(Baonghean) - Ảnh hưởng của các đợt mưa lớn vừa qua đã làm cho 2 huyện rẻo cao Kỳ Sơn, Tương Dương xảy ra nhiều điểm sạt lở núi nghiêm trọng, nhiều tuyến giao thông liên xã, liên bản bị chia cắt, mặt hàng nông sản thời gian này rất khó tiêu thụ vì giao thông ách tắc. Hiện các địa phương đang tích cực dùng máy san gạt các điểm sạt lở ách yếu, kết hợp sức dân để thông đường…
 
Tại xã Mường Típ (Kỳ Sơn) hiện có khá nhiều điểm sạt lở núi, trong đó đoạn gần bản Xốp Tít, Vang Phao bị sạt lở với khối lượng lớn, hơn 3 tuần qua giao thông bị chia cắt. Chúng tôi đánh liều phi con “ngựa sắt” men theo đường bờ sông Nậm Mộ thẳng tiến. Qua xã Tà Cạ con đường gập ghềnh chỉ toàn ổ voi, ổ trâu. Nhiều đoạn bị dòng sông Nậm Mộ “ngoạm” mất nửa, chênh vênh. Có cảm giác chỉ cần sểnh tay lái là lộn cổ xuống vực sâu. Đoạn qua bản Nhãn Cù xã Tà Cạ, con đường trở nên lầy thụt, nhiều người đi xe máy phải gồng sức mà đẩy xe qua.
 
Chúng tôi xuất phát từ 8 giờ sáng ở Thị trấn Mường Xén nhưng phải 11 giờ trưa mới đến được trung tâm xã Mường Típ.  Tiếp tục vượt hơn 7 km đường “sống trâu” mới đến được điểm sạt lở gần bản Vang Phao cách Đồn Biên phòng Mường Típ 400m. Điểm sạt lở xẻ từ mái núi cao đổ xuống eo dốc quanh co phía dưới vực sâu thăm thẳm, những cây to bị bật trồi cả gốc rễ lửng lơ trên đầu. Máy xúc và máy ủi đang làm việc hết công suất để đẩy lớp đất đá xuống vực sâu. Theo một thợ lái máy cho biết thì tổ thợ máy đã làm việc liên tục 3 ngày.
 
images862770_muong_tip_1.jpgSan gạt đường ở Mường Típ
Đường vào Mường Típ lầy lội
Ông Phò Dậu - Bí thư xã Mường Típ cho biết: Điểm sạt lở núi xảy ra từ cơn bão số 10, sau khi xã huy động sức dân “thông đường” xe máy đã đi được, thì cơn bão số 11 gây mưa lớn, nửa quả núi đổ ập xuống tràn lấp hết mặt đường. Ông Phò Chắn - Trưởng bản Vàng Phao cho hay: “Hơn 10 ngày bị chia cắt khốn khổ hết chỗ nói, cả bản có trên 50 hộ dân không thể đi qua điểm sạt lở để về trung tâm xã, về Thị trấn Mường Xén. Thương nhất là những cháu nhỏ không thể đến bản Xốp Típ I để học. Bản đã huy động được trên 100 người cùng bà con bản khác dùng cuốc để san gạt. Mong đường được thông sớm chứ nhà đang còn 8 tạ ngô và 2 sào bí xanh đến kỳ thu hoạch chưa bán được vì tắc đường”. 
 
Xã huy động trên 400 người dân dùng dụng cụ thô sơ cuốc thuổng để san gạt 2 điểm sạt lở. UBND huyện Kỳ Sơn đã điều động thêm máy móc cùng kết hợp với máy của các nhà thầu thi công đường tuần tra đường biên giới san gạt. Đến ngày 30/10, cơ bản đã thông đường, tuy nhiên chỉ mới thông xe kỹ thuật, xe tải vào thu mua ngô của dân bị ách tắc lại phải quay trở ra. Phía trong các điểm sạt lở bao gồm các bản Xốp Tít, Vang Phao, Na My, Huồi Khí, Phà Nọi, Chà Lạt, hiện bà con các bản trên đang còn nhiều các mặt hàng nông sản chưa bán hết và bị tư thương ép giá vì giao thông khó khăn. 
 
Điểm sạt lở tại bản Hoa Sơn (xã Tà Cạ, Kỳ Sơn) lâu nay xảy ra khá nghiêm trọng. Vừa qua, bằng nguồn vốn của Nhà nước, huyện đã xây kè chống sạt lở nhưng do ảnh hưởng cơn bão số 11 đất đá lại tiếp tục từ trên núi cao, sạt lở xuống, đẩy trôi cả kè chắn. Anh Vi Hoài có nhà gần địa điểm sạt lở than thở: “Năm nào đến mùa mưa bão, các gia đình ở gần điểm sạt lở núi cũng phải di chuyển đồ đạc đề phòng núi lở ập xuống nhà dân. Tưởng kè đá rồi sẽ không sạt lở, nhưng mưa to, đất đá trôi vào tận sân nhà”. Có mặt tại điểm sạt lở thấy chiếc kè đá vững chãi bị đất đá trên núi đẩy cho xiêu vẹo lấn ra cả lòng đường. Hầu hết các hộ dân ở ven khu vực này đều tỏ ra sợ hãi vì đất đá có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. 
 
