(Baonghean) - Ở huyện miền núi Con Cuông không chỉ có cây đa Cồn Chùa nổi tiếng trong cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh, từng xuất hiện trong bài hát của nhạc sỹ Trần Vương, mà tại nhiều làng bản khác cũng có những cây đa hàng trăm năm tuổi. Những cây cổ thụ gắn bó với cuộc sống tâm linh của bà con dân bản và chứng kiến sự đổi thay của thời cuộc… Cây đa biểu tượng của đại ngàn, nét đẹp của bản làng miền núi.

Cây đa cổ thụ ở bản Cống (Cam Lâm - Con Cuông). Ảnh: Hồ Phương
Cây đa cổ thụ ở bản Cống (Cam Lâm - Con Cuông). Ảnh: Hồ Phương

Bên tả ngạn dòng Lam, đoạn qua cầu treo Châu Khê, nối hai xã Châu Khê và Cam Lâm, có hai cây đa cổ thụ trăm năm bầu bạn bên nhau. Trong bản, không ai nhớ được tuổi cây, chỉ biết đã có từ lâu lắm. Những chiếc trụ rễ chằng chịt dây leo, phủ rêu xanh biếc. Trụ rễ vững chãi đỡ lấy thân cây trải bao cuộc nắng mưa. Cây đa cổ thụ phía ngoài đứng ngay cạnh dòng chảy cuồn cuộn của con sông Cả mỗi năm mấy lần trong đục. Dòng sông luôn thay tính đổi nết, còn cổ thụ vẫn đứng đó, điềm tĩnh trông ra dòng nước như một chứng nhân cho những vui buồn của trời đất.

Cây đa phía trong ngoảnh mặt vào bản Cống chứng kiến mọi đổi thay của thời cuộc, đã trải mấy kiếp người. Bên cạnh cây đa là đài liệt sỹ ghi công những anh hùng đã hy sinh vì bình yên của đất nước. Thầm khen người đã chọn nơi ghi công tiền nhân cạnh cây đa cổ thụ này. Chuyện kể lại, ngày trước, dưới gốc mỗi cây đa đều có một ngôi đền. Cây đa phía ngoài đứng cạnh mép sông thờ Đức Ông, còn cây đa phía trong thờ Đức Bà. Chẳng ai còn nhớ lai lịch của hai vị, chỉ biết rằng đó là những người có công khai bản lập mường, giúp dân đánh thắng thủy thần, nhờ đó dân bản bình yên, an cư lạc nghiệp. Về sau, dân nhớ ơn sâu mà lập đền thờ. Ngày nay cả hai ngôi đền đều không còn nữa, tất cả chỉ còn sống trong câu chuyện kể, ký ức của người già.

Ngay cạnh Quốc lộ 7, đoạn qua bản Chằn Nằn (Chi Khê - Con Cuông), có cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Cây đa trong khuôn viên trường tiểu học của bản ngoảnh mặt ra những thửa ruộng bậc thang hai mùa lúa. Ông Lộc Văn Túc, cán bộ lão thành cách mạng từng giữ chức Tổ trưởng Tổ chính quyền ở xã Châu Khê trước đây, kể lại: “Từ năm 1950, khi còn đi theo mang túi cho ông trùm Lợi Tổ trưởng Tổ chính quyền của bản Chằn Nằn, đã thấy cây đa đứng đó. Dân bản vẫn mang súng săn đi bắn chim, sóc về ăn quả đa chín. Ngày nay, chính quyền thôn bản đã đưa cây cổ thụ cao và đẹp hiếm có tại địa phương này vào diện bảo vệ, cấm xâm hại. Đối với dân bản Chằn Nằn, đó là một cây thiêng, một báu vật của thôn bản”.

Theo nhà văn Sầm Nga Di (Mường Nọc - Quế Phong) thì trong đời sống tâm linh xưa nay của người vùng cao, những cây cổ thụ có vai trò quan trọng đặc biệt. Mỗi bản đều có cây cổ thụ, không hẳn là cây đa nhưng là cây lớn nhất vùng. Cái cây có vai trò như cột mốc cho ranh giới các bản làng với nhau. Dưới gốc cổ thụ đều có một am thờ nhỏ gọi là "nghé". Giêng hai hàng năm, cả bản đến thắp hương thờ cúng thổ địa. Chốn thờ chung của vài ba bản trong vùng gọi là "xớn". Vào dịp thờ cúng ở "xớn", các bản phải góp gà lợn, gạo thờ chung. Nơi thờ chung của mường là đền.

Tuy nhiên, có một số nơi cổ thụ đã bị tàn phá với những lý do khác nhau. Có người sợ cây đổ, gây ảnh hưởng đến nhà cửa và sự an toàn của con người, có người hám lợi chặt cây đem bán… Gần đây, chính quyền các địa phương đã có chủ trương bảo vệ những cây cổ thụ của bản, được quy định trong hương ước hẳn hoi. Có chính quyền vào cuộc, mong sao những cây cổ thụ còn lại sẽ được bảo vệ, như cách để níu giữ đại ngàn, giữ được hồn cốt, bản sắc cho dân bản vùng cao. 

Hữu Vi