(Baonghean) - Ngày 3/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố báo cáo Tác động của Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) lên nền kinh tế Việt Nam. Theo báo cáo này, các hoạt động nghiên cứu và phát triển sẽ tạo điều kiện gia tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu, thay vì làm gia công là chủ yếu như hiện nay.

Phải cải cách thể chế, tự do hóa thị trường

Được đánh giá là hiệp định của thế kỷ 21 đang bước vào thời kỳ đàm phán “nước rút” để có thể đi đến ký kết trong thời gian sớm nhất, TPP sẽ giúp các doanh nghiệp có vị trí nhất định trong chuỗi sản xuất toàn cầu, nhưng cũng đồng nghĩa là sẽ có những tác động rất lớn đến kinh tế vĩ mô, đến tăng trưởng kinh tế và đến từng doanh nghiệp và người tiêu dùng. Vì vậy, cần phải hiểu và có sự chuẩn bị thật kỹ càng để có thể tận dụng được những cơ hội mà TPP mang lại.

Trong 6 tác động chính ở khía cạnh vĩ mô của TPP vào nền kinh tế Việt Nam khi gia nhập, có nhiều điểm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, trong đó có Nghệ An. Thứ nhất, đó là sự khẳng định tính cấp thiết phải tiến hành cải cách thể chế, tự do hóa thị trường các yếu tố đầu vào, đặc biệt là yếu tố vốn đầu vào. Rõ ràng, càng hội nhập sâu, càng không còn khả năng duy trì lợi thế về lao động giá rẻ khi mà nhu cầu về lao động có kỹ năng tăng lên. Nền kinh tế rất cần những lao động có kỹ năng không chỉ để tận dụng các lợi thế so sánh hiện có, mà còn giúp tạo thêm những lợi thế mới. Đây là một trong những thách thức lớn đối với một thị trường  lao động dồi dào như Nghệ An. 

Công nhân làm việc ở Nhà máy dệt may Prex Vinh tại cụm công nghiệp Lạc Sơn (Đô Lương). Ảnh: Sỹ Minh
Công nhân làm việc ở Nhà máy dệt may Prex Vinh tại cụm công nghiệp Lạc Sơn (Đô Lương). Ảnh: Sỹ Minh

Thứ hai, như Báo Nghệ An đã đăng tải, khi hiệp định TPP được thực thi, nhiều dòng thuế quan sẽ giảm về 0%, điều này làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Do đó, Chính phủ có thể bù đắp nguồn thâm hụt này bằng các nguồn khác như tăng các loại thuế khác, tăng vay nợ hoặc cắt giảm chi tiêu thường xuyên… Từ đó, việc tìm các biện pháp cân bằng cán cân thu chi ngân sách cần phải được cân nhắc thường xuyên để bảo đảm được sự ổn định vĩ mô và khuyến khích được sản xuất và tiêu dùng. Thứ ba, các DN Việt Nam phải đối mặt với tình trạng có thể nhập khẩu gia tăng trong khi xuất khẩu có xu hướng giảm, từ đó có những chính sách hỗ trợ hợp lý để thúc đẩy phát triển những ngành có lợi thế so sánh nhằm tăng năng suất và tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Với những ngành kém lợi thế sau hội nhập, cần quan tâm và đẩy mạnh tái cơ cấu nhằm tăng hiệu quả.

Thứ tư, tham gia TPP, các vấn đề quan trọng như giảm hàng rào phi thuế quan, cắt giảm chi phí vận chuyển, thủ tục chờ đợi nhập khẩu… hình thành một thị trường chung cho toàn bộ các nước thành viên với mục đích thu hút đầu tư từ ngoài khối sẽ buộc Việt Nam phải điều chỉnh cả những yếu tố không thương mại như những nội dung liên quan tới lao động, quyền sở hữu trí tuệ… Tiếp đến, khi hoàn toàn cắt giảm hàng rào thuế quan và đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hầu hết các nhóm hàng hóa thì Việt Nam sẽ đối mặt với xu hướng áp dụng các hàng rào kỹ thuật thay thế để bảo vệ các ngành hàng sản xuất nội địa của mình. Hiện trình độ và công nghệ liên quan đến việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam còn nhiều hạn chế so với các nước khác cùng tham gia TPP.

Cuối cùng, với những ưu đãi khi gia nhập TPP và các các hiệp định thương mại khác, cùng với sự gia tăng các dòng thương mại, các nước trong và ngoài hiệp định sẽ tăng cường dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam trong việc thu hút và sử dụng hiệu quả dòng vốn FDI, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong cải cách hành chính, chính sách đầu tư, phát triển các ngành phụ trợ… nhằm tận dụng những lợi ích mà TPP đem lại. Như vậy, TPP sẽ giúp gia tăng về tiêu dùng và đầu tư, đặc biệt là nhờ những ngành công nghiệp nhẹ như may mặc, dệt, da giầy tăng sản lượng và xuất khẩu vốn “đòi hỏi” lao động giá rẻ, mức lương cạnh tranh.  

