Nỗi đau từ một vụ án
Hơn 7 tháng trôi qua kể từ ngày đứa con trai tử vong, ông Nguyễn Văn Quang (SN 1971, trú thôn Yên Xuân, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương) vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau. Hàng ngày, ông vẫn lặng lẽ thắp lên bàn thờ con nén hương như phần nào vơi bớt nỗi nhớ mong đứa con trai mà ông thương yêu hết mực.
“Hôm đó, tôi đang ở nhà thì mấy đứa cháu trong xóm vào báo tin “anh Linh bị tai nạn”. Tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản, chắc cháu chỉ bị va quệt nhẹ thôi. Nhưng khi ra đến nơi, tôi thấy cháu nằm nơi vệ đường, máu đầy mặt và đã tử vong”, ông Quang bắt đầu câu chuyện với chúng tôi trong tiếng khóc sụt sùi.
Nguyễn Văn Linh (SN 1998) là con út trong gia đình có 3 anh em. Sau 12 năm học, Linh nộp đơn xin vào học trung cấp nghề sửa chữa xe ô tô. Khi nhận giấy báo, Linh không đi học mà xin bố mẹ được vào Đà Nẵng làm công nhân cầu đường với mục đích kiếm tiền để trang trải việc học sau này. Làm được hơn 3 tháng, Linh xin nghỉ ít ngày để về quê giỗ bà nội, thăm bố mẹ. Và đó cũng là lần cuối cùng vợ chồng ông Quang được gần gũi con.
“Hôm đó cháu nó xin phép đi chơi ở xã Thanh Thủy với bạn vì hôm sau phải tiếp tục vào Đà Nẵng làm việc. Lúc đi, nó còn nói tối sẽ về ăn cơm với bố, với mẹ nhưng không ngờ cháu đi mãi”, ông Quang cho biết.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 12 giờ 30 phút ngày 5/11/2018, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Văn Trường (SN 2005, trú xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương) và 3 người nữa đến nhà Lê Thị Quyền Anh (SN 2005, trú xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương) để chơi.
1 giờ sau, Nguyễn Hữu Chiến (SN 2002, trú xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương) điều khiển xe máy chở Nguyễn Văn Chiến (SN 2003, trú xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, anh trai ruột của Trường) cùng Đinh Bá Dũng (SN 2003, trú xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương) đến nhà Quyền Anh để tìm và đưa Trường về, vì nghĩ Trường bỏ nhà đi.
Tại đây, Dũng đã dùng tay tát hai cái vào vùng mặt của Trường và tát hai cái vào vùng mặt của Khánh - một người trong nhóm. Thấy vậy, Linh nói với Dũng: “Răng mi lại đánh em tau, hắn mần chi mi mà mi lại đánh hắn”, Dũng nói: “Em xin lỗi, em nỏ biết có chi anh thông cảm”.
Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, Nguyễn Hữu Chiến, Dũng đi về nhà. Khi đi đến khu vực rú Nguộc thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, Dũng phát hiện thấy Linh điều khiển xe máy chở Quyền Anh và Khánh. Dũng nói với Nguyễn Hữu Chiến: “Rệt theo thằng nớ giữ lại tau cấy”.
Khi đi đến phía bên kia Cầu Rộ, thấy Linh điều khiển xe máy chở Quyền Anh và Khánh cách khoảng 5 mét, Nguyễn Hữu Chiến cầm mũ bảo hiểm đập trúng phần “mặt nạ” xe máy của Linh, chiếc mũ bảo hiểm văng lên trúng vào mặt làm Linh điều khiển xe lao ngã xuống đường.
Hậu quả làm Linh chết tại chỗ, Quyền Anh được mọi người đưa đi cấp cứu điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An và đến ngày 14/11/2018 thì tử vong, Khánh bị thương, chiếc xe máy của Linh bị hư hỏng.
Nguyễn Hữu Chiến sau đó bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An truy tố về tội “Giết người” và ngày 26/4 vừa rồi, bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt 17 năm tù.
