Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với Nghệ nhân Ưu tú Lê Hoàng về công tác bảo tồn và phát triển dân ca dân tộc thiểu số Nghệ An.
P.V: Ông có thể kể cho độc giả Báo Nghệ An hành trình bảo tồn vốn quý văn hóa dân ca dân tộc Thái mà ông đã đam mê và theo đuổi trong nhiều năm qua?
Nghệ nhân Ưu tú Lê Hoàng: Dân ca đối với tôi là máu thịt, là hơi thở, là nhu cầu trong cuộc sống. Tôi sinh ra và lớn lên tại xã Môn Sơn (Con Cuông), mảnh đất thấm đẫm những làn điệu dân ca Thái như lăm, khắp, xuối, nhuôn, òn, xươn của Mo Pí, mo khèn. Từ thủa thiếu thời tôi thường được nghe bố tôi thổi khèn bè, mẹ tôi hát xuối, các chị tôi học hát và tôi hát theo...
Từ năm 13 - 14 tuổi, tôi đã rất thích nghe những làn điệu lăm – khắp – xuối – nhuôn của dân tộc Thái. Hằng đêm, cứ ở đâu tổ chức hát đối đáp là tôi đến nghe, dần dần các giai điệu đó cứ như bản năng hơi thở của mình vậy, tôi nhớ được hầu hết các điệu ca cổ của đồng bào mình. Cứ thế tôi lớn lên bằng những thứ âm nhạc say đắm đó. Rồi đến tuổi hẹn hò, tôi lại được đắm mình cùng trai, gái bản trong những đêm trăng sáng thổi pí hát giao duyên.
Sau này đi đó đây, tôi vẫn thường sưu tầm học hỏi, chắt lọc để ghép thành bài và phát triển những giai điệu đó thành ca khúc. Có lẽ vì thế mà trong các sáng tác của mình, tôi thường có những bài hát đậm chất dân ca cổ, nhưng vẫn dễ thuộc, dễ nhớ, đặc biệt là được giới trẻ yêu thích.
P.V: Thế nên, cũng dễ hiểu rằng ông là người của bản làng Con Cuông được vinh danh nhiều nhất trong việc bảo tồn và phát huy dân ca dân tộc thiểu số, với nhiều năm cống hiến về nghệ thuật trình diễn cũng như lan tỏa tình yêu dân ca cho thế hệ trẻ?
Nghệ nhân Ưu tú Lê Hoàng: Ngay từ thuở niên thiếu, tôi đã lên sân khấu khá nhiều. Sân khấu thời đó chỉ là một không gian diễn xướng của bà con trong các dịp lễ hội. Sau này tôi liên tục được mời đi dự các liên hoan lớn, nhỏ trong và ngoài địa phương. Đến những năm có Lễ hội Làng Sen, tôi luôn đại diện cho xã nhà, huyện nhà thể hiện làn điệu dân ca dân tộc mình. Có những năm đạt giải cao nhưng cũng có những năm chỉ đạt giải tập thể, nhưng niềm háo hức, say mê khi đến với các kỳ liên hoan để được mang làn điệu dân ca mình thể hiện với du khách muôn phương khiến tôi luôn háo hức, say mê. Cả tháng trước các kỳ liên hoan, chúng tôi say mê tập luyện truyền đạt cho nhau những kỹ thuật nhả âm thanh, cách lẩy pí, khèn sao cho ấn tượng mà đậm chất dân tộc. Có thể kể đến những tiết muc trình diễn mà tôi tâm đắc như “Tiếng khèn bên khăn Piêu”, “Con gái bản Xan”, “Tiếng Tử Quy”... Những tác phẩm này thực sự cho chúng tôi nhiều cảm hứng khi trình diễn và cảm nhận được rõ người thưởng thức cũng hòa quyện vào không gian đó.
P.V: Trong những cống hiến của mình cho việc gìn giữ dân ca Thái, ông ấn tượng nhất với đặc điểm nào của loại hình dân ca này?
Nghệ nhân Ưu tú Lê Hoàng: Ca từ của các làn điệu cổ bao giờ cũng mang tính tượng hình, gợi tả, ý tại ngôn ngoại, đậm chất thơ ca, ví von, nói cái này nhưng hiểu ý khác; nói ý tứ để người nghe tự cảm nhận, suy ngẫm, thậm chí thấy có thân phận mình trong đó. Trong các làn điệu thì chỉ có lăm là có nhịp (nhịp 2/4), có thể hát với khèn bè, hát với cồng chiêng để mọi người cùng múa. Với làn điệu này, người ta có thể phát triển được nhiều bài ca mang âm hưởng dân ca Thái đi vào lòng người, có tính quần chúng nhưng đậm chất nghệ thuật.
Tất nhiên, những làn điệu khác cũng khiến chúng ta say mê khi được thụ hưởng nó, cả người xem và người hát (múa) đó là nhuôn, xuối... Chính những làn điệu này cho chúng ta cảm nhận được nét tinh tế nhất, riêng có nhất của dân ca dân tộc mình.
P.V: Không chỉ là người trình diễn giỏi các điệu khèn, hát, múa dân ca Thái, ông còn là người sáng tác rất nhiều giai điệu, ca khúc. Trong tất cả những sáng tác của ông, người nghe, người xem đều cảm nhận rõ những chất liệu đậm đà dân ca dân tộc, không chỉ toát ra từ giai điệu mà còn cả những ca từ, cả cách người trình bày tác phẩm thổi vào nó. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?
