(Baonghean) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bảo hiểm y tế (BHYT) là hai chính sách xã hội đặc biệt quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị và phát triển KT - XH bền vững. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng doanh nghiệp (DN) nợ và trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động diễn ra phổ biến, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động.
Hàng trăm doanh nghiệp nợ kéo dài
Tính đến hết tháng 7/2016, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh là 192 tỷ 391 triệu đồng. Trong số này, số nợ BHXH là 167 tỷ 992 triệu đồng, nợ BHTN là 9 tỷ 259 triệu đồng, nợ BHYT là 15 tỷ 139 triệu đồng. Ngành xây dựng là nơi tập trung nhiều nhất DN nợ BHXH, tiếp đó là các ngành giao thông - vận tải, khai thác khoáng sản, thủy sản...
Các doanh nghiệp có số nợ lớn là: Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 24 nợ hơn 14 tỷ 591 triệu đồng; Công ty Công ty CP xây lắp dầu khí nợ hơn 10 tỷ 025 triệu đồng tỷ đồng; Công ty CP 482 nợ hơn 8 tỷ 361 triệu đồng; Tổng Công ty Giao thông Vận tải & Thương mại Nghệ An nợ hơn 8 tỷ 041 triệu đồng...
Việc các doanh nghiệp nợ đọng BHXH đồng nghĩa với việc các lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp này không được thanh toán chế độ khi họ trong thời kỳ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động; một số lao động đến tuổi nghỉ hưu không được hưởng trợ cấp hưu trí do chưa đủ thời gian đóng BHXH. Ví như Công ty CP 482 hiện đang nợ BHXH hơn 8,3 tỷ đồng với thời gian nợ 13 tháng khiến 390 lao động của doanh nghiệp này trong thời gian qua không hề được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, không được nhận lương hưu.
Hay như trường hợp ông Cao Văn Cường - công nhân công ty, dù đã nghỉ hưu từ tháng 9/2015, nhưng đến nay ông vẫn chưa nhận được một đồng lương hưu nào do công ty không đóng BHXH cho người lao động, khiến ông chưa đủ điều kiện để được hưởng lương hưu (phải đủ thời gian 20 năm đóng BHXH). Ông Cường bức xúc cho biết: “Trong quá trình lao động ở công ty, dù công ty đã trừ tiền đóng BHXH vào lương cho công nhân viên nhưng đến khi nghỉ hưu, tôi mới biết là công ty đã không đóng số tiền đó cho cơ quan BHXH, khiến tôi không được hưởng chế độ hưu trí”.
Có nhiều lý do được các doanh nghiệp đưa ra để lý giải cho việc chậm, nợ BHXH, BHYT là do ảnh hưởng suy thoái kinh tế nên việc sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, do công trình xây dựng đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư chưa thanh toán tiền...
Tuy vậy, trừ các doanh nghiệp thực sự khó khăn, làm ăn thua lỗ, không còn khả năng trả lương cho lao động thì có rất nhiều doanh nghiệp, dù hiểu rất rõ trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, nhưng lại cố tình không đóng BHXH, BHYT, hoặc chỉ đóng BHXH, BHYT cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn, hoặc lạm dụng tỷ lệ lãi suất phạt chậm nộp thấp hơn lãi suất ngân hàng, thủ tục vay ngân hàng phức tạp, nên cố tình nợ BHXH, BHYT.
Tăng cường biện pháp giải quyết nợ
Thời gian qua, BHXH tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH. Hàng tháng, BHXH công khai tình hình nợ của các doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện việc thông báo gửi nợ, tính lãi (15 ngày/lần) đến các doanh nghiệp. Từ danh sách các đơn vị nợ mà BHXH cung cấp, Thanh tra Sở LĐ, TB&XH sẽ tiến hành gửi giấy triệu tập thanh tra đến các doanh nghiệp. Sau khi xác định đơn vị chậm đóng BHXH, thanh tra sẽ lập biên bản vi phạm hành chính và ấn định trong vòng 15 ngày đơn vị phải hoàn thành nghĩa vụ đóng BHXH.
