(Baonghean) - Tại nhiều địa phương, đơn vị, việc luân chuyển cán bộ được đào tạo nghiêm túc, có trình độ chuyên môn cơ bản; năng động, dám nghĩ dám làm đã mang lại đổi thay, đột phá ấn tượng cho cơ sở.
Luồng gió mới nơi xã nghèo
Thạch Giám (huyện Tương Dương) là xã thuộc huyện 30a đầu tiên của cả nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Có nhiều yếu tố làm nên sự thành công ấy, trong đó phải kể đến vai trò hết sức to lớn của những cán bộ trẻ đang công tác tại xã vùng cao này. Nổi bật là đồng chí Mạc Văn Nguyên - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Sinh năm 1981, Mạc Văn Nguyên bắt đầu sự nghiệp của mình là chuyên viên của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tương Dương, sau đó chuyển sang làm công tác đoàn trong 8 năm.
Trẻ, năng động và có trách nhiệm cao trong công việc, năm 2014, anh được vinh dự đảm nhận vị trí Ủy viên Thường trực HĐND. Tháng 6/2015, khi xã Thạch Giám đang bước vào giai đoạn nước rút xây dựng nông thôn mới, anh được huyện Tương Dương tin tưởng, luân chuyển về công tác tại xã với nhiều kỳ vọng sẽ tạo nên sự đột phá vững chắc trong chặng đường xây dựng và phát triển của mảnh đất này.
Gặp Mạc Văn Nguyên những ngày đầu tháng 4/2016 giữa bao bộn bề công việc, cũng là thời điểm gần tròn 1 năm về đảm nhận vị trí người đứng đầu chính quyền xã, anh chia sẻ: “ Nông thôn mới không chỉ là hạ tầng mà phải tạo được sự thay đổi bền vững, toàn diện về cả đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”.
Với suy nghĩ đó, anh đã cùng với tập thể cấp ủy và đội ngũ cán bộ mạnh dạn trong suy nghĩ, năng động trong cách làm tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương như trồng rau sạch, chăn nuôi dê, cá lồng… “. Hiện nay xã đang tiếp tục triển khai mô hình rau sạch với diện tích 3 ha ở bản Chắn, trước đó đã triển khai thành công ở bản Phòng và bản Nhẵn. Chúng tôi cũng đang triển khai nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Khe Bố với 40 lồng mới cho nhân dân”, đồng chí Nguyên hào hứng chia sẻ.
Với những cách làm đó, đời sống của nhân dân Thạch Giám ngày càng được nâng lên, minh chứng là trái ngược với nhiều địa phương khi rà soát hộ nghèo theo hướng đa chiều thì tỷ lệ tăng lên nhưng ở Thạch Giám lại giảm, còn 8,91%.
Đồng chí Nguyễn Văn Lượng kiểm tra hiệu quả mô hình.
Còn tại huyện vùng cao Kỳ Sơn, việc luân chuyển, bố trí cán bộ về công tác tại địa phương cũng đang đem lại những hiệu quả tích cực. Tôi gặp đồng chí Nguyễn Hữu Lượng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm khi anh đang cùng nông dân bản Na Lượng 1 kiểm tra hiệu quả mô hình trồng rau sạch. Luân chuyển về đảm nhận vị trí người đứng đầu chính quyền xã mới chỉ từ cuối năm 2015, thời gian còn rất ngắn để có thể thực hiện được nhiều công việc nhưng đồng chí Lượng cũng đã kịp để lại những dấu ấn ban đầu.
Anh đã vận động nhân dân triển khai mô hình rau sạch với sự hỗ trợ giống, kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện. Xây dựng mô hình vào thời điểm cả miền Tây Nghệ An đối mặt với rét đậm, rét hại, người dân lại chưa quen với kỹ thuật canh tác mới nên buổi đầu còn nhiều khó khăn. Không nản chí, anh đã bám ruộng, bám dân, xem đây là mô hình trình diễn nhằm nhân rộng ra toàn xã. Giờ đây, khi vụ thu hoạch đến, những luống bắp cải, súp lơ cho thu hoạch với đầu ra ổn định, thu nhập cao hơn làm lúa, gần chục hộ dân tham gia rất phấn khởi.
Kế hoạch tiếp theo của anh là triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học với tổng số 1.000 con giống hỗ trợ cho 5 hộ ban đầu.
