Việc nối, gắn mi giả tuy có làm đẹp tức thời nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy hại như viêm nhiễm ở giác mạc hay mí mắt, các dị ứng, sưng nề mí mắt.
Trong quá trình nối mi sẽ cần tới một nhíp để gắn chính xác từng lông mi giả vào lông mi thật bằng một loại chất kết dính và chất kết dính này có thể chứa formaldehyde - có thể gây dị ứng.
TS Amy Zhang, bác sĩ nhãn khoa tại Trung tâm Y tế trường ĐH Hospital Case (Cleveland, Hoa Kỳ) cho biết trên CBS news: “Các sản phẩm keo dính nếu bị dây vào giác mạc sẽ gây kích ứng thậm chí là tổn thương lâu dài”.
Ngoài ra, một số khách hàng có thể bị mất lông mi thật, thậm chí không mọc lại lông mi khi gắn mi giả liên tục. Bởi quá trình dán và gỡ các lông mi này có thể gây hại cho mi thật, gây rụng lông mi.“Khi nang lông liên tục chịu áp lực, nó sẽ không thể phát triển bình thường”, TS Amy giải thích.
Việc nối mi cũng dẫn tới viêm nhiễm ở giác mạc hay mí mắt (vi khuẩn cũng có thể phát triển trong lông mi giả), các dị ứng, sưng nề mí mắt nếu cơ thể nhạy cảm với chất kết dính (thành phần trong keo dán và chất gỡ mi giả thường không có tiêu chuẩn chặt chẽ).Và khi các sợi mi giả rơi rụng dần trong quá trình sinh hoạt như rửa mặt, rụi mắt..., bạn sẽ lại phải mất thời gian và tiền bạc để tiếp tục nối mi.
ThS Roshini Rajapaksa, BTV y tế của Health, khuyên: Nếu bạn quyết định nối mi thì nên tìm hiểu kỹ. Hãy đến những viện thẩm mỹ uy tín, kiểm tra xem các đồ dùng nối mi có đảm bảo chất lượng, được chứng nhận không. Và nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa.
Báo Trí thức trẻ đưa tin, khi sử dụng, lớp mi nhân tạo sẽ phải đè lên hàng mi thật ở thời gian dài. Ngoài ra, lúc tháo lông mi giả, bạn có thể vô tình kéo bay cả những sợi lông mi thật.
Hơn nữa, các loại keo dán mi chứa chất kích thích mang đến nhiều nguy hiểm. Lặp đi lặp lại việc nối dài mi sẽ gây ra chứng bệnh rụng mi. Điều này có thể dẫn đến tổn thương các nang lông, đồng thời làm chậm, thậm chí khiến quá trình phát triển lông mi bị ngưng trệ vĩnh viễn.
Hiện mi giả đa phần không có nguồn gốc rõ ràng, chất dán mi cũng có nhiều loại khác nhau. Các cơ sở làm đẹp muốn giảm giá thành thường dùng chất dán rẻ tiền, không rõ thành phần, mập mờ chất lượng.
Nhiều loại keo khi gặp nước như khi đi trời mưa, rửa mặt hay đi biển thì keo rất dễ bong, lem nhem mắt. Nếu đưa tay dụi, vô tình đưa keo dán vào trong mắt, tạo điều kiện viêm mắt, hỏng giác mạc...
Theo SK&ĐS