HĐXX nhận định vào thời điểm phạm tội, Nguyễn Hữu Chiến chưa đủ 18 tuổi, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, tâm sinh lý phát triển chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, bị cáo phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng với 3 tình tiết định khung, do vậy cần phải đưa ra mức án tương xứng, đủ sức răn đe và phòng ngừa chung.
Bài học từ những mâu thuẫn nhỏ...
Khi nhắc lại vụ án thương tâm này, bà Nguyễn Thị Hằng (mẹ nạn nhân Quyền Anh) cho rằng, không ai muốn xới lại nỗi đau vì không chỉ gia đình bà mà cả gia đình ông Quang, gia đình ông Nguyễn Hữu Hào (bố Nguyễn Hữu Chiến) đều đau xót.
“Vì sự bồng bột của tuổi trẻ mà 2 gia đình mất con mãi mãi, 1 gia đình thì có con vướng lao lý. Nhưng trong xã hội bây giờ, những mâu thuẫn nhỏ nhặt của thanh niên rất nhiều, nếu không lấy đây làm bài học sâu sắc thì có thể sẽ có những vụ án tương tự và có những gia đình phải gánh chịu nỗi đau như gia đình chúng tôi”, bà Hằng ngậm ngùi nói.
Từ khi mất con, bà Hằng đêm nào cũng khóc, cứ nghĩ về con bà lại càng đau buồn. Dù tìm đủ lý do, bà cũng không thể giải thích được vì sao con gái mình lại ra đi oan uổng như thế.
“Tôi không mong muốn cháu Chiến bị tòa tuyên phạt nhiều năm tù, bởi nếu thế thì tương lai của cháu cũng sẽ rất mờ mịt. Nhưng gia đình tôi cũng mong muốn có một bản án nghiêm minh, để lớp trẻ nhìn vào đó mà đúc rút cho mình được những bài học, để trước khi có một hành động gì thì hãy nghĩ đến người khác, nghĩ đến bản thân và bố mẹ ở nhà”, bà Hằng vừa khóc vừa nói.
Cùng chung suy nghĩ, ông Nguyễn Văn Quang cho rằng, nhắc lại sự việc này cũng chẳng khiến con ông có thể sống trở lại, nhưng cũng không thể trốn tránh một sự thật rằng, cháu Linh đã ra đi oan uổng, khi tuổi đời còn rất trẻ, tương lai đang còn ở phía trước.
“Nói không trách, không giận cháu Chiến thì không đúng với lương tâm làm bố, nhưng chúng tôi cũng không thể mang lòng thù hận với gia đình cháu Chiến được. Chúng tôi chỉ trách họ đã không giáo dục con cẩn thận, để cháu gây ra tội lỗi như thế này”, ông Quang nói và cho rằng, việc tòa án xử Chiến 17 năm tù thì ông không có ý kiến, bởi tòa xử là theo quy định pháp luật chứ không phải vì gia đình nào đau hơn gia đình nào.
Tại thời điểm gây án, Nguyễn Hữu Chiến mới 16 tuổi 9 tháng 5 ngày và đang học lớp 11. Khi được HĐXX cho nói lời cuối cùng, Chiến quay lại phía sau, nhìn mặt gia đình 2 nạn nhân, nhìn mặt bố mẹ rồi khóc.
“Cháu xin lỗi gia đình anh Linh, xin lỗi gia đình em Quyền Anh. Chỉ vì hành động dại dột của cháu mà 2 gia đình mình đã mất con, dù cháu có làm gì đi nữa thì cũng không thể đưa con về cho các bác. Cháu xin HĐXX cho cháu một mức án nhẹ nhất để cháu có thể sớm trở về với gia đình, chuộc lại những lỗi lầm do mình gây ra”
Khi chúng tôi đi tìm hiểu lại vụ án thương tâm này, gia đình Nguyễn Hữu Chiến đã đền bù khắc phục cho 2 gia đình cháu Linh và cháu Quyền Anh hơn 125 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn đối với một gia đình nông dân nhưng vào lúc này, họ cũng phải “cắn răng” vay mượn để phần nào khắc phục được những mất mát mà đứa con của họ gây ra cho gia đình khác.
Bởi họ cũng hiểu rằng, tiền thì có thể làm ra nhưng con người một khi đã mất đi thì không thể trở lại.