Nghệ nhân Ưu tú Lê Hoàng: Dân ca của bất kỳ dân tộc nào nó cũng là hồn cốt, là văn hóa đằm sâu của mỗi con người, mỗi vùng đất. Nó khiến người đi xa phải nhớ, phải vấn vít mà quay về, nó khiến người ở lại cả đời không muốn đi đâu, khiến anh em, làng xóm, đồng bào xích lại, cố kết, nhường cơm, sẻ áo, chan hòa tình cảm. Thế nên, khi cất lên một lời ca, hay khi thổi một điệu khèn ta thấy có mình trong đó, có tuổi thơ, có người thân và có đồng bào mình.
Dân ca được truyền qua từ đời này đến đời khác, thế hệ đương thời có nghĩa vụ phải bảo tồn và phát huy, nhân rộng. Thế nên, khi phát triển một làn điệu dân ca dân tộc, tất cả các ca từ phải gắn kết với tình yêu, lao động, sản xuất, gắn kết với phong tục, tập quán vùng, miền, bám sát các giai điệu cha ông để lại; phát triển nhưng phải giữ đúng tâm ý người nghe, người hát, đậm hình ảnh, dễ diễn xuất thì mới được người thưởng thức chấp nhận.
P.V: Là người phục dựng nhiều tục lệ trong các lễ hội, nhiều CLB dân ca ở các bản Thái cổ, ông còn đứng lớp cho nhiều CLB bảo tồn và phát triển dân ca dân tộc Thái. Ông cảm nhận như thế nào về đời sống văn hóa của người dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An trong những năm gần đây?
Nghệ nhân Ưu tú Lê Hoàng: Nhìn chung, đồng bào ta vẫn còn say mê với những phong trào văn hóa dân gian dân tộc. Chỉ cần một tiếng khèn cất lên chúng ta đã muốn hòa chung một điệu múa, và cái tinh thần anh em, làng bản cố kết cộng đồng cũng xuất phát từ đó. Thế nhưng, có một thực tế là hiện tại các loại hình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian ngày càng mai một. Điển hình như loại hình “Hạn Khuống” hiện nay dường như biến mất khỏi đời sống sinh hoạt của đồng bào Thái, cùng với đó là những nhạc cụ, con người dường như cũng xa rời theo.
Đơn cử như việc làm khèn bè, không phải ai khéo léo trong sản xuất công cụ của đồng bào cũng có thể làm khèn. Trước đây có một vài cụ có thể làm được khèn đúng chất, khi sử dụng âm thanh cho ra đúng giai điệu, nhưng các cụ ấy đã theo tiên tổ về trời, mang theo cả đôi bàn tay khéo léo và cả khả năng thẩm định âm thanh, lựa chọn nguyên liệu khi kết khèn, thế là nay không còn ai sản xuất công cụ này nữa.
Hay nhiều cụ còn giữ được khúc hát ru, mà nó không thể truyền đạt được bằng các khuông nhạc, hoặc các kỹ thuật ghi âm, mà chỉ bảo tồn nó bằng cách truyền miệng, nay các cụ đã không còn và cũng không có ai thực hiện được sứ mệnh đó nữa. Vì thế, các làn điệu hát ru bị mai một hoặc không được truyền dạy một cách bài bản.
Bên cạnh đó, có một thực tế rằng, hiện nay ở các bản, làng chưa xuất hiện nhân tố trẻ nào biết hát, biết diễn xướng dân ca. Hát giao duyên đối đáp không còn, một số lễ hội bản Mường không được gìn giữ, không còn tồn tại trong đời sống tâm linh của đồng bào Thái. Đó là điều tôi vô cùng tiếc nuối, trăn trở nhưng thực tình chỉ mỗi sự nỗ lực của mình thì chưa thể phục dựng được. Gần đây, khi du lịch cộng đồng phát triển, một số sinh hoạt văn hóa được phục dựng trở lại nhưng bị méo mó, không còn đúng với nguyên bản. Rồi việc tiếng nói bị pha tạp, trang phục lẫn lộn không đúng bản sắc, điều đó cũng làm cho tôi băn khoăn, day dứt...
P.V: Theo ông, điều cần nhất để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trong thời đại ngày nay là gì?
Nghệ nhân Ưu tú Lê Hoàng:Muốn bảo tồn và phát huy được bản sắc các loại hình văn hóa phi vật thể này thì không nên để cho các CLB dân gian hoạt động theo kiểu tự phát, không định hướng như hiện nay mà các cấp, ngành văn hóa cần phải tham mưu cho chính quyền quan tâm thực sự tới những người sưu tầm, các nghệ nhân dân gian - những người nắm giữ kho tàng văn hóa phi vật thể.
Đồng thời, ngành Văn hóa cần có chiến lược, chương trình phục dựng và truyền dạy dân ca dân tộc thiểu số một cách bài bản nhằm giữ được hồn cốt, bản sắc dân tộc, đưa các loại hình này gắn bó với sinh hoạt cộng đồng, phục vụ tốt cho các tour du lịch để các CLB có điều kiện tự trang trải thì mới có thể phát triển một cách bền vững.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!