Hoàn thành đàm phán song phương TPP

Cùng ngày 3/8, Bộ Công thương ra thông cáo cho biết, Bộ trưởng 12 nước tham gia TPP tại Ha-oai (Hoa Kỳ) nhằm giải quyết các nội dung quan trọng còn tồn đọng để kết thúc đàm phán Hiệp định TPP. Đoàn Việt Nam tham dự gồm Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đàm phán. Với thái độ làm việc tích cực, xây dựng, vừa bảo vệ lợi ích của đất nước nhưng cũng sẵn sàng hợp tác với các nước để kết thúc đàm phán trên tinh thần các bên cùng có lợi, đoàn đã làm việc và đàm phán song phương với đại diện Thương mại Hoa Kỳ M.Phrô-men, Bộ trưởng phụ trách đàm phán TPP Nhật Bản, Bộ trưởng Thương mại quốc tế và Công nghiệp Ma-lai-xi-a và Bộ trưởng Kinh tế Mê-hi-cô; trao đổi bên lề hội nghị với Bộ trưởng Công thương Xin-ga-po, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Ca-na-đa. Sau các cuộc đàm phán này, Việt Nam đã kết thúc toàn bộ đàm phán song phương với tất cả các nước liên quan.

Sau các phiên họp toàn thể và nhiều phiên họp riêng theo nhóm hoặc song phương ở cấp Bộ trưởng, Trưởng đoàn và kỹ thuật, các nước TPP đã đạt được tiến bộ đáng kể, chỉ còn lại một số ít vấn đề cần thêm thời gian tham vấn trong nước. Các nước tham gia TPP cam kết tiếp tục duy trì động lực đàm phán để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, thể hiện cam kết mạnh mẽ của các nước tham gia TPP trong việc tạo ra một hiệp định thương mại tự do (FTA) đầy tham vọng, toàn diện và tiêu chuẩn cao, góp phần tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chính thức được khởi động vào tháng 9/2009 đến nay, TPP đã bước vào năm đàm phán thứ 7 với hàng chục phiên đàm phán chính thức và rất nhiều phiên đàm phán, trao đổi cấp kỹ thuật ở phạm vi hẹp. Các lĩnh vực được đưa ra đàm phán trong TPP bao gồm: mở cửa thị trường; phương thức cung cấp dịch vụ qua biên giới; dịch vụ tài chính; di chuyển thể nhân; các biện pháp bảo lưu không tương thích trong dịch vụ và đầu tư; quy tắc xuất xứ; các vấn đề xuyên suốt, hợp tác và nâng cao năng lực; mua sắm Chính phủ; môi trường; chính sách cạnh tranh; lao động; sở hữu trí tuệ; pháp lý và thể chế; thương mại điện tử; viễn thông; rào cản kỹ thuật; kiểm dịch động thực vật; phòng vệ thương mại.

Theo đại diện Bộ Công Thương, trong các vấn đề được bàn trong TPP, vấn đề sở hữu trí tuệ, môi trường, mua sắm Chính phủ là những lĩnh vực mới, Việt Nam chưa từng cam kết tạo ra thách thức lớn cho Chính phủ cũng như DN Việt Nam. Theo đó, mua sắm Chính phủ của các công ty trong nước không còn độc quyền mà phải cạnh tranh sòng phẳng với các nhà thầu nước ngoài, và một Chính phủ tiêu dùng minh bạch, hiệu quả hơn, nhà thầu trong nước phải chia sẻ “miếng bánh” này với nhà thầu nước ngoài là điều phải thực hiện. 

Đón sóng TPP

Đến nay, đàm phán TPP chỉ còn một số ít các vấn đề còn tồn tại và tiến trình đàm phán đã đạt nhiều tiến bộ hơn trước. Khi bước vào giai đoạn đàm phán cuối cùng, thách thức lớn nhất là xác định lộ trình kết thúc các gói cam kết tham vọng, đặc biệt là về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, dịch vụ tài chính, nhập cảnh tạm thời và mua sắm Chính phủ.  Các quốc gia tham gia đàm phán TPP đều đang cố gắng thu hẹp bất đồng và đưa các vấn đề khó khăn còn lại dưới hình thức các gói đánh đổi khác nhau để các Bộ trưởng có thể đưa ra quyết định ở phút cuối cùng.

Các nhà lãnh đạo TPP khẳng định rằng, họ tiếp tục làm việc với các quốc gia và các nền kinh tế bày tỏ mong muốn tham gia TPP sau khi Hiệp định này được ký kết. Các lãnh đạo đã cam kết xây dựng TPP thành một Hiệp định cho phép các nước và các nền kinh tế khác trong khu vực có thể tham gia khi sẵn sàng chấp nhận những cam kết tiêu chuẩn cao. Điều này càng khẳng định Hiệp định TPP là một hiệp định mở để bảo đảm TPP có thể tiếp tục phát triển và thích ứng với những thay đổi trong tương lai ở các lĩnh vực thương mại, đầu tư, công nghệ, những vấn đề mới nổi khác và các thách thức, hoặc các lĩnh vực mà các nước TPP cùng quan tâm.  

Với tiến trình đàm phán như hiện nay, Bộ Công Thương cho biết, có thể khẳng định, TPP đang đến rất gần. Đây là hiệp định chất lượng cao, hiệp định mậu dịch tự do thế hệ mới. Vấn đề đặt ra mà các DN và cấp quản lý của Việt Nam cần phải giải quyết là tăng khả năng thích nghi của DN Việt Nam với làn sóng hàng hóa giá rẻ sẽ ồ ạt tràn vào thị trường trong nước, đặc biệt là các ngành chăn nuôi, dệt may... vốn thu hút nhiều lao động phổ thông của Việt Nam. Rõ ràng, nếu không tự nâng cấp bản thân và không có sự trợ giúp hợp pháp của nhà nước, sẽ có nhiều ngành kinh tế, dịch vụ khó trụ nổi với làn sóng TPP. 

Sông Hồng