Nếu đơn vị không hoàn thành, thanh tra sở sẽ ra quyết định xử phạt với mức phạt từ 12-15% tổng số nợ. Nếu đơn vị tiếp tục không thực hiện sẽ tiến hành cưỡng chế tài khoản. Tuy vậy, các biện pháp này vẫn chưa đủ mạnh để khiến các doanh nghiệp ngừng việc nợ đọng BHXH. Nguyên nhân là mức xử phạt hành chính còn thấp (cao nhất chỉ 75 triệu đồng) nên không có tác dụng răn đe.
Ngay cả biện pháp mạnh tay nhất là khởi kiện các doanh nghiệp ra tòa (khả năng thắng kiện 100%) cũng không phát huy hiệu quả do khả năng thu hồi nợ rất thấp; thủ tục, hồ sơ khởi kiện phức tạp, quá trình thụ lý và xét xử chậm. Và dù bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng cơ quan bảo hiểm xã hội khó có thể xác định được số tài khoản cũng như tài sản của doanh nghiệp, không thể phong tỏa được số tài khoản ngân hàng, cũng như tài sản do động chạm đến lợi ích của các ngân hàng.
Mặt khác, theo Luật BHXH có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, công tác khởi kiện các đơn vị nợ BHXH giao cho tổ chức công đoàn, nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có vụ khởi kiện nào được các tổ chức công đoàn thực hiện.
Ngày 14/4/2016, TAND Tối cao ban hành Văn bản số 105 về việc hướng dẫn thi hành Luật BHXH gửi TAND các cấp, theo đó, kể từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2016), Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan Bảo hiểm xã hội đòi tiền bảo hiểm xã hội đối với người sử dụng lao động. Đối với những vụ án đã thụ lý trước ngày 1/1/2016 mà chưa giải quyết thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn người khởi kiện thực hiện các quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm Xã hội và Luật Xử lý vi phạm hành chính. |
Theo ông Lê Trường Giang - Giám đốc BHXH tỉnh, BHXH là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc thu và giải quyết chế độ BHXH, BHYT nhưng để việc thu BHXH hiệu quả, cần có sự phối hợp của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành liên quan.
Do đó, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Định kỳ hàng tháng, BHXH tỉnh thông báo số nợ BHXH từ 3 tháng trở lên đến UBND các huyện, thành, thị, Đảng ủy Khối doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh và đề nghị phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; đề nghị Đảng ủy Khối doanh nghiệp theo dõi, có văn bản đôn đốc, gắn việc thực hiện nghĩa vụ trích nộp BHXH, BHYT của đơn vị với tiêu chí đánh giá, xếp loại cấp ủy đảng hàng năm.
Ngoài ra, BHXH tỉnh sẽ phối hợp với Liên đoàn Lao động trong hỗ trợ tổ chức công đoàn về mặt số liệu, thủ tục lập hồ sơ khởi kiện cũng như quy trình khởi kiện, thi hành án nhằm mục đích thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN để giải quyết kịp thời quyền lợi chính đáng của người lao động.
Cùng với đó, từ đầu năm 2015 đến nay, BHXH tỉnh đã tiến hành thay đổi cách tiếp cận của nhân viên bảo hiểm đối với doanh nghiệp, theo đó, các nhân viên BHXH không chỉ đôn đốc, thu nợ mà làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn.
Bên cạnh đó, cơ quan BHXH còn tăng cường phối hợp với người lao động trong yêu cầu đơn vị sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Theo đó, cơ quan BHXH sẽ thường xuyên liên hệ với người lao động ở các doanh nghiệp nợ đọng BHXH để tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, trao đổi thông tin về tình hình của doanh nghiệp, tư vấn cho người lao động các biện pháp đòi quyền lợi... Với cách làm này, thời gian qua, một số “điểm nóng” về nợ đọng BHXH đã được giải quyết như Công ty CP Xây dựng cầu đường Nghệ An, Công ty CP Thủy lợi 4, Công ty CP Xây dựng và nạo vét đường biển 2...
Kể từ ngày 1/7/2016, Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực đã quy định tại Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm cho người lao động. Theo đó trách nhiệm hình sự được quy định cho cả cá nhân và pháp nhân khi có các hành vi trốn đóng bảo hiểm với hình phạt tương đối nghiêm khắc. Cụ thể, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm mà trốn đóng bảo hiểm có thể bị xử phạt với mức cao nhất lên đến 7 năm tù. |
Minh Quân