(Baonghean) - Với điều kiện một tỉnh rộng, trong đó có 11 huyện miền núi, vùng cao, cơ sở vật chất trường, lớp còn khó khăn, nhưng nhờ chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 16/21 huyện, thành, thị xã với 431/480 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập. Các đơn vị còn lại đang được điều tra, đánh giá và thẩm định để công nhận trong thời gian tới.

Kỳ Sơn là một huyện vùng cao biên giới khó khăn nhất tỉnh, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, bố trí dân cư thưa thớt. Thêm vào đó việc quan tâm chăm sóc trẻ bậc mầm non trong đồng bào còn hạn chế, là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến công tác  PCGDMN cho trẻ 5 tuổi.

images1398261_a4.jpgMặc dù trong điều kiện khó khăn nhưng Trường mầm non Keng Đu, huyện Kỳ Sơn vẫn cố gắng đảm bảo các điều kiện để đạt chuẩn ( Trong ảnh: "Vườn cổ tích" do giáo viên và phụ huynh sáng tạo)

Theo ông Lương Văn Ngam – Chủ tịch UBND xã Keng Đu, toàn xã có 12 bản, khoảng cách giữa các bản là 7 – 8 km đường rừng, nên việc đi lại khó khăn. Để đảm bảo chỉ tiêu huy động trẻ đến trường, xã phối hợp với Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện mở các điểm trường lẻ tại các bản, đưa lớp đến với trẻ và bố trí giáo viên cắm bản.

Chủ trương này được phụ huynh đồng tình, họ đã tự nguyện đóng góp sức người và cơ sở vật chất để dựng phòng học tại các bản, đảm bảo kín trên, ấm dưới. Toàn xã có 11 điểm trường/12 bản; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi là 91,1%, trong đó riêng trẻ 5 tuổi đạt 99%.

Một lớp học cho trẻ 5 tuổi đảm bảo các tiêu chuẩn phổ cập ở Trường mầm non Mường Xén, huyện Kỳ Sơn

Theo bà Cụt Thị Nguyệt – Phó Chủ tịch UBND huyện: "Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 26 về việc xóa nhà tranh, tre tạm bợ bằng các phòng học đảm bảo 3 điều kiện để phổ cập, đó là mái bằng cứng (lợp prôximăng), vách cứng (thưng ván), nền cứng láng xi măng; chỉ đạo các xã, thị trấn đưa mục tiêu, nhiệm vụ phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi vào Nghị quyết cấp ủy, HĐND, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực để thực hiện".

Đồng thời tổ chức tăng cường mở các lớp lẻ tại các bản, bố trí giáo viên cắm bản (tăng 39 lớp so với trước khi thực hiện đề án) nhằm đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ. Kết quả, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo từ 88,5% (năm 2011) tăng lên 94,5% (năm 2015); đây là tiêu chí rất quan trọng để công nhận phổ cập. Đến thời điểm này, huyện Kỳ Sơn đã có 19/21 xã, thị trấn được công nhận đạt PCGDMN cho trẻ 5 tuổi.

Cùng là huyện miền núi cao, công tác chỉ đạo phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi ở Quế Phong được giao trách nhiệm cụ thể cho từng phòng, ban liên quan và các địa phương. Thông qua đó ưu tiên lồng ghép các nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tổi thiểu; bố trí đủ giáo viên đứng lớp nhằm đảm bảo các điều kiện để phổ cập. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của giáo dục mầm non, nhất là trẻ 5 tuổi, chuẩn bị tâm thế cho các em lên bậc tiểu học.

Lớp học nhà trẻ tại Trường mầm non Nậm Nhoong, huyện Quế Phong.

Về phía các trường chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đồng thời tổ chức tốt mô hình bán trú dân nuôi.. Hiện tại, huyện có 13/14 xã, thị trấn được công nhận đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Còn xã duy nhất là Tri Lễ, theo lộ trình sẽ tập trung chỉ đạo để hoàn thành chương trình phổ cập vào năm 2017.

