(Baonghean) - Cả nước đang nợ thuế  tới 76.500 tỷ đồng, chiếm trên 10% tổng số thu thuế năm 2015. Trong đó, các khoản nợ khó thu (do doanh nghiệp giải thể phá sản, người nộp thuế ngừng sản xuất - kinh doanh...) là 12.787 tỷ đồng (chiếm 16,7%); các khoản phạt và tiền chậm nộp là 13.956 tỷ (chiếm 18,2%), còn các khoản nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày (nợ có khả năng thu) đã là 46.450 tỷ đồng (chiếm 60,7%). 

   Hơn 46.000 tỷ đồng nợ có khả năng thu

Cục Thuế Nghệ An họp bàn đẩy mạnh các giải pháp thu nợ đọng thuế
Cục Thuế Nghệ An họp bàn đẩy mạnh các giải pháp thu nợ đọng thuế

Theo Tổng cục thuế, đến đầu tháng 10/2015, số nợ này đã là 76.500 tỷ đồng, bằng trên 10% tổng số thu thuế năm 2015. Trong đó, các khoản nợ khó thu (doanh nghiệp giải thể phá sản, người nộp thuế ngừng sản xuất kinh doanh...) là: 12.787 tỷ đồng (chiếm 16,7%). Các khoản phạt và tiền chậm nộp là: 13.956 tỷ (chiếm 18,2%). Các khoản nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày (nợ có khả năng thu) là: 46.450 tỷ đồng (chiếm 60,7%), giảm 2,2% so với 31/12/2014.

 Kết quả thu hồi nợ thuế tăng dần qua các năm: Năm 2011, thu được 20.036 tỷ đồng; năm 2012 thu được 22.751 tỷ đồng; năm 2013 thu được 27.136 tỷ đồng; năm 2014 thu được 31.875 tỷ đồng; 10 tháng năm 2015 thu được 34.526 tỷ đồng. Kết quả thu nợ thuế đã góp phần đáng kể vào việc hoàn thành dự toán thu NSNN Quốc hội giao hàng năm.

Công ty dệt may Hoàng Thị Loan luôn thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. (ảnh: Châu Lan)

Phải bảo đảm cân đối được ngân sách trung ương

Theo thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, trong chỉ đạo tổ chức thực hiện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính đều yêu cầu phải tập trung các giải pháp làm sao thu đúng, thu đủ, thu kịp thời để đảm bảo cân đối được NSTW. Trên số liệu Tổng cục Thuế đã công khai, nhìn vào nguồn tài chính thì chúng ta có căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn để thực hiện nhiệm vụ này. Hiện nay, nợ đọng thuế thu của DN lên đến 76.000 tỷ đồng, trong đó tạm gọi nợ bất khả kháng do nguyên nhân khách quan kéo dài, nợ khó thu, chậm nộp tạm thời khoanh lại; mà tập trung vào 34.000 tỷ đồng mà DN có khả năng nộp mà không nộp, có địa chỉ từng Cục Thuế, nếu chỉ phấn đấu được 50% thôi đã là 17.000 tỷ đồng rồi – Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.

Điều mà lãnh đạo ngành tài chính bức xúc chính là việc một số doanh nghiệp lớn ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm, cố tình chiếm dụng các khoản phải nộp ngân sách.Ví dụ như: Liên doanh dầu khí Việt Nga, năm 2014 (giá 104USD/thùng), theo quy định pháp luật, theo hiệp định, phần giữa giá kế hoạch và giá thực hiện thì đơn vị phải nộp thuế TNDN, sau khi nộp thuế TNDN thì phải nộp sau thuế, quyền lợi nước chủ nhà. 2 khoản này theo hiệp định là 86 triệu USD. Khoản này Bộ Tài chính đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã đồng ý nhưng đơn vị vẫn lấy lý do này lý do khác như giá dầu xuống, không chịu nộp khoản này.  

Đổi mới cơ chế thu thuế

Trong thời gian tới đây, công tác thu nợ thuế sẽ càng được quyết liệt triển khai, và mặc dù công tác thu nợ thuế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực, nhưng để làm tốt hơn nữa công tác thu hồi nợ thuế, thời gian tới Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp. Trong đó, sự phối hợp với các bộ ngành trung ương và địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, giúp hoạt động SX-KD của các tổ chức, cá nhân phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư. Được tăng thêm năng lực sản xuất mới, trong đó đặc biệt tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về vốn, thị trường, giá cả, giải quyết được các khoản nợ xấu..., các doanh nghiệp đảm bảo vừa duy trì, phát triển SX-KD ổn định, tạo nguồn thu cho ngân sách, từ đó giảm dần số tiền nợ đọng thuế mới là giải pháp có tính bền vững, nền tảng.

Sông Hồng

TIN LIÊN QUAN