Với những người am hiểu chuyên môn thì không phải ông Park cho Tiến Dũng nghỉ ngơi trận gặp U22 Lào, mà đơn thuần là ông đang phải tranh thủ để thử nghiệm Văn Toản. Bất cứ ai đều biết, trận gặp U22 Lào đối phương có đủ áp lực tấn công đâu mà thủ môn phải vất vả. Nhưng rốt cuộc bàn thua xuất phát từ trung vệ Tiến Dụng, trong đó phần lỗi gián tiếp của Văn Toản đã khiến ông Park quyết định quay về phương án cũ.
Nỗi lo người gác đền
Thực ra, ông Park không có nhiều sự lựa chọn cho vị trí thủ môn cho U22 Việt Nam. Các thủ môn trẻ Văn Biểu, Văn Toản sau quá trình xuất sắc đầu V.League 2019 cũng không còn được bắt chính nhiều tại CLB. Kinh nghiệm thi đấu tại các giải quốc tế chỉ là con số 0.
Sau khi từ Thường Châu trở về “thủ môn quốc gia” Tiến Dũng được nhắc đến bởi các vụ lùm xùm bản quyền thương hiệu, đóng quảng cáo nhiều hơn là vấn đề chuyên môn.
Ở cấp độ CLB, Bùi Tiến Dũng trong những lần hiếm hoi bắt chính cho cả Thanh Hóa lẫn Hà Nội. Khi không cạnh tranh được với đàn anh Bửu Ngọc, Thành Thắng thì Tiến Dũng đã “biếu không” B.Bình Dương chiếc cúp vô địch quốc gia 2018 bằng những lỗi chuyên môn sơ đẳng.
Chuyển ra Hà Nội, Tiến Dũng cũng mất luôn vị trí dự bị cho thủ môn Văn Công sau phản xạ chậm chạp khiến Hà Nội thua trên đất Triều Tiên ở AFC 2019. Trong đội hình nhà vô địch V.League 2019, thủ môn người Thạnh Hóa trở nên khá lạc lõng để chính anh thú nhận: “Đội bóng thì thành công, nhưng với cá nhân tôi, đây là mùa giải thất bại”.
Không còn được lọt vào đội tuyển quốc gia, ngay tại U23 Việt Nam thì thủ môn này cũng bộc lộ sự bất ổn về tâm lý. Trong trận gặp U23 Indonesia ở vòng loại VCK U23 Châu Á 20120 cách đây vài tháng, bản thân thủ môn này cũng có những sai lầm nghiêm trọng.
Anh bất cẩn chuyền bóng vào chân đối phương, thậm chí để cầu thủ đối phương đoạt bóng nguy hiểm tới 2 lần, may mắn là lưới đội nhà đã không bị rung lên. Hay tệ hơn là trong trận gặp U23 Hàn Quốc, Tiến Dũng có có pha bắt hụt bóng rất hài hước khiến đội nhà thua tức tưởi.
Thống kê chi tiết thì tại V-League 2 mùa giải qua, “thủ môn quốc dân” này mắc 5 sai lầm nghiêm trọng trong 16 lần ra sân, tỷ lệ sai sót lên tới 31,2%. Trong đó, có tới 3 lần mắc sai lầm ở CLB Thanh Hóa, 2 lần ở CLB Hà Nội là con số quá cao, đối với thủ môn thi đấu ở giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam.
Đó cũng điều lý giải vì sao HLV Đức Thắng (Thanh Hóa), HLV Chu Đình Nghiêm và mới đây HLV Lê Thụy Hải không đánh giá Tiến Dũng. Bởi ngoài khả năng xuất sắc khi bắt penalty thì Tiến Dũng thiếu đi sự ổn định cần thiết, xuất phát từ việc tập luyện. Đó cũng chính là lý do khiến nhà vô địch Hà Nội đã quyết định không gia hạn hợp đồng với Tiến Dũng.
Nỗi lo có thực
Tại cấp độ đội tuyển, mọi thứ còn tồi tệ hơn, tính cả sự hớ hênh trong trận đấu với U22 Indonesia vừa qua, Tiến Dũng đá mắc phải sai lầm thứ 4 sau 6 lần xỏ găng trong năm 2019. Đầu tiên là 2 sai lầm trong trận gặp U23 Indonesia, 1 sai lầm với U23 Hàn Quốc tại vòng loại U23 và 1 sai lầm vừa kể trên, tỷ lệ sai lầm đã lên đến con số báo động 66,6%.
Những điều cổ động viên biết, báo chí biết thì HLV thủ môn Tiến Anh và ông Park đều biết, thậm chí còn rõ hơn rất nhiều lần. Nhưng có lẽ ông Park đang gặp khó khăn thực sự trong quá trình lựa chọn người gác đền cho U22 Việt Nam.
Chê bai hay đổ lỗi cho học trò, vốn không phải là văn hóa cầm quân của ông Park. Trước làn sóng chỉ trích của dư luận, ông nhận lỗi về mình và rất có thể ông vẫn để thủ môn Tiến Dũng ra sân trận gặp U22 Singapore. Nếu có thay, thì phải đến trận gặp U22 Thái Lan may ra Văn Toản mới được vào sân.
Sau sai lầm Tiến Dũng đã từng viết trên mạng xã hội: “Tôi sai đã có các bạn sửa” nhưng người hâm mộ vẫn lo lắng các bạn sửa rồi, liệu có còn sai nữa không?