TAND tỉnh Nghệ An vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Lữ Văn Tường (SN 1983) trú xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu về tội Giết người. Bị hại trong vụ án dù may mắn qua cơn nguy kịch nhưng phải mang thương tật suốt đời. Đau lòng hơn, giữa bị cáo và bị hại là hàng xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Chỉ vì chén rượu đã đẩy cả hai gia đình vào bi kịch.

Trước đó, vào ngày cuối cùng của tháng 9/2019, Tường, Ngọc cùng một số hàng xóm tổ chức ăn cơm, uống rượu tại một nhà trong bản. Quá trình chén chú, chén anh Ngọc và Tường tranh cãi chuyện rót rượu chén đầy, chén vơi. Đầu giờ chiều khi mọi người đều đã ngà ngà, 4 chai rượu cũng cạn, là lúc tiệc tàn. Mọi người bắt đầu ai về nhà nấy thì giữa Tường và Ngọc tiếp tục nói khích bác nhau dẫn đến mâu thuẫn.

Lúc này, Ngọc đang đứng trên cầu thang, còn Tường ở phía dưới. Thấy Ngọc có những lời nói, hành động khiếm nhã nên Tường tìm con dao để xử lý. Khi Tường leo lên cầu thang thì bị Ngọc đấm hụt vào người. Sau đó, Tường dùng dao chém vào cánh tay, vùng đầu Ngọc. Hai bên vật lộn, ngã xuống cầu thang.

bna_doi_tuong4561587_1832020.jpgBị cáo Lữ Văn Tường bị tuyên phạt 12 năm tù. Ảnh: Trần Vũ

Anh Ngọc bị thương nặng ở vùng đầu, cánh tay, thân… nên được mọi người đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Sau hơn 2 tháng điều trị tại bệnh viện, người đàn ông này xuất viện với thương tật 65%. Cơ quan điều tra xác định, tuy nạn nhân không tử vong nhưng hành vi của Lữ Văn Tường đủ yếu tố cấu thành tội Giết người.

Tại tòa, bị cáo Lữ Văn Tường vẫn một mực cho rằng mình không phạm tội giết người như cáo trạng truy tố. Bị cáo không chủ đích giết anh Ngọc mà chỉ chém vào người vì tức giận. “Nếu bị cáo muốn giết người đã cắt vào cổ chứ không chém ở những nơi khác”, Tường khai. Bị cáo còn cho rằng cơ quan chức năng đã giám định thương tật bị hại không khách quan và đề nghị tòa giám định lại tỷ lệ thương tật cho bị hại.

Đến tham dự phiên tòa với tư cách bị hại, anh Ngọc than thở, từ khi xảy ra sự việc, cuộc sống gia đình hoàn toàn bị đảo lộn. Bản thân anh bị mất sức lao động, không làm được gì nên gánh nặng gia đình trút lên vai người vợ là chị Vi Thị Huệ.

Chỉ vào cánh tay đang bị thương tật, anh Ngọc cho hay, hơn nửa năm trôi qua, nhưng cánh tay trái của tôi vẫn chưa thể cử động được, còn tay phải thì có 1 vết chém ở vai, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ lại tái phát, đau nhức. Đó là chưa kể một phần xương hộp sọ hiện cũng chưa thể phẫu thuật được vì không có tiền. “Riêng tiền phẫu thuật ở đầu các bác sỹ ước tính hơn 90 triệu đồng. Đó là khoản tiền quá lớn với gia đình tôi. Trong khi khoản nợ 70 triệu đồng tiền nhập viện lần trước chúng tôi vẫn đang còn nợ”, chị Huệ lo lắng cho sức khỏe chồng mình buồn bã nói.

Vợ bị cáo chỉ biết cúi mặt khi tham dự tòa. Ảnh: Trần Vũ

Theo chia sẻ của chị Huệ, trước khi gặp nạn, anh Ngọc là trụ cột trong gia đình. Ngoài làm nông nghiệp, vợ chồng anh còn chăn nuôi thêm con gà, con lợn. Cuộc sống chưa khấm khá nhưng cũng đủ để họ chăm sóc cho hai đứa con nhỏ. Đùng một cái, anh Ngọc bị chém không còn bình thường như xưa, nên từ đó mọi công việc đều đổ lên vai chị Huệ khiến nỗi vất vả hằn sâu trong đôi mắt của người phụ nữ này.

Ngồi trước chị Huệ vài hàng ghế là vợ của bị cáo. Đến tòa để gặp chồng, người phụ nữ này cũng đau lòng không kém vì việc làm sai trái của chồng. Vốn lớn hơn chồng nhiều tuổi, cuộc sống lại lam lũ khiến người phụ nữ này trông già hơn tuổi nhiều. Chị trình bày, do hoàn cảnh khó khăn nên mới chỉ lo cho gia đình bị hại gần 3 triệu đồng. Sau khi chồng gây ra chuyện động trời, chị năng qua lại gia đình bị hại thăm hỏi, động viên tinh thần.

Hai người phụ nữ nhỏ bé, khắc khổ nay phải gồng lên cáng đáng cả gia đình chỉ vì chén rượu của những ông chồng. Có lẽ cũng vì thông cảm cho hoàn cảnh của nhau mà tại tòa, vợ bị hại không trách cứ vợ bị cáo. Chị Huệ còn tỏ ra thông cảm cho hoàn cảnh éo le của vợ bị cáo.

Với tội Giết người, Lữ Văn Tường bị tòa tuyên phạt 12 năm tù. Buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại hơn 120 triệu đồng.

Thấy chồng bị dẫn đi, người vợ chỉ biết nhìn theo. Chồng trẻ vướng vào lao lý nên từ nay mọi công việc trong gia đình đều do chị gánh vác. Đó là chưa kể khoản tiền lớn mà gia đình chị phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình bị hại. Trong khi đó ở hàng ghế bên kia, chị Huệ cũng lặng lẽ dìu chồng rời tòa. Chồng bị thương không thể làm được việc gì nên gánh nặng cuộc sống tiếp tục đè lên vai gầy gò của chị.