(Baonghean.vn)- Một tuần tổ chức đều đặn 2 buổi sinh hoạt, đó là cách những nghệ nhân của CLB văn hóa dân gian làng Mó, xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) duy trì lâu nay, nhằm góp phần lan tỏa đam mê, truyền trao văn hóa người Thổ.
Clip một buổi sinh hoạt của CLB văn hóa dân gian làng Mó
Tham gia một buổi sinh hoạt của CLB văn hóa dân gian làng Mó chỉ ngắn gọn trong vòng 2 tiếng đồng hồ, cũng có thể thấy được niềm đam mê của các hội viên yêu văn nghệ, đặc biệt là làn điệu dân ca Thổ đến mức nào. Sau thủ tục điểm danh, buổi sinh hoạt của CLB bắt đầu với nhiều nội dung trao đổi, thảo luận các hình thức trình diễn, sử dụng các loại nhạc cụ, cùng với đó là những chia sẻ tâm đắc về văn hóa dân gian, những thông tin thời sự về các hoạt động văn hóa đương đại...
Theo ông, Đinh Hà Phương, chủ nhiệm CLB, đây là nội dung “cứng” của các buổi sinh hoạt bởi những thông tin này giúp các thành viên nắm được văn hóa Thổ có giá trị, vị trí như thế nào, phải bảo tồn ra làm sao…
Chiếm thời lượng nhiều nhất của buổi sinh hoạt là các thành viên tập trung trau dồi luyện tập các tiết mục với đủ thể loại. Trong đó “Nhớ ơn Đảng, Bác” được sáng tác theo điệu khai rế của dân tộc Thổ là tiết mục được dàn dựng khá công phu. Toàn bộ các loại nhạc cụ đặc trưng của người Thổ như kèn, trống, chiêng… đều được huy động tạo nên một không khí độc đáo riêng có. Tiếp nữa là những tiết mục hát đối đáp nam- nữ vừa chân chất mộc mạc, vừa quyết liệt rắn rỏi nhưng cũng không kém phần sâu sắc trữ tình…
Cứ thế, các tiết mục nối tiếp nhau, theo đó từ người già đến người trẻ ai nấy đều hăng hái tham gia. Cụ Trương Văn Phước năm nay 96 tuổi, là tay trống cừ khôi của CLB phấn khởi “Thích lắm, vui lắm... Có CLB nên ngày một nhiều người biết hát bài hát Thổ, chơi các loại nhạc cụ của người Thổ hơn, chứ trước đó ai biết chỉ giữ trong người thôi”.
Còn với em Nguyễn Thị Huyền, 15 tuổi, là người trẻ nhất trong CLB thì cho rằng: Trước đây chỉ đến để xem các cụ tập nhưng từ khi tham gia CLB thấy mình phải có trách nhiệm tiếp thu để lan tỏa niềm đam mê tới nhiều người.
CLB văn hóa dân gian làng Mó được thành lập đến nay đã gần chục năm. Những ngày đầu chỉ non 10 thành viên, đến nay đã lên đến 34 thành viên.
Ông Đinh Hà Phương, chủ nhiệm CLB cho biết thêm: Các thành viên đến với CLB đều xuất phát từ chỗ yêu thích và tự nguyện tham gia. Trong những lần sinh hoạt ấy, những người già, người am hiểu dân ca, dân vũ của dân tộc Thổ trở thành những người thầy trực tiếp truyền thụ các kiến thức về văn hoá dân gian cho các thành viên khác, đặc biệt là lớp trẻ.
Tuy nhiên, CLB hiện nay hoạt động chủ yếu dựa vào sự đóng góp tự nguyện của các thành viên nên gặp không ít khó khăn về kinh phí hoạt động. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Bởi thực tế, ngoài tham gia sinh hoạt như hiện nay, các thành viên CLB còn mong muốn sưu tầm, lưu giữ các loại nhạc cụ, xây dựng CLB văn hóa dân gian xóm Mó thành mô hình đặc sắc, là điển hình về hình thức xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Đặng Nguyễn
Kỹ thuật: Dương Tuân