(Baonghean) -Việc xây dựng các tiêu chí trường chuẩn quốc gia tiến tới một mức chất lượng và chuẩn ngang tầm quốc tế ở các cấp học là mục tiêu mà giáo dục nước nhà đang hướng đến. Chính vì thế, thước đo chuẩn quốc gia đã được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh ta tích cực phấn đấu. Kết quả là số trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng nhiều. Tuy nhiên, ở nơi này nơi kia, nhiều trường đã “rớt chuẩn” và cũng không ít trường đang phải đối mặt với nguy cơ sẽ bị “rớt chuẩn”. Đó thực sự là bài toán khó mà các nhà quản lý giáo dục tỉnh ta đang loay hoay đi tìm lời giải.

Trường đạt chuẩn nợ tiêu chí

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tất cả các trường đã đạt chuẩn quốc gia, sau 5 năm kể từ ngày được công nhận đều phải được kiểm tra, rà soát, thẩm định lại để xem xét có đủ điều kiện được công nhận lại hoặc đạt ở mức độ cao hơn hay không. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là hiện nay trên địa bàn tỉnh ta, rất nhiều trường học dù đã quá thời gian qui định nhưng không làm hồ sơ đề nghị thẩm định lại để công nhận tiếp tục đạt chuẩn và nhiều trường sau một thời gian được công nhận đạt chuẩn đang rơi vào tình trạng "nợ chuẩn" một hay nhiều tiêu chí nào đó.

Năm học 2005-2006, Trường Mầm non Tân Long (Tân Kỳ) là trường đầu tiên ở cấp học mầm non của huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Sau 7 năm được công nhận đạt chuẩn, diện tích khuôn viên nhà trường vẫn hẹp, không đảm bảo tiêu chí của một trường đạt chuẩn quốc gia; hầu hết các phòng học đang có hiện tượng xuống cấp; công trình vệ sinh phải dùng chung 3 lớp 1 phòng; số cháu đông, không đủ phòng học đành mượn phòng âm nhạc thay thế. Ngoài ra, trường còn thiếu 3 phòng chức năng. Cô Nguyễn Thị Năm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Vừa qua, đoàn kiểm tra của Phòng Giáo dục và Đào tạo Tân Kỳ đã về kiểm tra các tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Tất cả các tiêu chí đều đạt, duy chỉ có cơ sở vật chất còn thiếu. Hiện UBND xã Tân Long đã có quyết định đầu tư mở rộng khuôn viên nhà trường; xây dựng nhà làm việc 2 tầng, trang bị đầy đủ phòng học, phòng chức năng theo qui định của trường chuẩn”.

Còn như Trường THCS Giai Xuân, được công nhận đạt chuẩn năm học 2010-2011, nhưng hiện tại, theo quy chế thì trường vẫn còn thiếu nhà đa chức năng; một số phòng chức năng như: phòng công đoàn, phòng đội, phòng trực; bàn ghế học sinh hầu hết đã xuống cấp. Hoặc như Trường Tiểu học Giai Xuân được công nhận đạt chuẩn từ năm học 2005-2006), nhưng thực tế vẫn còn thiếu phòng học bộ môn và các phòng chức năng.

Không riêng gì các trường ở huyện miền núi, mà ở các huyện đồng bằng, nơi có điều kiện thuận lợi hơn nhưng các trường vẫn đứng trước nguy cơ “rớt chuẩn”.  Trường Tiểu học Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu) được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm học 1999-2000 và mức độ 2 năm học 2005-2006. Nhưng đến nay, do số học sinh tăng, nên nhà trường lâm vào tình trạng thiếu phòng học. Để giải quyết vấn đề thiếu phòng học, nhà trường phải bố trí học luân phiên cả vào chiều thứ Tư hàng tuần (mà lẽ ra đây là buổi sinh hoạt chuyên môn của giáo viên) và chuyển lịch sinh hoạt chuyên môn sang sáng thứ Bảy. Thư viện của trường cũng chưa đảm bảo đủ diện tích, trường phải khắc phục bằng cách làm các tủ sách di động để dưới các gốc cây; che chắn một khoảng sân trước thư viện làm phòng đọc cho học sinh.

Trường THCS Thị trấn Hoàng Mai được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm học 2007-2008 và được coi là trường tốp đầu của Quỳnh Lưu. Tuy vậy, đến nay, chiếu theo qui định của trường chuẩn quốc gia thì trường hiện vẫn thiếu phòng đọc cho học sinh; nhà đa chức năng, phòng học bộ môn, phòng thực hành.

794578_small_96038.jpg

Trường chuẩn quốc gia THCS Hoàng Mai (Quỳnh Lưu) phải “chuyển đổi”  phòng đọc thư viện sang phòng máy vi tính.

