Anh Công từng đi bộ đội năm 1984, đóng quân ở chiến trường Tây Nam Campuchia, đến năm 1987 anh phục viên về quê làm ruộng, lại bị tổn thương thần kinh trung ương, nặng tai, thoát vị bẹn đã phải mổ đến 21 lần nhưng vẫn chưa khỏi bệnh.
Anh kết hôn với chị Phạm Thị Thúy (SN 1970), lần lượt 4 đứa con gái ra đời, nhưng bất hạnh cứ liên tục ập đến với anh chị. Con gái đầu lòng là Đinh Thị Mỹ Linh (SN 1994) sinh ra khỏe mạnh, bình thường, lên 5 tuổi, bỗng dưng một hôm đi học mẫu giáo về, kêu đau chân không thể đi được. Anh Công đã đưa cháu đi khắp các bệnh viện Nhi Nghệ An, Nhi Trung ương… điều trị hàng năm trời, vừa uống thuốc vừa châm cứu, kết hợp vật lý trị liệu nhưng cháu cứ oặt người mềm nhũn trên giường bệnh, đến tháng 10/2002 thì cháu mất.
Vợ chồng anh Công và hai đứa con mắc bệnh hiểm nghèo. Ảnh: Hà Linh Rồi con gái thứ ba là Đinh Thị Vân Khánh (SN 2011), ban đầu cháu cũng khỏe mạnh, bình thường như bao trẻ khác. Lên 2 tuổi, sức khỏe của cháu cứ yếu dần, hay ốm đau. Năm 2013, vợ chồng anh Công đau đớn khi phát hiện chân con ngày càng mềm nhũn. Những dấu hiệu bệnh tật của bé Khánh Vân và hành trình chữa bệnh cũng tương tự như của chị Mỹ Linh trước đó. Bé thường xuyên sốt cao và co quắp, liệt cả người không thể đi, ngồi được, tay chân cũng không cử động được. Ngay cả nhai, nuốt cũng khó khăn, các cơ hàm kéo cứng lại nên mỗi lần cho bé ăn cháo, uống thuốc rất vất vả.
Anh Công đưa bé đi các bệnh viện chạy chữa, bác sỹ kết luận Vân Khánh bị tổn thương thần kinh não và khẳng định do ảnh hưởng chất độc da cam, bệnh của bé sẽ phải theo chữa trị dài ngày. Theo lịch hẹn, sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất này, hai bố con sẽ vào Bệnh viện Nhi đồng 2 ở Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục chữa trị.
Trong khi bố cùng chị đi chữa bệnh ở các bệnh viện trong Nam, ngoài Bắc thì ở quê nhà, mẹ phải cùng em út Đinh Thị Mai A. (SN 2014) “chiến đấu” với bệnh động kinh, nhiễm trùng máu và men gan cao. Thi thoảng em lại lên cơn sốt cao và lên cơn co giật, vì men gan cao nên không được uống thuốc hạ sốt. Mỗi tháng ít nhất một lần em A. phải vào Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An để điều trị, cấp cứu...
Bé Vân Khánh ban đầu cũng khỏe mạnh, nhanh nhẹn nhưng đã phát bệnh từ khi hơn 2 tuổi. Ảnh: Hà Linh Anh Công nghẹn ngào: “Vợ chồng tôi thực sự không biết đường hướng nào nữa, cứ thấy bệnh viện, thấy bác sỹ là như thấy cái phao để níu giữ, hy vọng chữa trị để giữ mạng sống cho con”. Vợ anh, chị Thúy bị bệnh tim, thường xuyên phải uống thuốc. Hiện nay, anh chị đang cố gắng làm một sào rưỡi ruộng để có gạo ăn, sinh 4 đứa con thì chỉ có người con gái thứ hai khỏe mạnh, bình thường, sau khi học xong, cháu đã phải đi làm thuê để phụ giúp bố mẹ chữa bệnh cho hai em.
Cán bộ chính sách xã Thanh Hòa cho biết, dù xác định anh Công và các con nhiễm chất độc da cam, nhưng không đủ các điều kiện hồ sơ để trình xét chế độ hỗ trợ cho anh Công và các con của anh. Để chữa bệnh cho các con và duy trì cuộc sống thường ngày, số nợ mà vợ chồng anh Công vay anh em, họ hàng, xóm làng, Quỹ tín dụng, Ngân hàng Chính sách đã lên đến trên 100 triệu đồng. hưng bệnh của hai cháu không thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm. Ngôi nhà cấp 4 đang ở là khối tài sản cuối cùng đã được hai vợ chồng tính đến là phải bán để trả nợ và chữa bệnh cho con…
Ngày Tết đang đến gần nhưng vợ chồng anh Công - chị Thúy không biết xoay xở làm sao vay mượn số tiền 30 triệu đồng để ra Tết đưa con vào Thành phố Hồ Chí Minh điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 2. Rất cần sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để giúp anh chị có điều kiện chữa bệnh cho con.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về anh Đinh Xuân Công, xóm Hòa Trung, xã Thanh Hòa (Thanh Chương), số điện thoại: 01658.064.756
Hoặc Phòng Phát hành - Hoạt động xã hội, Báo Nghệ An, số 3 Đại lộ Lê Nin, phường Hưng Phúc, Thành phố Vinh.