(Baonghean) - Câu chuyện của tôi, cũng như câu chuyện của bao nhiêu người cha khác, đã đi qua chiến tranh, bị chất độc quái ác trong những cánh rừng dày bom đạn do giặc Mỹ thả xuống ấy ngấm vào cơ thể, để rồi, ngay cả khi trở về với cuộc sống thanh bình tới gần 40 năm, thì “bóng ma” chiến tranh vẫn chẳng buông tha…
 
Tôi sinh ra ở một xóm nhỏ, nơi Thị trấn Nam Đàn bây giờ. Cũng như bao nhiêu thanh niên cùng thời khi ấy, 18 tuổi tôi lên đường nhập ngũ, ở đơn vị D240 Quân khu 4. Sau này có quãng làm ở hậu cần Quân khu 5. Tôi tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị tới Quảng Nam. Năm 1971, đơn vị tôi tham gia những trận chiến ác liệt tại Dốc Miếu - Cô Tiên, Thành cổ Quảng Trị. Lần bị thương là năm 1972 ở Quảng Nam. Đến năm 1977, tôi ra quân trở về… Lúc này, gia đình tôi đã về Vinh sinh sống. Tôi xin chân bảo vệ ở một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn, âu cũng là một cái nghề kiếm sống khi được lành lặn trở về…
 
images1027467_4b.jpgMinh họa: An Vinh
 
Đến năm 1982, khi vừa 30 tuổi, tôi lấy vợ. Vợ tôi là công nhân của một cơ quan trong thành phố. Lần lượt chúng tôi đón những đứa con ra đời: Cháu gái tên Bích Ngọc sinh năm 1983, cháu trai Đức Quân sinh 1984, cháu trai Đức Cảnh sinh 1985. Cuộc sống vất vả, nhưng căn nhà chúng tôi ngập tràn hạnh phúc. Gia đình tôi may mắn được bố mẹ vợ cắt cho mảnh đất, dựng lên ngôi nhà. Những đứa con tôi, ngày mới sinh nhìn gầy yếu, được chẩn đoán suy dinh dưỡng, nhưng cùng với thời gian và sự chăm bẵm của vợ tôi thì cũng đỡ dần. Chúng tôi chắt chiu những niềm vui từ sự lớn lên của con, từ ngày con chập chững biết đi, biết đọc, rồi đi học… Sẽ hạnh phúc biết bao nếu cuộc đời cứ chảy trôi như vậy. Cho đến một ngày...
 
Khi con gái đầu, cháu Ngọc vừa 14 tuổi, sau một cơn cảm biến chứng, cháu bị suy tim, sau đó có biểu hiện tâm thần. Vợ chồng tôi ôm con đi Bệnh viện Tâm thần khi thấy cháu phát cuồng, phá phách đồ đạc trong nhà. Sau đó chúng tôi phải đưa cháu ra Viện Nhi Thụy Điển (BV Nhi Trung ương) một thời gian. Khi cháu đã tương đối ổn định, ra viện, trở về đi học lại thì lúc này kiến thức của cháu bị hổng đáng kể. Mang sẵn mặc cảm, lại thêm nỗi bạn bè trêu chọc, xa lánh, bệnh tâm thần lại bùng phát. Chúng tôi lại ôm con trở lại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Cho tới lúc đó, chúng tôi vẫn chỉ nghĩ cái bệnh cảm biến chứng ấy đã gây cho con gái hậu quả nặng nề. Thế nhưng, có ngờ đâu một ngày kia, đứa con trai út, cháu Cảnh cũng bắt đầu có những biểu hiện như chị khi bước vào tuổi 13. Cảnh bỏ cơm, hay đi lang thang, có lúc trở về đập phá đồ đạc với ánh mắt vằn lên những ánh nhìn hoang dại. Vợ chồng tôi lại cơm đùm cơm nắm đưa tiếp đứa con trai lên Bệnh viện Tâm thần. Có giai đoạn, chị nằm điều trị một khoa, em nằm điều trị một khoa. Vợ chồng tôi chạy như con thoi giữa hai đứa con bị bệnh.  
 
Nói sao hết những ngày cơ cực ấy. Có lẽ vì suy nghĩ quá nhiều, đau khổ quá nhiều, bệnh tim của vợ tôi ngày thêm trầm trọng. Bà ấy lại còn bị điếc nữa. Chứng kiến những đứa con mình mất trí, hoang dại, người mẹ nào không quặn thắt? Tôi đành phải làm một con người sắt đá vậy. Tôi trực tiếp chăm sóc 2 con nằm viện để bà về nhà lo liệu cơm nước cho cậu con trai còn lại. Những đêm nằm viện, tôi không tài nào chợp mắt. Vắt tay lên trán suy nghĩ, sao số phận gia đình mình lại éo le, cơ cực đến thế này? Những phút ấy, tôi bất chợt rùng mình, nhớ về những cánh rừng Quảng Trị. Có lẽ nào??? Trước mắt tôi chập chờn những thùng phuy mà có lần trong những  trận giao tranh, giữa tứ bề bom đạn, chúng tôi thường nhào vô ẩn nấp. Những thùng phuy chứa chất gì đó màu trắng đầy mùi hắc. Sau này, biết đó là những thùng phuy của giặc Mỹ chứa chất độc da cam...
 
