(Baonghean.vn) - Hội thảo khoa học “Giải pháp chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ở Nghệ An” nhấn mạnh yêu cầu phải làm rõ thực trạng và những biểu hiện của tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân, giống như 27 biểu hiện về suy thoái của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Nếu cứ nói bảo thủ, trông chờ, ỷ lại chung chung thì khó đề ra giải pháp hữu hiệu.
Chiều 3/5, Trường Chính trị tỉnh tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ở Nghệ An”. Tham gia hội thảo có các nhà khoa học; lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban giám hiệu Trường Chính trị tỉnh. |
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Trần Viết Linh - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh khẳng định bên cạnh tạo ra nhiều kết quả tích cực thì thực tiễn kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đang đặt ra nhiều hạn chế, khó khăn.
Một trong những nguyên nhân là do một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân còn mang nặng tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại, thiếu sự nỗ lực phấn đấu vươn lên. Xuất phát từ thực tiễn đặt ra, Trường Chính trị tỉnh tổ chức hội thảo nhằm đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực nhất.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu khẳng định, tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại tồn tại một cách khách quan trong bất cứ người nào, từ cán bộ, đảng viên, đến đội ngũ trí thức, công nhân, nông dân...; một mặt đối lập của tiến thủ, có tác hại cản trở sự phát triển, đòi hỏi cần phải có biện pháp, giải pháp để ngăn chặn và đẩy lùi.
Một số đại biểu cho rằng, muốn đề ra giải pháp chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại; trước hết cần phải làm rõ thực trạng và những biểu hiện của tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại ở trong từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân, giống như 27 biểu hiện về suy thoái của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); nếu cứ nói chung chung thì khó đề ra giải pháp.
Đồng thời, cần phải chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và những tác hại của biểu hiện này trong từng khối, lĩnh vực như trường học, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước... Từ đó đề ra các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn và khắc phục tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ý lại sát thực và có hiệu quả.
Đại biểu Bùi Đình Sâm - Nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đưa ra nhóm giải pháp cụ thể, bao gồm đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục, nhắm đúng đến từng đối tượng; xây dựng các chương trình hành động cụ thể; tăng cường kiểm tra, giám sát; tổng kết, sơ kết, thi đua khen thưởng, tích cực tuyên truyền điển hình tiên tiến về việc chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trên các giải pháp chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại chung, tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đã đề cập đến các biểu hiện và giải pháp chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Đảng ủy Khối các cơ quan cấp tỉnh; trong các doanh nghiệp thuộc Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh; trong đồng bào miền núi, dân tộc; chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng và trong hoạt động xóa đói, giảm nghèo...
Nêu ra hàng loạt biểu hiện trông chờ, ỷ lại trong xóa đói, giảm nghèo, đại biểu Vương Quang Minh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho rằng, công tác tuyên truyền, giáo dục thời gian qua chưa đạt yêu cầu, dẫn đến nhiều người dân và cán bộ vẫn muốn gia đình mình, địa phương mình nằm trong danh sách hộ nghèo, đơn vị nghèo để thụ hưởng các cơ chế, chính sách.
Nhấn mạnh giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, phát huy dân chủ ở cơ sở là then chốt, chìa khóa chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại; đại biểu Vương Quang Minh cũng cho rằng cần thay đổi chính sách giảm nghèo bền vững, giảm dần cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo...
Ngoài ra, nhiều giải pháp chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại liên quan đến xây dựng cơ chế sắp xếp tổ chức bộ máy; cơ chế đánh giá mức hoàn thành công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; giảm cơ chế xin - cho; cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hành chính..., cũng được đề cập tại hội thảo.
Mai Hoa