(Baonghean) - Liên kết để cùng phát triển là yêu cầu tất yếu giữa nông dân với doanh nghiệp. Xuyên suốt quá trình đó, các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương vừa là cầu nối, vừa là trọng tài cho mối liên kết bền vững, hiệu quả.
Các sở, ngành cần liên kết lại
Trong lĩnh vực nông nghiệp, có những sở, ngành thường xuyên sâu sát nhất, đó là: Sở NN&PTNT, Sở KH&CN, Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã. Thế nhưng, lâu nay, việc liên kết giữa các sở, ngành nêu trên còn lỏng lẻo, thiếu thống nhất.
Vấn đề quy hoạch vùng sản xuất cây, con được Sở NN&PTNT chủ trì thực hiện dựa trên sự kết nối với các địa phương. Thế nhưng, hầu hết quy hoạch đang chủ yếu dựa theo quỹ đất và điều kiện sản xuất, khả năng chăn nuôi mà chưa căn cứ vào dự báo, phân tích thị trường và khả năng đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Quá trình đó cũng chưa chú trọng lấy ý kiến từ các ngành để phối hợp trong kết nối sản xuất, chế biến, tiêu thụ (ngoại trừ một số cây con được gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp như: mía, sắn, bò sữa, rừng nguyên liệu). Chính vì vậy, sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra luôn bị “yếu thế”: Thiếu thị trường tiêu thụ và thường bị doanh nghiệp, tư thương chèn ép về giá.
Còn Sở Công Thương có nhiệm vụ kêu gọi doanh nghiệp tham gia kết nối cung - cầu, tiêu thụ nông sản cho nông dân thông qua các diễn đàn, hội chợ, hội nghị. Thế nhưng, hiệu quả gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp lại phụ thuộc vào đối thoại giữa các bên và thông thường những thỏa thuận, kết nối đang là hợp đồng miệng. Trong khi đó, do mối liên kết với ngành Nông nghiệp chưa chặt nên khó nắm bắt được số lượng sản phẩm nông nghiệp theo từng cây, con, từng vụ mùa hay từng lứa nuôi…
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, từ khi bắt đầu các quy trình sản xuất, chăn nuôi, ngành Công Thương cần được thông tin để phổ biến cho doanh nghiệp có chiến lược thu mua, chế biến, liên kết bạn hàng tiêu thụ; nhưng lâu nay, chỉ đến khi sản phẩm ra thị trường, ngành Công Thương và doanh nghiệp mới biết… Trong khi đó, nếu phối hợp chặt chẽ, ngành Công Thương (và doanh nghiệp) sẽ nắm được trong vòng 3 tháng tới sẽ có bao nhiêu lúa, ngô, khoai, đậu… và từ 3 - 6 tháng tới sẽ có bao nhiêu gà, vịt, lợn, bò, dê… cung cấp từ nông dân để xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường.
Tương tự, nếu ngành Nông nghiệp phối hợp tốt với Sở KH&CN thì sẽ có nhiều thuận lợi khi triển khai các dự án, đề án đưa giống cây, con mới vào trồng để nâng cao giá trị trên một diện tích và sớm triển khai diện rộng.
Đặc biệt, trong việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản, với yêu cầu dán tem truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thì sự phối hợp càng phải chặt chẽ hơn. Còn với các hợp tác xã nông nghiệp, dù sâu sát với bà con và được chuyển đổi, tiếp cận với nhiều cuộc tập huấn, kiến thức, kỹ năng mới nhưng lâu nay các hợp tác xã mới chỉ phát huy tốt vai trò “bà đỡ” đầu vào về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ máy móc cho xã viên và hộ nông dân; còn việc liên kết lo đầu ra cho xã viên và nông dân lại chưa vươn tới được.
Hiện Nhà nước đang tập trung củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức này nhưng thống kê mới nhất cho thấy, ở Nghệ An chỉ có khoảng 30- 35% HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Do đó, đòi hỏi Liên minh Hợp tác xã cần phối hợp chặt chẽ hơn với các sở, ngành để hỗ trợ các hợp tác xã ở cơ sở.
Khi đề cập đến việc xây dựng mối liên kết này, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Chúng tôi sẽ phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương để nâng cao trách nhiệm quản lý từ rà soát, điều chỉnh và xây dựng quy hoạch cây trồng, vật nuôi theo dự báo thị trường và tình hình thực tế. Bên cạnh việc tổ chức triển khai các chính sách của Trung ương trong lĩnh vực nông nghiệp, sẽ tập trung phối hợp thực hiện tốt các chính sách của tỉnh; nghiên cứu và ban hành chính sách về tập trung, tích tụ ruộng đất nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đồng thời phối hợp chỉ đạo nâng cao năng lực hoạt động của HTX nông nghiệp, tăng cường kết nối doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Cả nước chỉ có 1% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ở Nghệ An, giai đoạn 2011 - 2016, có 35/610 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (khoảng trên 5,7%) nhưng chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và vừa. |
Cần “trọng tài” giữa doanh nghiệp và người dân
Trên thực tế, đã có nhiều mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân được xây dựng nhưng thường rơi vào đổ vỡ sau một thời gian ngắn. Phía doanh nghiệp đổ lỗi cho nông dân bán “trộm” sản phẩm ra ngoài; còn nông dân “tố” doanh nghiệp ép giá, gây khó bằng việc yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng quá cao… Đây là vấn đề tồn tại không riêng ở Nghệ An mà ở phạm vi toàn quốc. Vấn đề đặt ra trong những trường hợp như vậy tổ chức nào sẽ làm trọng tài?
