(Baonghean) - Mặc dù dân số Nghệ An đứng thứ 4 cả nước về quy mô nhưng các chỉ số về cơ cấu tuổi, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình trạng sức khỏe trẻ em, tình trạng thể lực, trình độ học vấn nghề nghiệp đều đang ở mức trung bình. Muốn nâng cao chất lượng dân số, ngoài sự nỗ lực của các ban, ngành liên quan thì cần có sự quan tâm, đầu tư từ mỗi gia đình...
 
Ngôi nhà nhỏ của Cao Ngọc Thái, chủ nhân của Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế năm 2014 ở xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu thật bình dị. Nhà không có phòng khách nên toàn bộ bằng khen, huy chương và các danh hiệu mà Thái có được trong 12 năm học phổ thông được trưng bày ở căn phòng giữa, cũng là phòng ngủ của gia đình.
 
Nói về con, anh Cao Ngọc Hà và chị Lê Thị Anh rất đỗi tự hào. Mặc dù Thái sinh ra trong gia đình thuần nông, bố mẹ không được học hành đến nơi đến chốn nhưng ngay từ nhỏ Thái đã có ý thức và luôn say mê với học tập. Gia đình làm nông nghiệp, thu nhập chẳng đáng là bao nhưng thấy con ham học, anh chị xác định dồn sức lo cho con ăn học. Giờ đây, Thái đã vào đại học và có học bổng nhưng hàng tháng anh chị vẫn cố dành dụm vài triệu đồng gửi cho con ở Hà Nội để con học thêm tiếng Anh, phục vụ cho việc du học sắp tới.
 
Nói về kinh nghiệm nuôi dạy con, anh tâm sự rằng: Mình là nông dân, rất vất vả khổ cực. Vì vậy, gia đình anh luôn tạo mọi điều kiện để con được học hành đầy đủ, tạo dựng cho con một tương lai tốt đẹp hơn… Theo gương của anh trai, cô em gái là Cao Quỳnh Nga cũng học rất chăm chỉ và nhiều năm liền giành danh hiệu học sinh giỏi của trường và gia đình anh trở thành một gia đình hiếu học được bà con trong vùng nể phục và học tập.
 
images1144726_tuyen_truyen_ve_chinh_sach_dan_so_cho_hoc_sinh_truong_thpt_yen_thanh_3.jpeg__1_.jpgTuyên truyền chính sách dân số cho học sinh Trường THPT Yên Thành.
 
Lo cho con được đầy đủ, tạo điều kiện cho con được học hành đó cũng chính là mong muốn của bà con xóm giáo Hồng Lam (xã Nam Hưng, Nam Đàn). Do đó, nhiều năm nay người dân trong xóm đã có ý thức sinh ít con, dành thời gian để làm ăn, phát triển kinh tế. Riêng 3 năm trở lại đây xóm không có người sinh con thứ 3. Ông Bùi Xuân Nhiên, người hơn 20 năm làm xóm trưởng chia sẻ: Để các gia đình có ý thức trong việc thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, xã và xóm tạo mọi điều kiện để các chương trình hỗ trợ về dân số đến được với người dân địa phương như tư vấn về các phương tiện tránh thai, về sức khỏe sinh sản… Quan trọng hơn cả là nhận thức của bà con, mỗi người đều có ý thức xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc thì sẽ biết “dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt”. Vậy nên, dù là xóm thuần nông nhưng hiện 100% thanh niên trong xã đều thoát ly, có việc làm ổn định.  Xóm năm nào cũng có từ 6 - 7 cháu thi đậu đại học, cao đẳng, trong xóm hầu như không có hộ nghèo, tuyệt đối không có thanh niên bị vướng vào tệ nạn xã hội. Xóm còn vinh dự được công nhận là Xóm Văn hóa.
 
Trong những năm qua, tỉnh ta đã tích cực thực hiện các chính sách hợp lý về dân số, trong đó luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xem đây là mục tiêu hướng đến của Đảng và chính quyền các cấp. Các chính sách về dân số được thực hiện đồng bộ từ chăm sóc sức khỏe sinh sản, y tế đến phát triển kinh tế, đào tạo lao động, giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, công tác xóa đói, giảm nghèo.
 
Về phía ngành Dân số, thời gian qua đã cùng lúc thực hiện nhiều đề án để nâng cao chất lượng dân số như Đề án “Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển giai đoạn 2009 - 2020”; Đề án Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện, can thiệp sớm tật bệnh ở thai nhi và sơ sinh giai đoạn 2011-2015; Đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2011 - 2015”; Đề án “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân giai đoạn 2011 - 2015; Mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào gia đình và cộng đồng (giai đoạn 2012 - 2015)”. Qua đó đã từng bước giúp cho người dân thuộc các lứa tuổi ở các địa phương được tư vấn, chăm sóc hỗ trợ về kỹ thuật. Đồng thời trang bị máy móc, trang thiết bị để các cơ sở chủ động hơn trong việc thăm khám sức khỏe cho nhân dân. Nhờ đó, chất lượng dân số ở tỉnh ta từng bước được cải thiện.
 