Triển khai Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 348/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 về việc thực hiện Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi trên bàn tỉnh Nghệ An với mục tiêu đề ra là sẽ hoàn thành vào năm 2015. Theo đó, từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, tạo ra bước phát triển chung cho ngành giáo dục mầm non nói chung và điều kiện tốt cho trẻ 5 tuổi nói riêng.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo - Lưu Đức Thuyên, cho biết, thời điểm đầu thực hiện đề án, không ít lớp mầm non 5 tuổi thiếu thốn trang thiết bị, đồ dùng học tập, đồ chơi, nhất là ở các lớp, điểm trường lẻ ở các huyện miền núi. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường đạt thấp. Thế nhưng, đến nay 99,17% số lớp mầm non 5 tuổi đã có trang thiết bị phục vụ cho học tập và vui chơi đáp ứng đủ theo quy định. Số phòng học kiên cố ngày càng tăng, phòng học tạm giảm. Trong 5 năm, đã có 970 phòng học được xây mới thay thế cho phòng học tạm.

Quy mô, mạng lưới trường lớp mở rộng, tạo cơ hội cho trẻ được đến trường nhiều hơn, nhất là các huyện miền núi cao với việc mở nhiều lớp, điểm trường lẻ với phương châm “đưa lớp đến với trẻ”. Toàn tỉnh hiện có 524 trường mầm non, tăng 16 trường và tăng 125 lớp trẻ 5 tuổi so với năm 2011. Trong đó số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I tăng thêm 121 trường so với năm 2010, nâng tổng số 273 trường đạt chuẩn.

Tỷ lệ huy động trẻ mầm non đều tăng, trong đó riêng trẻ 5 tuổi đạt  99,8%. Đội ngũ giáo viên cũng đã được bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng, trong đó 100% giáo viên dạy lớp mầm non 5 tuổi đạt chuẩn về trình độ, 84% trên chuẩn.

Các phòng học tạm tại cụm trường lẻ của Trường Mầm non Tri Lễ, huyện Quế Phong đang

Dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng qua khảo sát của Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh vào hồi tháng 9 vừa qua, vẫn còn 5 đơn vị chưa được công nhận PCGDMN cho trẻ 5 tuổi (toàn tỉnh mới có 16/21 huyện, thành, thị xã đạt phổ cập). Đặc biệt, do khó khăn về cơ sở vật chất nên dẫn đến một số nơi, công tác phổ cập thiếu bền vững. Hiện toàn tỉnh có tới 504 phòng học mượn, tạm, trong đó 96 phòng học tạm, mượn cho lớp 5 tuổi.

Một phòng học tạm tại Trường mầm nong Tri Lễ, huyện Quế Phong

Việc “nợ” tiêu chí khi được công nhận vẫn diễn ra ở một địa phương như thiếu tường rào bao, công trình nước sạch, công trình vệ sinh cho trẻ chưa đủ theo quy định 10 trẻ/1 bồn cầu vệ sinh, hoặc bệ vệ sinh xây dựng chưa đúng quy cách. Có một số trường thiếu diện tích khuôn viên, phòng học chức năng và không đảm bảo tiêu chí xanh – sạch – đẹp.

Nhiều trường mầm non đang thiếu giáo viên theo quy định: 2 giáo viên/lớp 5 tuổi và 1,8 giáo viên/lớp 5 tuổi trở xuống (đầu năm học 2015-2016, toàn tỉnh còn thiếu 1.033 giáo viên mầm non). Điều này ảnh hưởng chất lượng chăm sóc trẻ cũng như đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến lớp.

Nhiều trường học ở Thành phố Vinh, do thiếu diện tích, không gian phía sau phòng học quá chật hẹp, không đúng quy định

Theo ông Lưu Đức Thuyên – Phó giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo thì: “tính không bền vững trong công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi thể hiện ở chỗ, hiện tại các đơn vị chỉ cần 90% số xã, thị trấn được công nhận phổ cập (nghĩa là còn 1 – 2 xã) là đã đạt rồi. Vì thế, trong số các xã đạt, nếu 1 xã mất đi một tiêu chuẩn nào đó thì huyện cũng bị "rớt”.

Theo bà Tôn Thị Cẩm Hà – Phó trưởng ban Văn hóa – Xã hội, để đảm bảo việc hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi trên phạm vi toàn tỉnh trong năm 2015 theo Đề án, cần đẩy nhanh công tác rà soát, đánh giá, hoàn thiện các hồ sơ để công nhận phổ cập ở 5 đơn vị còn lại. Đồng thời, sớm xây dựng kế hoạch để đánh giá, tổng kết việc thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010- 2015 của tỉnh. Từ đó có các giải pháp để phát triển bậc học mầm non nói chung và duy trì vững chắc kết quả PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn tỉnh.  

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN