền đời, giờ đây dân bản đã ổn định lương thực, tích cực phát triển nông, lâm sản hàng hóa từng bước giảm nghèo vươn lên làm giàu trên quê hương mình; tất cả bắt đầu từ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, sự hỗ trợ của các ngành cùng thực thi các dự án lớn của Đảng, Nhà nước và sự đóng góp tích cực của Đồn Biên phòng 545, Đoàn 4, Làng Thanh niên lập nghiệp nay là Tổng đội TNXP 10. Nơi mây xanh màu lá ảnh 1                                       Rau vụ đông trên đất Na Ngoi.Bên bếp lửa trong những đêm rét không ngủ được, tôi nghe anh em ở Tổng đội kể những ngày đầu lên đây lập nghiệp thấm thoắt đã 4 năm… Ngày 21/6/2008 theo chủ trương của Trung ương Đoàn thành lâp Làng Thanh niên lập nghiệp ở Na Ngoi, 5 cán bộ và đội viên ở Tổng đội TNXP 8 (Huồi Tụ, Kỳ Sơn) nhận nhiệm vụ, đó là các anh: Cảnh, Uý, An, Công, Khoa, những người đã trải qua sương gió vùng cao, dạn dày kinh nghiệm trong 5 năm xây dựng Tổng đội TNXP đầu tiên trên đất Kỳ Sơn. Nay các anh lại khoác ba lô, cuốc, thuổng… hăm hở đến miền đất mới với trái tim đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, đến với bản làng còn nghèo khó. Buổi đầu, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các đơn vị trên địa bàn cùng nguồn vốn dự án; vận động bà con bản Mông nhường đất xây dựng cơ sở và đất sản xuất rồi nhen nhóm xây dựng mô hình kinh tế giúp dân và chăn nuôi, sản xuất bảo đảm cuộc sống hàng ngày để bám trụ nhiệm vụ của đội viên. Những tháng năm gian nan trong túp lều dựng chơ vơ giữa rừng hoang sương muối, chịu gió bão nắng lửa và mùa Đông rét buốt xương với nhiệt độ có lúc dưới không độ, khó khăn thiếu thốn trăm bề từ lương thực, thực phẩm đến dầu thắp sáng, các phương tiện thông tin… Nhưng từ những quyết tâm, trăn trở, các chàng trai chân đất áo xanh màu lá rừng đã thắp lên ngọn lửa ấm nơi miền sương rét này. Từ mô hình trồng rau; su hào, bắp cải, bí, đậu và các loại rau khác cấp cho dân làm thực phẩm đến vận động người Mông không di cư tự do, xuống núi làm lúa nước, trồng chè Shan Tuyết, trồng gừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sau 4 năm, họ đã giúp dân khai hoang 10 ha ruộng lúa 2 vụ, gieo cấy giống lúa mới cho năng suất gấp 10 lần lúa rẫy, 50 ha chè trồng ở 9 bản, hàng trăm ha gừng, khoai dong riềng. Nhiều hộ đã biết đào ao nuôi cá, trồng rừng, khoanh vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm... theo mô hình trang trại…                        Áp dụng KHKT trong chăn nuôi gà đen.                               Ảnh: Hữu ViVà, điều quan trọng là Tổng đội đã trở thành “Địa chỉ xanh" của dân bản. Tổng đội đã thực sự góp phần đánh thức tiềm năng của người và đất đã bao đời nằm im bởi muôn vàn khó khăn của đồng bào vùng sâu, xa nơi đây. Từ niềm tin về cách làm hay được thuyết phục từ hiệu quả kinh tế trong niềm vui mùa màng, người dân đã thay đổi nếp nghĩ, việc làm, vượt qua tập tục sản xuất lạc hậu để làm ra sản phẩm hàng hóa mang tính bền vững. Giờ đây, trên tuyến đường biên ải qua Na Ngoi, ở địa phận giữa hai bản Ka Trên, Ka Dưới đã hiện diện cơ ngơi một Tổng đội TNXP 10 với văn phòng làm việc, khu tập thể nhà ở, nhà nghỉ cho khách, nhà lưới ươm chè, trồng hoa ly, chuồng trại chăn nuôi gà, hệ thống bể nuôi cá hồi. Những tốp thợ khẩn trương hoàn