(Baonghean) - Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin huyện Con Cuông được thành lập 7/2010, với gần 100 thành viên đầu tiên, cho đến nay, toàn huyện đã có 10/13 xã thị thành lập được hội cơ sở. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, tổ chức Hội đã nỗ lực tìm cách vận động và tập hợp những giá trị nhân đạo, kết nối những tấm lòng vàng để chăm lo tốt hơn cho đời sống các nạn nhân...
 
Cầm sổ tiết kiệm 1 triệu đồng trên tay do Phó chủ tịch huyện Vi Văn Kim trao tặng, ông Lô Văn Nghệ (bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam thôn Tiến Thành, xã Chi Khê) không kìm nổi xúc động. Từng tham gia làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào, bản thân ông và 3 người con đều bị nhiễm chất độc da cam, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn.

 Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Quyết trao quà cho gia đình nạn nhân CĐDC ở khối 6 - Thị trấn Con Cuông.

Hưởng ứng cuộc phát động "Hành động vì nạn nhân chất độc da cam", cán bộ chủ chốt của huyện đã đăng ký nhận giúp đỡ trực tiếp hàng chục nạn nhân. Sau một tháng phát động, đến cuối tháng 7/2011, toàn huyện đã có 20 tổ chức, 20 cá nhân nhận giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam bằng các hình thức: trao tiền mặt hỗ trợ sinh kế; tặng sổ tiết kiệm; thăm hỏi tặng quà... với tổng trị giá 50 triệu đồng.
 
Không chỉ đóng góp quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam theo qui định mà các tổ dân cư của xã Chi Khê (Con Cuông) còn vận động nhân dân hỗ trợ ngày công giúp đỡ nạn nhân. Nạn nhân Lương Văn Yêm (bản Liên Đình, xã Chi Khê) chia sẻ: "Nhà làm trang trại, công việc nhiều, là trụ cột gia đình nhưng do sức ép chiến tranh, tôi thường xuyên đau ốm, trong nhà có 2 con bị di nhiễm chất độc da cam... Rất may có bà con láng giềng giúp đỡ, gặt hái, cấy, cày giúp, nên gia đình cũng làm kịp thời vụ."
 
Thực hiện "Tháng hành động vì nạn nhân da cam" năm 2011, MTTQ huyện phối hợp với huyện Hội đã kêu gọi, phát động các tổ chức cá nhân chung tay góp sức xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân da cam trên địa bàn. Đối với các doanh nghiệp tư nhân, ngoài kêu gọi, phát động, tổ chức Hội còn trực tiếp đến vận động đóng góp; tham mưu cho huyện khi cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp ký cam kết "chia sẻ lợi nhuận với các hoạt động phúc lợi xã hội"... Đối với nông dân, những người không hưởng lương, Hội cơ sở có sự linh hoạt trong vận động: chọn thời điểm phát động thích hợp; mức đóng góp phù hợp; kêu gọi mọi người dân hỗ trợ nạn nhân bằng nhiều hình thức tùy theo đặc điểm, tình hình, hoàn cảnh của từng bộ phận dân cư...
 
Hiệu quả hoạt động Hội  nạn nhân chất độc da cam/ điôxin Co Cuông mang lại có ý nghĩa to lớn; thực sự là cầu nối giữa tấm lòng cộng đồng với nạn nhân da cam; góp phần sẻ chia nỗi đau, xoa dịu những bất hạnh mà các nạn nhân phải gánh chịu...

Duy Nam