(Baonghean.vn) - Cùng với việc xây dựng nhà máy đường thì UBND tỉnhđã cho dự án xây dựng con đường đi vùng nguyên liệu mía ở 3 xã Thọ Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn và một tuyến đi về tổng đội huyện với tổng chiều dài cả 2 tuyến gần 40km. Nếu không có nhà máy đường, 3 xã này chưa dám nghĩ đến có đường nhựa. Đây là ước mơ bao đời của cán bộ nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa Anh Sơn.

Trước đây, những cánh đồng khô cằn người dân Thọ Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn (Anh Sơn) phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, một nắng hai sương trồng ngô gieo lạc, gieo lúa nhưng đồng ruộng nứt nẻ cái đói lại hoàn đói. Huyện, Đảng bộ, HĐND Anh Sơn đã có NQ chuyển đổi cây trồng mùa vụ tập trung các xã Thọ Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn. BCH Đảng bộ các ban, ngành, đoàn thể cũng được cử về nằm vùng cùng đảng uỷ chính quyền các địa phương chỉ đạo đảm bảo diện tích mía. Những năm đầu xã nhiều nhất cũng chỉ 120 ha, vùng nguyên liệu mía còn manh mún, đường giao thông cách trở. Từ nhà máy đến vùng nguyên liệu phải qua sông Lam gây tốn kém, phiền hà cho nhà máy và cả người trồng mía.

Niềm vui người trồng mía ở Con Cuông, Anh Sơn ảnh 1

Công nhân Nhà máy đường Sông Lam chuẩn bị cho vụ ép 2011-2012

Với phương châm: nhà máy cần dân, dân cần nhà máy, hàng năm vùng nguyên liệu mía được mở rộng. Ngoài 3 xã Thọ Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn, vùng tổng đội huyện còn có 3 xã ở huyện Con Cuông, Hoa Sơn (Anh Sơn). Đến năm 2011, nguyên liệu mía Anh Sơn đã tăng lên 1.400 ha riêng xã Thọ Sơn đã có 380 ha, Bình Sơn 250 ha, Thành Sơn 110 ha, Xí nghiệp chè Bãi Phủ trồng trên 40 ha. Đến nay vùng nguyên liệu mía đã xuống đến xã Hùng Sơn, Đức Sơn...

Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, hàng năm nhà máy còn hỗ trợ từ 600-700 triệu đồng để nâng, cấp tu sửa đường giao thông nội vùng, hỗ trợ phân bón, giá cước vận chuyển, tiền cày máy và giống mía. Ở xã Hội Sơn (cũ) có tổ trồng mía ông Vệ gồm 8 hộ trồng 12 ha, riêng hộ ông Hoà trồng 2,3 ha, mỗi năm nhập cho nhà máy 700-800 tấn mía. Công ty mua mía giá tận ruộng theo thị trường được tăng lên hàng năm. Năm 2011 giá mía lên tới 950.000 đồng/tấn. Nhà máy cùng các chủ hợp đồng có lịch cho bà con đốn chặt, giải phóng mía đứng, thanh toán tiền kịp thời đầy đủ. Bà con còn được ứng tiền trước Tết. Mỗi năm, nhà máychi trả từ 15-20 tỷ đồng tiền mía.

Ở vùng trồng mía, nhờ chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía vừa tăng thu nhập vừa giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động ở nông thôn. Nhiều gia đình mỗi năm thu về 50-70 triệu đồng từ trồng mía đã tích góp xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt gia đình.

Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn - Nguyễn Văn Thành cho biết: Từ ngày Thọ Sơn chuyển đổi trồng mía đời sống người dân no ấm, nhất là đồng bào dân tộc ít người đã thay đổi tập quán làm ăn, không còn sống du canh du cư lên rừng chặt cây bán gỗ, trỉa lúa rãy, giảm được các tệ nạn xã hội. Ông Lô Văn Quang ở thôn 3 Thành Sơn cười khà khà rồi nói: “Cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà máy Đường, dân ta từng bước xoá được cái đói, giảm được cái nghèo, tất cả nhờ cây mía”.

Bí thư Đảng uỷ, Phó giám đốc Nhà máy Mía đường sông Lam - Lê Thanh An cho biết: Người trồng mía thuỷ chung với nhà máy, cùng đồng hành với nhà máy, sẻ chia lúc khó khăn thì cả 2 cùng phát triển. Thật vậy, người trồng mía đã và đang có niềm vui nhất là khi cầu Cây Chanh đã nối nhịp đôi bờ, việc giao thông đi lại và vận chuyển mía càng thuận lợi, niềm vui đó được nhân lên gấp bội.

Mục tiêu của Nhà máy Mía đường sông Lam là ổn định vùng nguyên liệu mía từ 1.300 lên 1.500 ha, sản lượng hàng năm đạt 65.000-80.000 tấn.

 

Sỹ Thuần