(Baonghean) - Khoa Cơ khí động lực - Trường Cao đẳng nghề Kinh tế kỹ thuật số 1 Nghệ An là một trong những địa chỉ hàng đầu khi thanh niên lựa chọn học nghề sửa chữa ô tô. 

Cùng sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, nhu cầu đi lại của con người cũng như vận chuyển hàng hóa ngày càng lớn. Điều này không chỉ khiến số lượng phương tiện giao thông gia tăng mà yêu cầu về chất lượng dịch vụ và phương tiện đặt ra ngày càng bức thiết.

Phương tiện giao thông ngày càng nhiều, nhu cầu, tần suất sử dụng lớn dẫn đến một nghề mà xã hội rất cần đó là nghề sửa chữa, chăm sóc xe ô tô. Bất cập ở chỗ các cơ sở chăm sóc bảo dưỡng ô tô thường tập trung ở thành phố, đô thị lớn còn các miền nông thôn rất thiếu và yếu. Vì thế, mỗi khi ô tô hoặc các phương tiện vận tải khác hư hỏng, thường phải kéo về trung tâm để chăm sóc, sửa chữa vừa mất thời gian vừa tốn kém chi phí. 

1500639042233.jpgGiảng viên và học viên bảo dưỡng xe tại xưởng số 1, Trung tâm dịch vụ của nhà trường. Ảnh: Phương Hà

Nhận thấy nhu cầu xã hội là rất lớn, nên ngay từ năm 2006, Trường Dạy nghề số 1 (nay là Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật số 1 Nghệ An) đã tập trung nguồn lực, xây dựng Khoa cơ khí động lực trở thành khoa mũi nhọn, chủ lực của trường, đào tạo nguồn nhân lực bảo dưỡng, sửa chữa ô tô. Mục tiêu cao nhất là các học viên sau khi ra trường có thể làm nghề hoặc lập nghiệp bằng cách mở xưởng sửa chữa, chăm sóc xe ô tô tư nhân ngay tại quê hương mình.

Tuy nhiên, nghề bảo dưỡng, sửa chữa ô tô là một nghề đặc thù, yêu cầu kỹ thuật rất cao, nên ngoài sự dạy dỗ, kèm cặp của các thầy, học viên phải thực sự cầu thị và yêu nghề. Hiện nay, hầu hết các dòng ô tô đều trang bị hệ thống cơ khí, điện, điện tử, điện lạnh hiện đại nên những người thợ ở xưởng vừa phải có trình độ về cơ khí động lực, nhưng đồng thời phải có trình độ vững về điện, điện tử và điện lạnh để đảm bảo việc sửa chữa, hoàn thiện một chiếc ô tô. Mặc dù chi phí mở xưởng không lớn nhưng để tạo được uy tín, thương hiệu qua đó hút khách là cả một quá trình, đặc biệt là trình độ tay nghề của người thợ.

Nắm bắt được xu thế này, nhiều thanh niên nông thôn sau khi rời trường phổ thông, thay vì chọn con đường vào đại học, họ đã thể hiện quyết tâm bằng cách đăng ký vào học nghề sửa chữa ô tô. Đây là lý do để Khoa Cơ khí động lực - Trường Cao đẳng nghề Kinh tế kỹ thuật số 1 Nghệ An là một trong những địa chỉ hàng đầu khi thanh niên lựa chọn học nghề sửa chữa ô tô. Sau khi học tại trường, nhiều người đã tự mở xưởng tư nhân trên địa bàn tỉnh.

Xưởng sửa chữa ô tô tư nhân của anh Nguyễn Văn Việt ở xóm 12, Xuân Hòa (Nam Đàn). Ảnh: Phương Hà

Có thể kể đến những điển hình mở xưởng và thu được thành công như anh Lê Mạnh Linh ở xóm 2, Nghi Ân hay anh Nguyễn Văn Thắng ở xóm 15, Nghi Phú (TP. Vinh); Nguyễn Võ Thành ở xóm 14, Nghi Phong (Nghi Lộc); Nguyễn Văn Việt ở xóm 12, Xuân Hòa (Nam Đàn); Nguyễn Đình Hương ở xóm 5, Mã Thành (Yên Thành); Đặng Huy Tình ở thị trấn Hương Sơn (Hà Tĩnh); Nguyễn Hữu Chính ở xóm Thành Sơn, Tây Thành (Yên Thành)…

Sau hơn 10 năm kết hợp công tác đào tạo chuyên sâu với việc mở Xưởng sửa chữa ô tô số 1 thuộc Trung tâm sản xuất và dịch vụ do đội ngũ giảng viên nhà trường làm chủ để sửa chữa ô tô trên địa bàn thành phố Vinh. Cùng với trình độ tay nghề cao và kinh nghiệm nghề nghiệp tích lũy, Xưởng đã tạo được uy tín, thương hiệu riêng khi định kỳ có hàng trăm khách hàng tin tưởng đưa ô tô đến bảo dưỡng, sửa chữa.

Việc cơ sở có nhiều phương tiện vào sửa chữa là cơ hội để học viên của nhà trường vừa học cơ bản ở trường vừa cùng thầy làm quen với các loại động cơ mới. Họ được làm quen từ những lỗi nhỏ đến các hỏng hóc khó, đa dạng trong thực tiễn. Từ đây, nhiều học viên học được cách xây dựng mô hình và quản lý xưởng, quy trình kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa ô tô.

Bảo hành, chăm sóc xe tại xưởng sửa chữa ô tô Mạnh Linh của một cựu học viên nhà trường. Ảnh: Phương Hà

Nhờ được sự đào tạo, sự chịu khó quyết tâm nên nhiều học viên ra trường đã lập được xưởng riêng, trong đó có người từ tay trắng lập nghiệp, đến nay đã có cơ ngơi riêng và thu nhập trên cả chục triệu đồng/tháng. Anh Nguyễn Văn Việt, cựu học viên của trường, hiện là chủ xưởng ở xóm 12, Xuân Hòa, Nam Đàn cho biết: Mở xưởng sửa chữa ô tô do chính mình làm chủ là ước mơ từ nhỏ của tôi . Để có được kết quả như hôm nay, tôi phải chịu khó học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp từ các thầy, cô và đặc biệt là phải có đam mê với nghề.

Thầy Nguyễn Trọng Thuyên - Trưởng khoa Cơ khí động lực cũng cho biết: để kịp thời cập nhật công nghệ mới, trao đổi kinh nghiệm, nhà trường đã lập trang fanpage kết nối các xưởng tư nhân do các cựu học viên của trường làm thành viên nhằm xây dựng và nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ ở các xưởng.

Mở xưởng sửa chữa ô tô tư nhân ngay trên chính mảnh đất của quê mình không chỉ là niềm tự hào của cả gia đình và làng xã, mà còn là một nghề vừa mang tính công nghệ kỹ thuật vừa cho thu nhập khá cao cho mỗi người thợ chân chính.

Phương Hà

TIN LIÊN QUAN