thành nhà văn hóa, nhà chế biến chè kịp bao tiêu sản phẩm cho dân bản vụ thu hoạch đầu tiên...Tổng đội trưởng Cảnh cho biết: Nguồn vốn từ dự án 20 tỷ đồng, chi phí xây dựng cơ sở của đơn vị 6 tỷ đồng còn lại làm đường nông thôn, thủy lợi, công trình nước sinh hoạt cho các bản. Ngoài ra xây 1 lớp tiểu học, 2 lớp mầm non cho 2 bản. Tôi ngỏ ý muốn biết đời sống và tiền lương của anh em trong Tổng đội? Anh Cảnh cho biết: Tổng đội hiện tại có 20 người, trong đó có 4 người Mông, 5 cán bộ được biên chế hưởng lương cố định. Còn các đội viên hưởng lương theo ngày công và sản phẩm. Từ tiền hỗ trợ sản xuất chè giống của UBND tỉnh, cộng với tiền lãi chăn nuôi, sản xuất rau, hoa ly… sản phẩm vượt kế hoạch bao nhiêu đều thưởng cho anh em. Mức lương trung bình 3 triệu đồng/tháng/người sau khi đã trừ tiền ăn và những phụ phí khác, anh em đều có bảo hiểm lao động và bảo hiểm y tế. Khi được hỏi về dự định tương lai, anh Cảnh trầm ngâm: Tổng đội đứng chân ở 1 xã biên giới có diện tích và số bản lớn nhất huyện (gồm 19 bản, 1 bản Thái, một bản Khơ Mú còn lại là người Mông). Có bản xa trung tâm đến nửa ngày đường đi bộ. Na Ngoi là điểm nóng về an ninh biên giới, những năm trước nạn phỉ luôn quấy phá, vấn đề một số hộ dân vẫn còn di cư tự do và còn nhưng tập tục lạc hậu. Sắp tới Tổng đội tiếp tục vận động 10 bản còn lại trồng chè công nghiệp, khai hoang đất bằng làm lúa nước và phát triển mô hình kinh tế trang trại hộ. Khó khăn hiện nay là đầu ra sản phẩm chưa ổn định, ví dụ: năm ngoái giá gừng 22.000 đồng/kg, ô tô về thu mua tận bản. Năm nay giá gừng còn 4.000 đồng/kg vẫn không có người mua. Ngay như con cá hồi, Tổng đội cũng tạm ngừng nuôi vì rất khó vận chuyển và tiêu thụ…Mấy ngày tôi được theo các anh đến một số bản thăm các mô hình chè, lúa mà Tổng đội chuyển giao kỹ thuật toàn bộ từ khâu gieo trồng đến thu hoạch. Ở xung quanh khuôn viên Tổng đội cũng xôn xao niềm vui mùa màng; Này đây 4 ha chè giống đang lên xanh đủ cấp 20 vạn bầu chè /năm, khu vườn trồng hoa ly treo chót vót trên đồi cao mà luôn ẩm ướt, 21 ngàn gốc đang lên xanh trong những dãy nhà lưới kịp có mặt ở thị trường hoa cảnh trong tỉnh dịp Tết sắp tới và 21 vạn bầu chè chuẩn bị cho dân bản xuống giống vụ đông xuân này. Khu trại chăn nuôi gà đen vừa xuất chuồng một lứa nhường chỗ cho một lứa gà mới. Anh Cảnh nói với chúng tôi trong niềm vui: Năm nay sẽ thả 3.000 con, giống chúng tôi đã tự túc được không còn phải nhập từ Hà Nội như mấy năm trước. Giống F2 có ưu điểm là bố mẹ chúng đã thích nghi với vùng sương rét này. Trước ngày về xuôi tôi đươc dự buổi liên hoan mừng Làng Thanh niên lên “thương hiệu” Tổng đội như các anh nói vui. Bữa cơm từ những sản phẩm cây nhà lá vườn; gạo mới từ ruộng thí nghiệm, gà đen trong chuồng và rau hái từ vườn, khách mời cũng là "người nhà" cả: Lãnh đạo địa phương, đồn biên phòng, đoàn 4, các thầy, cô giáo và một số dân bản… thật vui và nồng ấm!Rồi mai này, Na Ngoi thêm một niềm vui đến, tuyến đường biên ải sẽ được nâng cấp vào đầu năm 2013, những cột điện cao thế đang sừng sững kéo đường dây từ trung tâm Na Ngoi sang Mường Ải đi qua Tổng đội. Chia tay Tổng đội TNXP 10, tôi nhìn lên dãy Pu-xai-lai-leng, thấy những đám mây sáng lên màu xanh lá của đồng lúa, đồi chè giữa đại ngàn hùng vĩ.

Võ Văn Vinh