Cách đây khoảng 3 năm, gia đình ông Phan Văn Bình ở làng Đân, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn), được HTX Tam Nông (TP. Vinh) đặt hàng thu mua các loại rau, củ, quả, sản xuất theo quy trình an toàn trên diện tích 1 ha. Mùa nào thứ ấy, gia đình ông trồng các loại rau theo hướng an toàn, không sử dụng thuốc BVTV và hạn chế phân bón hóa học. Tuy nhiên, giữa HTX và gia đình không có hợp đồng bằng văn bản, đến lúc tiêu thụ không ổn định về giá cả thì mối liên kết tan vỡ trong sự bất tín.
Ông Bình mong muốn, khi có tổ chức nào đó đăng ký thu mua sản phẩm cho bà con mang tính lâu dài, chính quyền địa phương cần vào cuộc, làm cầu nối trung gian cho bà con yên tâm sản xuất. Hay cách đây 1-2 năm, huyện Hưng Nguyên phối hợp với 2 doanh nghiệp vào địa bàn phối hợp trồng ớt, cà rốt hàng hóa, nhưng chỉ sau 1 - 2 vụ thu hoạch, doanh nghiệp không tìm kiếm được thị trường đã bỏ mặc cho nông dân tiêu thụ. Còn ở huyện Thanh Chương, theo ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện, trên địa bàn cũng giao cho một số UBND xã ký hợp đồng với doanh nghiệp thu mua nông sản nhưng tính bền vững chưa cao. Rất nhiều kiểu tan vỡ liên kết đã xảy ra theo nhiều cách khác nhau nhưng điểm chung là thiệt hại vẫn thuộc về nông dân.
Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp là yêu cầu tất yếu được chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương. Cốt lõi của vấn đề là giải quyết tốt mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân khi xây dựng liên kết chuỗi giá trị. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Nghĩa Hiếu, trong quá trình liên kết, nông dân là chủ thể nhưng doanh nghiệp là trung tâm của chuỗi giá trị, từ đó các cấp, ngành có giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp. Chính quyền các cấp, nhất là cấp huyện phải làm tốt vai trò quản lý, tác động để chuỗi giá trị có hiệu quả. Đặc thù của sản xuất nông nghiệp hiện đang là quy mô hộ gia đình, không đủ tư cách pháp nhân để ký kết hợp đồng liên kết. Vì vậy, chính quyền xã hoặc Hợp tác xã cần đứng ra ký hợp đồng, ràng buộc pháp lý, cùng với huyện đóng vai trò trọng tài cho mối liên kết đó.
Cho dù trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp đầu tư hiệu quả vào lĩnh vực nông nghiệp bằng việc nhận thuê đất của Nhà nước và đảm nhận tất cả các khâu, tiêu biểu như Tập đoàn TH, Vinamilk… nhưng ở Nghệ An có trên 540.000 hộ dân sản xuất nông nghiệp, họ được cấp quyền sử dụng đất và là chủ thể trong xây dựng chuỗi liên kết với doanh nghiệp với nhiều sản phẩm. Vì vậy, nhanh chóng đưa doanh nghiệp sát cánh cùng nông dân xây dựng chuỗi liên kết cho từng sản phẩm nông sản được xem là hướng đi bền vững.
Việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp có nhiều mô hình, phổ biến là doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra nhưng không đầu tư, không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất. Hình thức này, thực chất chỉ là cách làm "ăn xổi, ở thì", sự ràng buộc về trách nhiệm và quyền hạn pháp lý giữa các bên tham gia chưa bền vững. Mô hình khác là doanh nghiệp đầu tư, có tham gia một phần vào quá trình sản xuất của nông dân và bao tiêu sản phẩm.
Với mô hình nói trên, doanh nghiệp thường đóng vai trò người thu mua, bao tiêu toàn bộ hàng hóa do nông dân sản xuất ra theo một mức giá sàn do doanh nghiệp đặt ra và có ứng trước vật tư, hướng dẫn quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Một mô hình được cho là an toàn là doanh nghiệp đảm nhiệm về chi phí vật tư sản xuất bao gồm: Giống, thức ăn, thuốc...; chỉ đạo nông dân về thời vụ sản xuất, áp dụng kỹ thuật theo quy trình cụ thể, giám sát dịch bệnh, quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm
. Và một mô hình khác là người dân góp vốn cổ phần vào doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản bằng giá trị quyền sử dụng đất. Điểm mạnh của mô hình này là tính hợp tác cao, cùng chia sẻ rủi ro. Thế nhưng, một khi doanh nghiệp bị thua lỗ hay biến động, tài chính không minh bạch thì người nông dân dễ bị thua thiệt.
Có một cách làm đang được một số địa phương thực hiện là nhiều hộ dân cho doanh nghiệp thuê đất (tích tụ ruộng đất) và làm thuê cho doanh nghiệp ngay trên mảnh đất của mình để tạo sự thống nhất trong điều hành từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Để làm được như vậy, cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành từ công tác dân vận, đảm bảo tính pháp lý cho người dân đến tăng cường công tác quản lý. Tất cả các mô hình liên kết đều cần vai trò trọng tài của các sở, ngành và chính quyền các địa phương. Điều cần thiết là chính quyền và các sở, ngành cần thẩm định rõ năng lực của các doanh nghiệp trước khi triển khai liên kết chuỗi giá trị với nông dân để đảm bảo thành công, tạo sự lan tỏa ở các địa phương.
Nhóm PV