(Baonghean) - Sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh ta đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức trong công tác dân số tỉnh ta đòi hỏi sự nỗ lực của các ngành, các cấp và cả cộng đồng.  Nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh vấn đề này.P.V: Thưa đồng chí! Đồng chí có thể cho biết một số kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số của tỉnh ta?Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh:  Để triển khai có hiệu quả Pháp lệnh Dân số, cùng với việc phổ biến, tuyên truyền nội dung Pháp lệnh, tỉnh ta đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường vai trò chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với việc vận động nhân dân thực hiện Pháp lệnh Dân số. Đặc biệt, chúng ta đã cụ thể hoá các nội dung, yêu cầu, mục đích mà Pháp lệnh đặt ra bằng các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với thực tế của tỉnh, của từng địa phương, từng vùng, miền, nhất là những vùng đặc thù. Đồng thời đã xây dựng và triển khai các chương trình phối kết hợp với các ngành, đoàn thể và các địa phương, lồng ghép nội dung dân số vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, như xoá đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở; xây dựng nông thôn mới... để thực hiện một cách hiệu quả, thiết thực. Điều này có thể thấy ở một số chỉ tiêu cơ bản về dân số, kế hoạch hóa gia đình trong 10 năm qua (2003 - 2013): tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 25,13% xuống còn 18,18%; tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai tăng từ 73,8% tăng lên 78,6%; tỷ lệ tăng tự nhiên giảm từ 11,54‰ xuống 11,32‰; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 32,3% xuống còn 19,6%; tuổi thọ trung bình tăng từ 71 tuổi lên 72,86 tuổi.

Lãnh đạo Trung ương và tỉnh kiểm tra công tác DS/KHHGĐ tại Diễn Châu.                                                                      Ảnh: Thành Hưng.Bên cạnh đó, các hoạt động nâng cao chất lượng dân số được triển khai và bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về các vấn đề liên quan đến chất lượng giống nòi. Đề án Sàng lọc trước sinh, sơ sinh được triển khai tại 480/480 xã, phường, thị trấn; Đề án Tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân được triển khai tại 45 xã thuộc địa bàn 9 huyện; Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo, ven biển được triển khai tại 39 xã, phường của 5 huyện vùng biển; Mô hình chăm sóc người già dựa vào cộng đồng… Qua đó, hàng năm có hàng ngàn bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh được thực hiện các kỹ thuật sàng lọc và phát hiện dị tật, bệnh bẩm sinh để có những can thiệp sớm. Nhận thức của thanh niên, vị thành niên về vấn đề sức khoẻ sinh sản được nâng lên, nhờ vậy tỷ lệ thanh niên nạo phá thai giảm, đặc biệt số nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được tư vấn và kiểm tra sức khoẻ ngày càng nhiều... Bước đầu nhận thức xã hội về vấn đề chất lượng dân số đã được nâng lên. P.V: Theo đồng chí, thách thức lớn nhất của dân số Nghệ An trong giai đoạn này là gì?Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh:  Nghệ An là tỉnh có quy mô dân số lớn, đứng thứ 4 cả nước và đang có xu hướng tiếp tục tăng. Hiện nay, khi cả nước đã đạt mức sinh thay thế, thì Nghệ An đang nằm trong nhóm 10 tỉnh có mức sinh cao; Tỷ lệ phát triển dân số và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng tăng, nhất  là ở vùng nông thôn và vùng cao. Giai đoạn này, khi cả nước đang thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số thì Nghệ An vẫn còn phải nỗ lực giảm sinh, phấn đấu đạt mức sinh thay thế. Đây thực sự là “thách thức kép” đối với công tác dân số ở tỉnh ta. Mặt khác, các vấn đề như già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh đang trở thành “gánh nặng” cho công tác dân số hiện nay. P.V: Trước những thách thức đó, thời gian tới để thực hiện tốt hơn Pháp lệnh Dân số thì cần có những giải pháp gì thưa đồng chí?Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh: Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả hơn nữa Pháp lệnh Dân số, tiếp tục duy trì vững chắc kết quả công tác DS-KHHGĐ đã đạt được trong những năm qua cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác dân số, chăm sóc SKSS. Đưa công tác DS/KHHGĐ thành một nội dung quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm lồng ghép hiệu quả với các hoạt động chuyên môn của ngành và các các chương trình kinh tế - xã hội khác. Tiếp tục triển khai Chỉ thị 09 của Tỉnh ủy, NQ của HĐND tỉnh và QĐ của UBND tỉnh về chính sách DS-KHHGĐ một cách hiệu quả. Tổ chức tốt việc ký cam kết thực hiện chính sách DS-KHHGĐ cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, vận động thực hiện chính sách DS/KHHGĐ thông qua các hình thức đa dạng, nội dung phong phú, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng. Tiếp tục xây dựng và triển khai các đề án, mô hình can thiệp, nhằm nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của tỉnh. Tăng cường củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình, từng bước đáp ứng, thoả mãn nhu cầu dịch vụ cho nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về mục đích, ý nghĩa của chính sách DS/KHHGĐ. Tập trung rà soát, phân loại đối tượng vi phạm chính sách để có giải pháp khắc phục, đặc biệt các đối tượng là đảng viên để tạo tính nêu gương, lan tỏa.Thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp trên chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu về dân số của Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

P.V (Thực hiện)