(Baonghean) - Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, tại thôn An Thổ, xã An Lập, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Cuộc đời của đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng đồng chí đã kịp hoàn thành nhiều việc lớn mà ý nghĩa của nó sẽ còn lại mãi mãi với sự nghiệp của Đảng và của dân tộc. Tấm gương chói sáng của đồng chí đã hội tụ những giá trị và phẩm chất cao quý, để lại những bài học sâu sắc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Năm 1925, đồng chí tham gia thành lập Hội Phục Việt (sau đổi thành Hưng Nam rồi Tân Việt cách mạng Đảng). Tháng 7 năm 1926, đồng chí Trần Phú được cử sang Quảng Châu để gặp các đồng chí lãnh đạo tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, để bàn việc hợp nhất Hội thanh niên với Tân Việt. Tại đây, đồng chí Trần Phú được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc và được huấn luyện về chủ nghĩa Mác - Lênin và về kinh nghiệm cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga. Đầu năm 1927, đồng chí được cử sang học tại Trường Đại học Phương Đông, Liên Xô.

Tháng 4/1930, đồng chí Trần Phú về nước, được bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và được giao trách nhiệm khởi thảo bản Luận cương chính trị của Đảng. Bản luận cương này được Hội nghị Trung ương lần thứ nhất họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) tháng 10/1930 thông qua. Cũng tại Hội nghị này, đồng chí Trần Phú được cử làm Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trên cơ sở phân tích những đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội ở nước ta hồi bấy giờ, bản luận cương chính trị đã phân tích sâu sắc đặc điểm tình hình thế giới và Đông Dương, luận cương khẳng định: "Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một đảng cộng sản có một đường lối chánh trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng, và từng trải đấu tranh mà trưởng thành. Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc mà đại biểu quyền lợi chánh và lâu dài chung cho cả giai cấp vô sản ở Đông Dương và lãnh đạo vô sản giai cấp Đông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản".(1)

Bản luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo đã làm rõ mục đích, nhiệm vụ, bước đi, động lực cách mạng, vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản và đảng của giai cấp vô sản, tầm quan trọng của sức mạnh đoàn kết quốc tế đối với cách mạng Việt Nam. Những nội dung này cơ bản thống nhất với Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị hợp nhất đầu năm 1930, Luận cương chính trị đã góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng vượt qua những thử thách, từng bước đi tới thắng lợi vẻ vang. Đây là một văn kiện lịch sử, góp phần cụ thể hóa một vấn đề về đường lối cách mạng ở nước ta. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá sau này: “Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân - không ngừng củng cố và tăng cường".(2)

Sau Hội nghị lần thứ nhất, trên cương vị mới, Tổng Bí thư Trần Phú đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương cụ thể hóa đường lối cách mạng nêu trong Luận cương chính trị cũng như trong Chính cương vắn tắt của Đảng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra trước đó, kịp đề ra những chủ trương thích hợp, từng bước đưa phong trào cách mạng tiến lên.

Giữa lúc phong trào cách mạng nước ta đang có những bước phát triển mới thì ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt. Rất tiếc, cả một chương trình hành động đồng chí đã đề ra mà chưa kịp thực hiện.

Trước lúc hy sinh, đồng chí dặn lại: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Lời nhắn gửi này có giá trị động viên rất to lớn trong hoàn cảnh kẻ thù đang ra sức đàn áp hòng tiêu diệt Đảng ta.

Tổng Bí thư Trần Phú mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng ta và phong trào cách mạng của nhân dân ta, đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tạp chí Quốc tế Cộng sản số 5/1932 đã đăng bài Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó có đoạn kết: “Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú của chúng ta đã hy sinh, nhưng tên tuổi của đồng chí sẽ vĩnh viễn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đông Dương cũng như sống mãi trong trái tim của những người lao động Đông Dương các thế hệ hôm nay và mai sau. Sự nghiệp cách mạng của đồng chí, lòng trung thành và thái độ bất khuất của đồng chí trong nhà tù đế quốc mãi mãi là tấm gương cho những người cộng sản ở tất cả các nước và nhất là cho những người cộng sản Đông Dương"…

"… Chỉ có thắng lợi cuối cùng của chúng ta đối với kẻ thù giai cấp mới có thể trả thù được cho cái chết anh hùng của đồng chí Tổng Bí thư và hàng chục ngàn chiến sĩ khác đã ngã xuống như Trần Phú trong cuộc đấu tranh bền bỉ để bảo vệ sự nghiệp vĩ đại của cách mạng thế giới"(3).

Nói về đồng chí Trần Phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ca ngợi: "Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng". “Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng”(4).

82 năm kể từ ngày Tổng bí thư Trần Phú về cõi vĩnh hằng, mặc dầu trải qua bao thăng trầm nhưng Đảng và nhân dân ta vẫn một mực kiên định, quyết tâm thực hiện đúng chủ trương, đường lối cơ bản đã nêu trong Cương lĩnh đầu tiên, từng bước “đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ, trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội”.

“Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”- lời dặn của đồng chí Trần Phú 82 năm về trước vẫn còn nguyên giá trị, là lời nhắc nhở, thôi thúc chúng ta kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa sự nghiệp cách mạng của đất nước ta, dân tộc ta tiếp tục giành được những thắng lợi to lớn trong tình hình mới.
-----------------
(1). Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng, T2, Sđd, tr 100.
(2).Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.9.
(3). “Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương (thư của một chiến sĩ cộng sản gửi từ Sài Gòn, ngày 26/2/1932, tiếng Pháp). Hồ sơ Quốc tế Cộng sản, ký hiệu 495.154.648. Bài đã đăng trên tạp chí Quốc tế Cộng sản số 5/1932.
(4). T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.56-57.

Nguyễn Văn Thanh (Đông Hà- Quảng Trị)