Chiến tranh, chiến tranh đã cuốn chúng tôi đi... Cả tôi và đồng đội cũng không thể ngờ, một ngày kia, cái bóng u tối của cuộc chiến vẫn theo chúng tôi dai dẳng. Khi chợt nhận ra, có thể những thùng phuy ấy là căn nguyên cướp đi cuộc sống bình thường của những đứa con mình, tôi đã đau đớn đến không muốn tin… Bởi tôi biết, chất độc da cam khủng khiếp lắm. Nó tàn phá con người, không chỉ một mà hai ba thế hệ. Và có thể những đứa con tôi, không chừa một ai, sẽ đến ngày phát bệnh… Tôi lẳng lặng đi làm giám định, và quả không sai, trong cái cơ thể ngày một rệu rã, đau nhức của tôi, chất độc ấy đã ngấm vào và đang tìm cách hủy hoại tôi và những đứa con tôi. Hãy tưởng tượng rằng, người cha tội nghiệp, tháng nào cũng mang 2 con đi bệnh viện tâm thần còn một phần tâm trí lại để ở nhà thấp thỏm ngóng trông về đứa con còn lại… Không biết liệu con có phát bệnh như chị, như em không?
 
Đồng tiền, vốn đã khó khăn với gia đình tôi, đến lúc các con bệnh tật thì gần như chúng tôi đã trở nên kiệt quệ. Có những lúc, không đủ sức để mang con đi viện, chúng tôi để con ở nhà. Có những ngày, chúng tôi đau đớn chứng kiến 2 đứa con la hét, đập phá tanh bành. Chúng tự xé quần áo mình, đem hương khói thắp lung tung khắp xóm… Sợ nhất là những lần chúng bỏ đi. 1, 2 giờ sáng, chúng còn tung cửa ra ngoài. Vợ tôi, vốn đã bị bệnh tim, mỗi lần chứng kiến con mình như vậy, bà ấy đau lắm. Thương con đến quặn lòng… Chúng tôi đã đi trong bóng đêm như vậy biết bao lần, 2 con người, một cha, một mẹ cơ thể đau yếu, tâm trí rã rời, khổ sở cất tiếng gọi con mình. Cũng bao lần phải nhờ đến bà con lối xóm giúp đỡ, hộ tống đưa con đi viện… Cũng may, con Ngọc lớn lên, bệnh có phần đỡ dần, không quậy phá nữa chỉ hay bỏ đi lang thang. Rồi cháu cũng có cuộc sống riêng của mình, dù không có một đám cưới. Cuộc hôn nhân chắp vá và đầy đường đột của cháu, mà tôi cũng không biết có nên gọi đó là một cuộc hôn nhân không, đã cho chúng tôi một đứa cháu ngoại. Sau khi sinh con được chừng 2 tháng, Ngọc lại phát bệnh, phải vào viện Tâm thần điều trị một thời gian. Cháu không thể tự chăm con được nên chúng tôi lại phải dang tay chăm sóc cháu. Còn đứa con lành lặn nhất, cháu cũng đã lấy vợ, sinh con, lái xe cho một công ty. Cuộc sống của cháu cũng đầy khó khăn, vợ chưa có việc làm, mới có con nhỏ, thế nhưng tôi hiểu vì sao mà các cháu phải thuê nhà ở riêng chứ không ở chung với bố mẹ. Có lẽ cháu sợ cái không khí u buồn, sợ cái căn nhà đầy vết tích của những lần lên cơn của chị và em trai mình. Còn Cảnh, giờ đây cháu nằm tại Trung tâm Bảo trợ xã hội ở Đô Lương. 3 đứa con, nhưng căn nhà cũng dần hoang lạnh vì chẳng có đứa nào ở cùng bố mẹ. Bà nhà tôi kiếm việc chạy chợ cho khuây khỏa, cũng là để kiếm thếm đồng ra đồng vào. Căn nhà đang ở, chúng tôi được Hội Nạn nhân chất độc da cam và các ban, ngành, đoàn thể khác hỗ trợ xây dựng sửa chữa tới 2 lần rồi. 
 
Lâu nay, quen dần với nỗi đau, đến nỗi chúng tôi cũng không còn buồn khổ nữa. Bao nhiêu nước mắt, vợ tôi đã khóc cả trong những năm trường đã qua. Chỉ còn lại sự thấp thỏm, lo lắng. Lo cho đứa con lành lặn, liệu có yên ổn một đời. Lo cho những đứa cháu đang bập bẹ nói, hay đang còn ẵm ngửa kia liệu đã dứt được cái chất độc quái ác? Đồng đội của tôi, rất nhiều người đã phải sống suốt đời trong những nỗi đau, sự dằn vặt vì chứng kiến cả con, lẫn cháu mình không lành lặn. Còn tôi?
 
Dù sao thì chúng ta cũng vẫn phải sống. Cuộc sống có khắc nghiệt như thế nào thì cũng phải sống mà hy vọng, dẫu chỉ còn một chút mong manh. 
 
T.V 
(Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Đức Quang
Khối 13, phường Hà Huy Tập, Vinh)