Những “cầu nối” hòa bình

Ở Công ty TNHH Kido Vinh (Đô Lương), người lao động có tiền hỗ trợ con nhỏ, tiền nhà theo thâm niên và tiền xăng xe đi lại hàng tháng. Vào ngày Rằm tháng Giêng và ngày thành lập công ty, tất cả công ty được nghỉ phép năm. Mỗi năm, công đoàn công ty sẽ trao 20 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 5 triệu đồng cho 20 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn nhất. Mặc dù Chính phủ không điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng nhưng công ty tăng thêm 100 nghìn đồng tiền lương cơ bản cho người lao động kể từ năm 2021...

bna_image_1062475_1422021.jpgLàm cán bộ công đoàn ngay từ những ngày đầu công ty mới thành lập, chị Ngọc Anh đã có rất nhiều đóng góp nhằm cải thiện đời sống công nhân lao động. Ảnh: NVCC

Để có được những đãi ngộ và chính sách này, Ban Chấp hành công đoàn phải thực sự vững mạnh, thực sự có tiếng nói, trở thành cầu nối giữa chủ doanh nghiệp và người lao động. Là thành viên Ban Chấp hành công đoàn công ty ngay từ những ngày đầu thành lập, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh là một nhịp quan trọng trên chiếc cầu đặc biệt này.

Vị thế của tổ chức công đoàn Công ty TNHH Kido Vinh bắt đầu được khẳng định từ 2 cuộc đình công liên tiếp trong 2 năm đầu thành lập công ty. Chị Ngọc Anh nhớ lại: “Công ty thành lập năm 2012 thì cả 2 năm 2012 và 2013 đều xảy ra đình công liên quan đến chế độ tiền lương, tiền ăn ca cho công nhân lao động. Công ty mới mở, lại là doanh nghiệp lớn nhất trên địa bàn ở thời điểm đó, nếu xử lý vấn đề này không tốt thì sẽ dẫn theo rất nhiều hệ lụy. Lắng nghe những vấn đề của công nhân lao động, cán bộ công đoàn đã giải thích cho họ hiểu cặn kẽ lý do khác biệt về hệ số lương, trực tiếp đi tham khảo chế độ của các doanh nghiệp tương đương và đề xuất với lãnh đạo công ty những thay đổi hợp lý”.

Sau 2 cuộc đình công đó, mọi khúc mắc giữa công nhân và người lao động được hóa giải, công đoàn công ty ngày một trưởng thành và được ghi nhận. “Một trong những thuận lợi mà chúng tôi có được đó là cán bộ công đoàn cũng chính là người lao động, trực tiếp tham gia sản xuất và gặp gỡ công nhân hàng ngày, dễ dàng nắm bắt được mọi tâm tư, nguyện vọng của công nhân. Nắm bắt rồi, cán bộ công đoàn phải cân nhắc xem những ý kiến đó có hợp lý không, nếu không thì nên nói với công nhân thế nào, nếu có thì nên thương lượng với lãnh đạo công ty thế nào. Bên cạnh đó, LĐLĐ huyện Đô Lương đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều về kinh nghiệm xử lý những vấn đề này”, chị Ngọc Anh chia sẻ.

Khó khăn chung của những doanh nghiệp FDIlà sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Thêm nữa, khi doanh nghiệp càng lớn, công nhân càng đông thì những thay đổi nhỏ trong chế độ cho từng người sẽ trở thành những khoản chi khổng lồ của doanh nghiệp. Chính vì thế nên phía sau những thay đổi nhỏ để cải thiện đời sống cho người lao động là những nỗ lực vô cùng lớn của Ban Chấp hành công đoàn. Có những chế độ mất nhiều năm trời để thuyết phục, những nội quy không đếm nổi số lần đàm phán, những chương trình tiêu tốn rất nhiều tâm sức... Chỉ khi cán bộ công đoàn thực sự vì người lao động, thực sự tâm huyết với tổ chức công đoàn, họ mới có thể kiên trì đến vậy.

Còn thương, còn trăn trở

Nói về những niềm vui trong quãng thời gian làm cán bộ công đoàn, giọng chị Ngọc Anh như chùng lại. Những niềm vui của chị hầu như đều gắn với những phút giây xúc động trước buồn, vui của người lao động.

Chị Ngọc Anh (đứng thứ 4 từ trái sang) trong lễ bàn giao nhà mái ấm công đoàn cho đoàn viên công ty. Ảnh: NVCC

Đó là khoảnh khắc trao 20 cuốn sổ tiết kiệm cho những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Kể từ năm 2015 đến nay, lễ trao sổ nào cũng khiến người lao động khóc - nước mắt biết ơn của người được nhận và nước mắt sẻ chia của những người đồng nghiệp. Đó là sự hào hứng, phấn chấn của công nhân lao động trong mỗi dịp hội thao, văn nghệ hàng năm. Chị Ngọc Anh hiểu rằng, những chương trình đó chính là món ăn tinh thần, là yếu tố nuôi dưỡng cảm xúc tích cực cho người lao động. Đó là những cảm xúc vỡ òa hạnh phúc của công nhân lao động khi nhận được tin vui về thay đổi chế độ, lương thưởng... “Niềm vui của công nhân cũng chính là hạnh phúc của cán bộ công đoàn. Hạnh phúc đó giản dị thôi nhưng khiến chúng tôi thêm tự hào công việc của mình”, chị Ngọc Anh thổ lộ...

Không chỉ mang lại quyền lợi cho người lao động trong công ty, những chính sách, đãi ngộ mà công đoàn công ty xây dựng đã lan tỏa, ảnh hưởng đến những doanh nghiệp khác trên địa bàn.

Đoàn viên Công ty TNHH Kido Vinh chuẩn bị quần áo hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt. Ảnh: NVCC

Mặc dù gặt hái được nhiều niềm vui nhưng chị Ngọc Anh cũng mang trong mình rất nhiều trăn trở. Chị nói: “Hầu hết cán bộ công đoàn đều kiêm nhiệm, đều trẻ, nên chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ năng trong giải quyết xung đột, đàm phán, giao tiếp... Khi người lao động còn cần đến thùng thư góp ý để nói lên ý kiến của bản thân thì có nghĩa là công đoàn chưa thực sự thấu hiểu họ. Bên cạnh đó, một số lao động vẫn còn chưa hiểu rõ ý nghĩa của đoàn phí, không muốn đóng đoàn phí nhưng luôn đòi hỏi nhiều phúc lợi, thiếu tinh thần tập thể...”.

Chia tay vai trò cán bộ công đoàn công ty, chị Ngọc Anh mang theo cả những đau đáu làm sao để giúp người lao động có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, làm sao để những cuốn sổ tiết kiệm có giá trị lớn hơn, những chương trình cho công nhân phong phú hơn... “Dù không còn làm cán bộ công đoàn nữa nhưng ở vị trí của một người thuộc bộ phận nhân sự, tôi sẽ tiếp tục đồng hành với tổ chức công đoàn và công nhân lao động. Bởi lẽ, tôi đã trưởng thành từ công đoàn và tôi cũng là một người lao động”, chị Ngọc Anh chia sẻ.

Trong gần 10 năm hoạt động công đoàn, những cống hiến của chị Nguyễn Thị Ngọc Anh đã được các cấp công đoàn ghi nhận. Chị đã được nhận 10 Bằng khen của Liên đoàn Lao động huyện, 4 Bằng khen của Liên đoàn lao động tỉnh và 1 Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.