Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2015 đến ngày 11/2, cả nước ghi nhận 123 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 25 tỉnh, thành phố.
 
- Bệnh sởi đã xuất hiện tại 25 tỉnh, thành phố
 
- Nhiều trẻ bỏ tiêm phòng sởi dễ dẫn tới nguy cơ cao mắc bệnh
 
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2015 đến ngày 11/2, cả nước ghi nhận 123 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 25 tỉnh, thành phố. 
 
Trước tình hình dịch sởi có những diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã yêu cầu cả hệ dự phòng và hệ điều trị đều khẩn trương và nỗ lực vào cuộc để ngăn chặn bệnh sởi cũng như các dịch bệnh khác có thể bùng phát trên diện rộng.
 
Tuy nhiên, về phía cộng đồng, thiết nghĩ người dân cũng cần đồng hành với ngành y tế để chung tay ngăn chặn bệnh sởi không tái bùng phát trên diện rộng.
 
images1130774_5.jpgTiêm vaccin sởi cho trẻ là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Ảnh: TM
 
Bệnh sởi, ho gà và nhiều dịch bệnh khác đe dọa bùng phát
 
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay tại các tỉnh biên giới của Lào, dịch sởi đang tăng cao, người dân Lào qua Việt Nam khám, chữa bệnh nhiều nên việc lây bệnh qua đường hô hấp sang nước ta là hoàn toàn có thể. 
 
Ngoài ra, tại khu vực biên giới của Trung Quốc, sởi xuất hiện từ cách đây 3 năm và hiện nước này vẫn chưa hoàn toàn khống chế triệt để được bệnh. Do đó, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các tỉnh miền núi giáp Lào, Trung Quốc tiêm vaccin sởi - Rubella đồng bộ cho trẻ 1 - 14 tuổi.
 
Về phía các cơ sở điều trị, đại diện BV Nhi TW cho biết, thời gian gần đây, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận rải rác vài ca mắc sởi và phát ban dạng sởi. Còn tại BV Bạch Mai, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, từ đầu mùa, khoa chưa tiếp nhận ca mắc sởi nào. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại dịch sởi có thể bùng phát theo chu kỳ dịch vào thời gian này.
 
Cùng với sự xuất hiện của sởi thì các ca mắc ho gà nhập viện có xu hướng gia tăng trong hai năm gần đây, đặc biệt là ở Hà Nội, trong khi trước đây bệnh ho gà rất ít. Tại BV Nhi TW, tháng 1/2015 có 21 ca mắc ho gà nhập viện, với các đặc trưng ho nhiều, ho dai dẳng. Đây là bệnh dễ gặp ở trẻ nhỏ, lây qua đường hô hấp nên rất dễ lây nhiễm.
 
Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng cũng đưa ra thông tin, ngoài các bệnh sởi, ho gà nói trên, dịp Tết Nguyên đán với thời tiết lạnh như năm nay sẽ thuận lợi cho các bệnh gia tăng như: cúm A, đường hô hấp, tiêu chảy, tai biến mạch máu não, chàm ở trẻ nhỏ...
 
Tăng cường điều trị bệnh sởi
 
Theo Cục Y tế dự phòng, trong số bệnh nhân mắc sởi, có 19% chưa được tiêm ngừa và 80,9% không khai thác được tiền sử trước đó trẻ đã được tiêm chủng hay chưa. Đối với bệnh ho gà, trong số các trường hợp xét nghiệm dương tính ho gà, 100% đều dưới 2 tuổi. Đây là lứa tuổi có chỉ định tiêm vaccin phòng ngừa. 
 
"Nhiều trẻ mắc bệnh do không được tiêm, vì gia đình các cháu không nắm được lịch tiêm; đặc biệt là tâm lý sợ phản ứng sau tiêm chủng của cha mẹ, nên trì hoãn tiêm cho trẻ", PGS. TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh. 
 
Do đó, cha mẹ cần chủ động đưa con em từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccin phòng sởi theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Bố mẹ cũng cần lưu ý đưa trẻ từ 1 - 14 tuổi đi tiêm chủng vaccin phòng bệnh sởi - Rubella đầy đủ và đúng lịch trong Chiến dịch tiêm vaccin sởi - Rubella trên toàn quốc.
 
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho biết thêm, Cục vừa chỉ đạo khối y tế dự phòng và khối điều trị của các địa phương phải phối hợp chặt chẽ để nắm tình hình, diễn biến dịch bệnh dịp cận Tết. Dịp Tết Nguyên đán và các tháng ngay sau Tết lo ngại nhất là dịch bệnh sởi tái bùng phát. Năm 2014 là một minh chứng rõ nét nhất, bệnh sởi bùng phát dữ dội ngay từ đầu năm.
 
Đối với hệ điều trị, ngày 12/2, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết đã gửi công văn yêu cầu các BV, viện có giường bệnh tăng cường công tác điều trị bệnh sởi.
 
Theo đó, các cơ sở KCB cần xây dựng quy trình, sơ đồ tiếp nhận, phân loại người bệnh sởi nghi ngờ sởi tại khu vực khám bệnh và được để sẵn tại nơi tiếp nhận, thăm khám. Đồng thời, bố trí đơn vị thu nhận người bệnh sởi và nghi ngờ mắc sởi riêng biệt tại Khoa Truyền nhiễm và các đơn vị cách ly của các khoa lâm sàng khác trước khi có chẩn đoán xác định sởi. 
 
Các cơ sở KCB cần chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao cần thiết theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi đã được ban hành của Bộ trưởng Bộ Y tế để điều trị bệnh sởi; phân công điều dưỡng có kinh nghiệm tiếp đón, sàng lọc người bệnh ngay tại nơi tiếp đón, phát hiện những trường hợp nghi mắc sởi để hướng dẫn ngay vào buồng khám sởi tại Khoa Khám bệnh.
 
Cùng với việc triển khai các hoạt động trên, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng yêu cầu các đơn vị y tế tổ chức tuyên truyền phát hiện bệnh sởi và hướng dẫn người bệnh biết cách chăm sóc bệnh sởi nhẹ tại nhà và các cơ sở y tế tuyến xã, phường và chỉ đưa đến bệnh viện tuyến trên trong trường hợp cần thiết.
 
Theo Sức khỏe và Đời sống