"Nằm về phía Tây- Nam của huyện Con Cuông), xã Môn Sơn đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam. Trong phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh năm 1930-1931, Môn Sơn là địa bàn vùng miền núi dân tộc thiểu số đầu tiên của tỉnh Nghệ An có chi bộ Đảng cộng sản ra đời vào tháng 4 năm 1931".

Đầu năm 1931, đứng trước bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh tại các huyện miền xuôi bị thực dân Pháp đàn áp, khủng bố giã man. Để bảo vệ lực lượng và duy trì cơ sở cách mạng, Đảng chủ trương rút vào hoạt động bí mật, các cơ quan của Đảng phải chuyển lên vùng núi phía Tây- Nam, để vừa hoạt động vừa củng cố, tăng cường lực lượng. Xứ uỷ Trung Kỳ cử đồng chí Chắt Lũ ( tức Lê Xuân Đào); Tỉnh uỷ Nghệ An cử đồng chí Nguyễn Hữu Bình (tức Bình Định); Phủ uỷ Anh Sơn cử đồng chí Lê Mạnh Duyệt vào khu vực Đồng Khùa (thuộc xã biên giới Môn Sơn) để tuyên truyền, gây dựng cơ sở. Các đồng chí đó đã tìm đến nhà ông Vi Văn Khang (ông Khang là người dân tộc Thái, có học thức, hiểu biết sâu rộng và là con nhà khá giả, có lòng yêu nước).

Được Đảng giác ngộ, hướng dẫn, tuyên truyền, ông Khang thấm nhuần lý tưởng của Đảng và vận động thêm các ông: Vi Văn Hạnh, Vi Văn Quý, Vi Văn Lâm... là những thanh niên người dân tộc Thái, có học thức và có lòng yêu nước, tham gia hoạt động cách mạng. Đầu tháng 4 năm 1931, Chi bộ Đảng Môn Sơn được thành lập. Chi bộ có 5 đảng viên: Vi Văn Khang, Lê Mạnh Duyệt, Vi Văn Quý, Vi Văn Hạnh, Trần Ngân, do đồng chí Vi Văn Khang làm bí thư. Chi bộ Đảng ra đời đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng trong đồng bào các dân tộc thiểu số nơi vùng sâu biên giới này. Cuối tháng 4-1931, chi bộ họp bàn, thống nhất thành lập các tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ. Nông hội đỏ kêu gọi được 65 hội viên tham gia, được chia thành 12 tổ, có phân công tổ trưởng, tổ phó chỉ huy; Tự vệ đỏ tập hợp được 20 đội viên. Đây có thể khẳng định là những tổ chức quần chúng đầu tiên ra đời dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ Đảng.

Ngay sau khi thành lập, chi bộ đã lãnh đạo đồng bào các dân tộc thiểu số Môn Sơn đứng lên đấu tranh với bọn cường hào là chủ thầu buôn bán gỗ. Cuộc đấu tranh thắng lợi, bọn cường hào phải nới tay, bọn chủ thầu phải trả công cho đúng với đòi hỏi của nhân dân trong việc khai thác gỗ cho chúng.

Tháng 7/1931, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, Nông hội đỏ tổ chức cuộc biểu tình có trên 200 người tham gia. Nhờ có sự hỗ trợ của Tự vệ đỏ, đoàn biểu tình đã kéo đến nhà địa chủ Ái tại xóm Cửa Rào, phá kho, lấy thóc, quần áo, vải, Bạc nén chia cho dân nghèo. Ngày 9-8-1931, chi bộ tổ chức cuộc biểu tình có trên 300 người tham gia. Đoàn biểu tình giương cao cờ đỏ búa liềm thị uy qua hai xã Môn Sơn và Lục Dạ, sau đó kéo thẳng đến nhà Phó Tổng và Phó Chánh Đoàn Phu phá kho, lấy thóc chia cho những gia đình bị đói và giúp nhân dân xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn) bị thực dân Pháp khủng bố giã man.

Mặc dù sau đó phong trào cách mạng nơi đây bị đàn áp dã man, các đồng chí cán bộ của Đảng như Vi Văn Khang bị địch bắt, tù đày. Ngày 25/8/1945, hưởng ứng lời kêu gọi tổng khởi nghĩa, đồng bào các dân tộc Môn Sơn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã nhất tề đứng lên đánh đổ bọn Cường hào, ác bá, giành chính quyền, sau đó kéo ra huyện lỵ tham gia cướp chính quyền từ tay Pháp, Nhật, đánh đổ bọn phong kiến tay sai, giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân.

Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, Môn Sơn là lá chắn vững chắc, là phên dậu vững bền của Biên giới Việt - Lào. Ngoài bảo vệ tốt 33 km đường biên, Môn Sơn vừa sản xuất, vừa chiến đấu giỏi. Năm 1996, Môn Sơn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang. Trong công cuộc đổi mới, nhân dân Môn Sơn vẫn đi đầu trong lao động sản xuất và xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Môn Sơn vẫn là nơi cung cấp nguồn cán bộ cho tỉnh, cho huyện, là vựa thóc lớn nhất của huyện Con Cuông. Từ một chi bộ đầu tiên chỉ có 5-6 đảng viên, đến nay Đảng bộ Môn Sơn đã ngày càng lớn mạnh, hiện có 20 chi bộ với 267 đảng viên. Đảng bộ liên tục nhiều năm đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.

Sự ra đời của chi bộ Đảng vùng miền núi dân tộc thiểu số đầu tiên của miền Tây- Nam xứ Nghệ và những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc nơi đây, đánh dấu một bước phát triển mới, thổi bùng lên, nhân rộng thêm ngọn lửa cách mạng, tô đẹp thêm trang sử vàng chói lọi của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Hàng năm vào tháng 4, đồng bào các dân tộc Môn Sơn, tổ chức lễ hội kỷ niệm thành lập Chi bộ Đảng Môn Sơn, để ôn lại truyền thống hào hùng tri ân công lao của các vị tiền bối vừa nhắc nhở con cháu hướng về nguồn cội lịch sử, cố gắng vươn lên, thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương, để ngọn lửa cách mạng mãi mãi cháy sáng nơi biên thuỳ Tây - Nam xứ Nghệ.


Vi Xuân Giáp