(Baonghean) - Vào năm học mới 2014 -2015 này, một trong những khó khăn hàng đầu của ngành giáo dục huyện Kỳ Sơn vẫn là về hệ thống cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học. Và thực tế cho thấy, việc vận động các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trường học đang đem lại không ít niềm vui cho học sinh nơi rẻo cao này...

Từ Thị trấn Mường Xén, vượt chặng đường gập ghềnh hơn 30 km men theo dòng Nậm Mộ, chúng tôi đến Trường THCS bán trú Nậm Típ ở bản Văng Phao (Mường Típ) vào một ngày đầu năm học mới. Điều vui của các em nhỏ ở đây là đã được học trong ngôi trường cao tầng khang trang, kiên cố, nhưng nhà nội trú của giáo viên và học sinh vẫn còn ván thưng đã mục và mái tôn gỉ sét dột nát. Chênh vênh, nhỏ nhoi giữa sườn núi thêm những mái lều nhỏ tạm bợ là nơi trọ học của những học sinh ở bản xa. Thầy Hoa Phò Ngành, Phó Hiệu trưởng cho biết: “Trường có nhiệm vụ dạy học cho 447 học sinh con em 2 xã Mường Típ và Mường Ải, đây là 2 xã thuộc diện khó khăn nhất huyện, việc đi lại cũng gian nan nhất, nên việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất có nhiều hạn chế”. 
images1047461_img_0837.jpgThi công nhà ở bán trú cho học sinh ở Trường THCS bán trú Nậm Típ.
Biết thêm, hai bản xa nhất là Ta Đo và Phà Nọi (Mường Típ) nằm cách trường đến 20 km, hầu hết các em phải đi bộ. Còn bình thường, các bản đều cách trường trên dưới 10 km, nên nhu cầu ở bán trú của học sinh THCS là rất lớn. Nhưng đến nay, các em vẫn đang phải ở trong dãy phòng học cũ đã xuống cấp, nhiều phòng không đủ giường, các em phải ghép ván giữa nền để nằm nghỉ. Diện tích các phòng nội trú lại có hạn, không đáp ứng hết nhu cầu nên nhiều em phải dựng lều quanh trường để ở trọ. 
 
Mới đây, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam đã quyết định hỗ trợ Trường THCS bán trú Nậm Típ hơn 5 tỷ đồng để xây dựng nhà bán trú cho học sinh. Công trình được thiết kế gồm 2 tầng với 14 phòng, hiện đang được gấp rút thi công, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào đầu học kỳ 2 của năm học này. Cũng theo thầy Hoa Phò Ngành, công trình hoàn thành sẽ giải quyết được chỗ ở cho khoảng gần 50% học sinh thuộc diện được hưởng chế độ bán trú của trường. Số các em còn lại vẫn tiếp tục phải ở trong dãy phòng học cũ. Nhưng được thế rồi, thì việc mua sắm giường cho học sinh là vấn đề nan giải, có thể một thời gian dài nữa mới giải quyết được.
 
Xã Chiêu Lưu nằm bên tuyến Quốc lộ 7A, giao thông tương đối thuận lợi nhưng đời sống kinh tế - xã hội của xã vẫn còn gặp không ít khó khăn. Học sinh Trường THCS bán trú Chiêu Lưu đang phải ở trong dãy phòng học cũ, vách và mái đã bị hư hỏng nhiều. Thậm chí, nhà trường phải dành phòng thực hành và phòng họp chuyên môn làm chỗ ở cho học sinh bán trú, nhưng không đủ giường, nhiều em đang phải trải chiếu giữa sàn nhà để nằm. Trường vừa mới được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hỗ trợ 2 tỷ đồng để xây dựng ngôi nhà 2 tầng gồm 8 phòng ở bán trú cho học sinh. Công trình hiện đã thi công xong tầng 1, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 12 năm nay. Thầy Ngô Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, công trình hoàn thành sẽ giải quyết được khoảng 80% nhu cầu của học sinh bán trú, số học sinh bán trú còn lại vẫn tiếp tục ở dãy phòng học bán kiên cố trước đây. 
 
Bước vào năm học 2014 - 2015, ngành Giáo dục Kỳ Sơn được đón nhận thêm tin vui khi Tỉnh đoàn phối hợp với Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh bàn giao “Ngôi nhà chắp cánh ước mơ” cho Trường THCS bán trú Na Ngoi, công trình có tổng trị giá trên 300 triệu đồng, diện tích 402m2, gồm 3 gian nhà cấp 4 và 1 gian bếp. Đây là kết quả ủng hộ của sinh viên các trường đại học trên địa bàn tỉnh và cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Na Ngoi. Cùng với đó, Chương trình “Tiếp sức đến trường” do Đài PT-TH tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo và Tỉnh đoàn tổ chức đã quyên góp ủng hộ 948 triệu đồng giúp Trường Tiểu học và THCS bán trú Phà Đánh xây dựng nhà bán trú cho học sinh. Công trình được khởi công vào dịp khai giảng, có diện tích 142m2 với 5 phòng ở cấp 4, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho khoảng 80 học sinh. Dự kiến công trình sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2014. 
 
Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn cho biết: “Trong điều kiện nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt là nhà bán trú cho học sinh rất khó khăn, thì việc các tổ chức, đoàn thể ủng hộ, đầu tư xây dựng nhà bán trú ở trên địa bàn là việc làm vô cùng ý nghĩa, tạo động lực to lớn cho mỗi trường học, điểm trường nâng cao chất lượng dạy và học; đồng thời có sức lan tỏa lớn trong mục tiêu xã hội hóa giáo dục. Rất mong có nhiều những sự ủng hộ giúp đỡ như thế, với trách nhiệm, tâm huyết vì tương lai con em vùng rẻo cao biên giới đặc biệt khó khăn này”.
 
Bài, ảnh: Tường Anh