Một thực tế chung hiện nay là, các trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, về chất lượng đội ngũ, chất lượng học sinh của các trường tương đối cao so với mặt bằng chung, nhưng cơ sở vật chất trường học vẫn còn nhiều khó khăn. Hầu hết các trường đạt chuẩn vẫn chưa đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Tình trạng thiếu phòng học, phòng chức năng, nhà đa chức năng, công trình vệ sinh khá phổ biến. Nhiều trường xẩy ra hiện tượng: phòng hiệu trưởng kiêm luôn cả phòng phó hiệu trưởng, phòng nhân viên; phòng đội, phòng y tế, phòng kế toán gộp làm một và thư viện cũng chính là phòng để thiết bị dạy học.

Khó giữ chuẩn bền vững?

Cái khó khăn nhất hiện nay của các nhà trường là kinh phí. Đây chính là khó khăn chưa có lối ra đối với việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường học trên địa bàn toàn tỉnh cũng như việc hoạch định kế sách phát triển bền vững, lâu dài cho các trường nằm trong diện khó khăn. Những trở ngại, thách thức này, trước sau vẫn là... “tiền đâu?”. Với quá nhiều hạng mục, công trình còn thiếu và đang xuống cấp, Trường Mầm non Tân Long (Tân Kỳ) cần 3-4 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, số vốn này hiện đang là “giấc mơ xa” đối với cô, trò nơi đây. Bởi lẽ, theo dự tính, nếu huy động từ dân với mức một năm mỗi nhân khẩu 100.000 đồng thì cũng phải 10 năm mới đủ, mà để rút ngắn thời gian thì xã không có tiền, cũng chẳng hy vọng có chương trình, dự án nào. Còn Trường THCS Giai Xuân, đứng chân trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn theo diện 135CP thì đang trông chờ vào các dự án của xã. “Tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 50% nên việc huy động nhân dân đóng góp rất hạn chế. Nguồn xã hội hóa hàng năm cũng chỉ ở mức 80-100 triệu đồng. Để hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở vật chất, trường cần đến 4-5 tỷ đồng. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất lại nằm ngoài khả năng của nhà trường. Niềm hy vọng của trường đặt vào các dự án dành cho xã đặc biệt khó khăn”, ông Phạm Thanh Nam, Hiệu trưởng Trường THCS Giai Xuân chia sẻ.

Nhận ra vấn đề đang phải đối mặt, nhưng từ các hiệu trưởng cho đến cán bộ quản lý ngành giáo dục và đào tạo vẫn không thể đưa ra một giải pháp tháo gỡ khả thi cụ thể nào. Bởi lẽ vấn đề huy động các nguồn kinh phí không phải lúc nào cũng nằm trong tầm tay của họ. Một khó khăn nữa mà nhiều trường gặp phải khi cố gắng “giữ chuẩn” chính là quỹ đất. Khác với cái khó về chất lượng giáo dục, để đạt yêu cầu về cơ sở vật chất, không phải chỉ bằng sức người, kinh phí mà còn phải có đủ diện tích đất. Điều này nhà trường hoàn toàn không thể làm được. Chúng tôi được biết, để có trường đạt chuẩn quốc gia, nhiều xã đã phải bổ sung thêm diện tích đất cho trường. Ngoài các khó khăn chủ yếu nêu trên, hiện tại một số trường trên địa bàn tỉnh còn gặp phải những vướng mắc khó tháo gỡ như chất lượng giáo dục còn hạn chế, trong khi đội ngũ giáo viên vừa không đảm bảo về số lượng, vừa không đồng bộ theo cơ cấu bộ môn, chất lượng lại bất cập.

Điều đáng quan tâm là, các quyết định công nhận trường đạt chuẩn quốc gia ghi rõ thời hạn công nhận là 5 năm, nhưng không ít trường lờ đi và coi danh hiệu “đạt chuẩn” là vĩnh viễn.  Thậm chí một số trường cố xây dựng để có các hạng mục về cơ sở vật chất theo quy định nhằm trình với đoàn kiểm tra, nhưng sau khi có quyết định công nhận lại chuyển các hạng mục này sử dụng vào việc khác. Chính vì vậy, khi đã hết thời hạn công nhận đạt chuẩn, hầu như các trường không làm hồ sơ, đề xuất kiểm tra công nhận lại, mà vẫn mặc nhiên coi mình “đạt chuẩn”. Trong khi đó, các cấp, ngành chức năng lại không quan tâm đến việc kiểm tra tái công nhận đạt chuẩn cho các trường. Căn cứ vào thời hạn công nhận chuẩn thì đến ngày 15/4/2013, tính số trường đạt chuẩn mức 1 và cả số trường đạt chuẩn mức 2, cả tỉnh chỉ còn 362/1.557 (23,25%) trường đang trong thời hạn được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Tính từ năm học 1997-1998 đến ngày 15/4/2013, toàn tỉnh có 765 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia; trong đó 225 trường mầm non: 405 trường tiểu học, 117 trường THCS và 16 trường THPT. Nhưng theo thời hạn công nhận là 5 năm thì đến ngày 15/4/2013, số trường đạt chuẩn mức 1 và cả số trường đạt chuẩn mức 2, cả tỉnh chỉ còn 362/1.557 (23,25%) trường đang trong thời hạn được công nhận đạt chuẩn quốc gia.


Bài, ảnh: THANH PHÚC