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước còn nhiều hạn chế: Tình trạng trẻ suy dinh dưỡng còn cao, tuổi thọ thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, số người bị khuyết tật đang chiếm gần 10% tổng số dân, 42% dân số tốt nghiệp tiểu học trở xuống, chỉ 13,4% dân số được đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp kỹ thuật trở lên, còn 67,8% lao động nông, lâm, ngư nghiệp… Bên cạnh đó, hiện nay số dân trong độ tuổi lao động ở tỉnh ta có hơn 1,8 triệu người, chiếm hơn 60%, đạt ngưỡng cơ cấu dân số vàng, nhưng trên thực tế tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa cao, chỉ chiếm trên 35%. Vấn đề sức khoẻ, thể lực, thị lực... của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của thị trường lao động.  
 
Tư vấn, cấp phát thuốc về chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở Thị xã Cửa Lò.
 
Trước thực tế này, để nâng cao chất lượng dân số một cách toàn diện thì bên cạnh sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, từ các ban, ngành liên quan và từ các địa phương thì vai trò quan trọng hàng đầu phải là từ các gia đình và mỗi gia đình phải thực hiện nghiêm túc chính sách dân số. Muốn vậy, phải khuyến khích kết hôn hợp độ tuổi và xây dựng mô hình gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con, duy trì cân bằng tỷ lệ về giới tính để tránh tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai. Nâng cao chất lượng dân số còn được thể hiện ở việc các gia đình phải đầu tư cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe, điều kiện vui chơi, luyện tập thể dục, thể thao, khuyến khích việc học để nâng cao trình độ…
 
Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số/Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, cho biết: Việc nâng cao chất lượng dân số không chỉ nằm ở sức khỏe, sức khỏe sinh sản mà còn ở việc giáo dục - đào tạo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và mức thụ hưởng văn hóa tinh thần… cho người dân. Để đạt được điều này, trước tiên mỗi gia đình cần phải có ý thức để xây dựng gia đình ít con, ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh đó, chúng ta cần  xây dựng các chính sách phù hợp ở tất cả các lĩnh vực, bảo đảm người dân ngày càng được nâng cao mức thu nhập và hưởng thụ văn hóa một cách tốt nhất.
 
Thời gian tới, để công tác dân số được thực hiện hiệu quả hơn, tỉnh sẽ  tăng cường đổi mới công tác truyền thông thay đổi hành vi; nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu công tác DS/KHHGĐ của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể; chất lượng dịch vụ cần được nâng cao và đáp ứng đầy đủ kịp thời; lồng ghép chương trình DS/KHHGĐ với các chương trình kinh tế - xã hội khác...
 
Mỹ Hà
Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dân số
 
Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dân số bao gồm 17 tiêu chí chia thành 5 nhóm phản ánh 5 thành tố:
 
1.Thể chất và sức khoẻ:Thể hiện năng lực về sức mạnh thể chất của một cộng đồng, trong đó có từng cá thể; một dân số có chất lượng cao phải là cộng đồng gồm các cá nhân có đầy đủ năng lực về sức mạnh thể chất với 4 tiêu chí “Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh”, “Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (chiều cao theo tuổi)”, “Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin”, “Tỷ lệ người tàn tật”;
 
2. Trí tuệ, học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề: Thể hiện năng lực về trí tuệ, thông qua trình độ học vấn cũng như tay nghề trong các hoạt động sáng tạo, sản xuất, kinh doanh nhằm phát triển kinh tế - xã hội; một dân số có chất lượng cao phải là cộng đồng gồm các cá nhân có đầy đủ năng lực về trí tuệ, học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề với 2 tiêu chí “Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi phổ thông”, “Tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đã qua đào tạo”;
 
3. Tinh thần, đời sống văn hoá và gắn kết cộng đồng:Thể hiện năng lực về lối sống, văn hoá, quan hệ và cách ứng xử trong cộng đồng, đảm bảo cho cộng đồng có một sự gắn kết, và đó cũng là sức mạnh để đạt tới sự phát triển; một dân số có chất lượng cao phải là cộng đồng gồm các thành viên có đầy đủ năng lực về tinh thần, văn hoá, có khả năng gắn kết và sự đoàn kết chặt chẽ với 4 tiêu chí “Tỷ lệ hộ dân cư đạt chuẩn văn hoá”, “Số lượt người được phục vụ trong thư viện tính trên 1.000 dân”, “Tỷ lệ hộ dân cư có sử dụng tivi”, “Số người có sử dụng Internet tính trên 100 dân”;
 
4. Các đặc trưng nhân khẩu học (Nghiên cứu năm 2007 gọi là "Sinh sản và nhân khẩu học"): Phản ánh các đặc trưng nhân khẩu học như mức sinh, tử; tốc độ sinh; cơ cấu dân số, nhất là các cơ cấu về giới tính, độ tuổi, khu vực địa lý...; một dân số có chất lượng cao phải là cộng đồng có cơ cấu hợp lý về đầy đủ các khía cạnh để đảm bảo cho quá trình phát triển dân số cũng như kinh tế - xã hội được bền vững với 3 tiêu chí “Tổng tỷ suất sinh (TFR)”, “Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh”, “Tỷ lệ dân số thành thị”;
 
5. Đời sống vật chất và các dịch vụ xã hội cơ bản:Phản ánh khía cạnh hiệu quả hoạt động của dân số: một dân số có chất lượng cao phải là cộng đồng hoạt động có hiệu quả, đạt kết quả cao trong các hoạt động kinh tế - xã hội cũng như có tăng trưởng kinh tế hợp lý với 4 tiêu chí “Thu nhập bình quân đầu người một tháng”, “Tỷ lệ nghèo”, “Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch”, “Tỷ lệ hộ dân cư dùng hố xí hợp vệ sinh”.
Thanh Tường (Tổng hợp)