Đi dọc lên tuyến xã Tây Sơn có 7 - 8 điểm sạt lở núi lớn nhỏ. Tại bản Đồng Trên, Đồng Giới có 5 điểm sạt lở núi, xã đã huy động được trên 200 người của 2 bản dùng cuốc xẻng san gạt trong 1 ngày để thông được xe máy. Đối với bản Lữ Thành có 2 con suối lớn đi qua là suối Huồi Cốc và suối Thanh Nhạ, do ảnh hưởng cơn bão số 10, 11 nhiều đoạn đường bị các dòng suối cắt đứt hoàn toàn. Sau khi huyện vào khảo sát sẽ có chủ trương xin Nhà nước xây dựng chiếc cầu vượt bằng sắt để bắc qua suối.
 
Tuyến đường Mường Xén - Hữu Kiệm bị sạt lở trên 14 điểm lớn nhỏ, xã đã huy động lực lượng san gạt thông được xe máy. UBND huyện Kỳ Sơn đang huy động máy móc để san gạt, đến thời điểm này đã san gạt được hơn 10 điểm sạt lở, khoảng 3 ngày tới mới san gạt hết. Ông Văn Quyên - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm nói: “Vùng sản xuất nông nghiệp  của Hữu Kiệm chủ yếu bên kia sông Lam, mấy ngày bị sạt lở núi vùi lấp đường giao thông xã có trên 170 ha ngô chưa thu hoạch được vì không thể vận chuyển, đến thời điểm này đã thông được xe máy bà con đã thu hoạch trên 80% diện tích ngô. Xã đang vận động bà con ở Na Lượng tiếp tục đóng cọc tre, trồng tre ven sông Lam để tránh sạt lở bờ sông”.
 
Ông Trần Văn Hòa - Trưởng phòng Công thương huyện cho biết thêm: Hơn 10 ngày qua, huyện đã huy động hàng ngàn lao động cùng với máy xúc của huyện, 5 máy xúc của các đơn vị thi công đã san gạt được các điểm sạt lở núi ách yếu. Cụ thể là đã thông được tuyến đường Hữu Lập đi xã Bảo Nam 14 km có đến 6 điểm sạt lở, san gạt được trên 4.000 m3 đất đá. Đường Tà Cạ đi Hữu Kiệm 9 km có 14 điểm sạt lở núi lớn nhỏ. Khó khăn nhất hiện nay là tuyến Huồi Tụ đi Keng Đu dài 45 km, có khoảng 15 km bị lầy sục ở bản Huồi Đun (Huồi Tụ) đi bản Đùn Bọng (Na Loi), đoạn lầy sục dài nhất 250 mét, đoạn đường này khối lượng bùn đất khá nhiều nên khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn, chờ trời khô ráo huyện sẽ đưa máy xúc vào kết hợp sức dân để giải tỏa bùn đất. Tại bản Suối Lội thuộc xã Phá Đánh điểm sạt lở có trên 1000 m3 đất đá tràn xuống đường, mặc dù đã được đơn vị thi công dọn dẹp nhưng đất đá vẫn tiếp tục bị sạt lở đe dọa an toàn cho người lưu thông. 
 
Tại huyện Tương Dương cũng có khá nhiều điểm sạt lở núi. Tuyến đường vào bản Tùng Hương, Tân Hương, Liên Hương (xã Tam Quang) khối lượng sạt lở núi ước tính trên 15.000 m3 đất đá, ngoài huy động sức dân mở đường, huyện trích trên 150 triệu đồng tiền dầu để san gạt. Đến thời điểm này mới chỉ san gạt được trên 7.000 m3 đất đá, vẫn chưa thể thông đường, người dân đang phải leo qua chỗ sạt lở để lưu thông. Dự định khoảng 5/11 mới thông được đường vào các bản trên. Tại công trình thủy lợi Lưu Phong xã Lưu Kiền bị sạt lở núi vùi lấp, huyện đang huy động lực lượng để tu sửa. Đối với tuyến QL 7 nhiều đoạn đường vẫn đang bị sạt lở núi, như đoạn Dốc Chó xã Lạng Khê - Con Cuông, đoạn các xã Hữu Kiệm, Chiêu Lưu nhiều điểm đá vẫn rơi từ trên núi cao xuống QL7 đe dọa cho người tham gia giao thông. Đơn vị quản lý giao thông đang tập trung gia cố các chỗ đường bị nước lũ xói mòn ở bản Cầu Tám xã Tà Cạ và san gạt các điểm ách yếu khác.
 
Mặc dù trời đã nắng ráo nhưng do nước vẫn ngấm vào lòng núi nên ở một số địa phương trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, Tương Dương vẫn đứng trước nguy cơ sạt lở núi. Các địa phương cần phải cảnh báo người dân qua lại khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn.
 
Văn Trường