“Hữu Kiệm là 1 trong 2 địa phương được huyện lựa chọn xã điểm xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, chúng tôi đã đạt được 7/19 tiêu chí, cao nhất huyện và đang đặt mục tiêu về đích trong năm 2018. Tuy nhiên, vấn đề khó nhất hiện nay là các tiêu chí hộ nghèo và thu nhập của người dân. Do đó, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế là một trong những kế hoạch trọng tâm xã đang tích cực triển khai để đạt các tiêu chí được xem là khó này”, đồng chí Lượng cho biết. |
Mỗi thử thách là một lần trưởng thành
Không chỉ tiên phong trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở vùng cao mà ở nhiều địa phương có điều kiện thuận lợi hơn trong tỉnh, nhiều cán bộ trẻ khi được tin tưởng, giao nhiệm vụ đã chứng minh được năng lực bản thân, đưa phong trào địa phương đi lên. Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bến Thủy (TP.Vinh) được luân chuyển về công tác tại phường từ năm 2014 đến nay. Sinh năm 1980, có bằng thạc sỹ quản lý đất đai, cử nhân kinh tế, khi về địa phương, anh nhanh chóng làm quen và bắt nhịp với môi trường công việc mới. Với kinh nghiệm thực tế qua công tác nhiều năm ở phòng Tài nguyên - Môi trường và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thành phố, anh đã vận dụng kinh nghiệm để cùng các cấp giải quyết được nhiều điểm nóng về vấn đề đất đai như tại khu đất của HTX bốc xếp Bến Thủy cũ, giải quyết khu tập thể cũ.
Để có kết quả hôm nay, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Ngọc đã cùng với tập thể cán bộ phường, khối đã nhiều lần xuống vận động, tuyên truyền cho nhân dân, thậm chí có những hộ phải trực tiếp làm việc hơn 30 lần để đạt được sự đồng thuận cuối cùng. Với nỗ lực đó, hiện trên địa bàn Bến Thủy đã giải quyết được 7/11 khu tập thể cũ.
Sau nhiều năm, năm 2015, Đảng bộ phường được xếp loại TSVM, UBND, MTTQ và các đoàn thể phường được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong kỳ Đại hội Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2015 -2020 vừa qua, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành với tỷ lệ phiếu đạt 98%. Đây cũng là minh chứng cho sự tín nhiệm mà đảng viên trong toàn Đảng bộ dành cho vị chủ tịch trẻ tuổi này.
Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc thứ 2 gặp gỡ người dân tại khu tập thể cũ. Tương tự, tại thị xã Thái Hòa, việc sử dụng cán bộ trẻ cũng đã mang lại nhiều dấu ấn nổi bật. Tiêu biểu trong số đó là đồng chí Hoàng Nghĩa Thái - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa. Anh được luân chuyển đảm nhận vị trí công tác này từ tháng 3/2014. Trong số các địa phương của thị xã trung tâm Phủ Quỳ này, Nghĩa Hòa được xem là một trong những địa phương khó khăn vào bậc nhất.
Xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới chỉ đạt 2 tiêu chí, thời điểm đồng chí Thái được luân chuyển về, xã cũng mới chỉ đạt 8 tiêu chí. Nhưng chỉ trong gần 2 năm, Nghĩa Hòa đã về đích nông thôn mới, góp phần đưa thị xã Thái Hòa trở thành địa phương đầu tiên trong tỉnh đạt huyện nông thôn mới.
Với nhiều cách làm đột phá trên cơ sở phát huy dân chủ cơ sở, đồng chí Thái và tập thể cấp ủy, chính quyền cùng với nhân dân đã xây dựng được hệ thống hạ tầng: giao thông, trường học khang trang; nhiều mô hình kinh tế như chăn nuôi bò sữa, bò sinh sản, bò thịt, trồng hoa ly… mang lại hiệu quả đã nâng cao thu nhập cho nông dân địa phương.
Những dấu ấn trong thời gian luân chuyển không chỉ mang lại chuyển biến ở Nghĩa Hòa mà còn là thực tiễn sinh động để đồng chí Thái trưởng thành trên nhiều mặt. Đó cũng là lý do để đầu năm 2016, đồng chí được thị xã rút về, giao đảm nhận vị trí công tác mới là Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường.
Chia sẻ về công việc, đồng chí Thái cho biết: “Về công tác ở cơ sở đảm nhiệm cả 2 vai là Bí thư kiêm Chủ tịch nên khối lượng công việc nhiều. Nhưng thực tiễn đó đã giúp cho tôi trưởng thành hơn, có cách nhìn, giải quyết công việc toàn diện cả về công tác Đảng lẫn chính quyền so với công việc chỉ thuần chuyên môn trước đây. Đó là kinh nghiệm quý giúp tôi thực hiện tốt hơn chức trách và nhiệm vụ được giao trên cương vị công tác mới”. |
Thành Duy