Hạnh phúc tròn đầy

Lần thứ hai gặp thiếu phụ gốc Lào có nụ cười tỏa nắng Lương Thị Xôm (SN 1989, trú ở bản Kèo Cơn, xã Keng Đu) tại thành phố Vinh, chị không giấu nổi niềm vui ánh lên trên khuôn mặt rạng rỡ. Chị bày tỏ “Cầm quyết định là công dân Việt Nam mà tôi cứ ngỡ như mơ... Thật hạnh phúc khi tôi đã chính thức trở thành công dân Việt Nam!”.

Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi về làm vợ anh Lương Văn San ở bản Kèo Cơn, xã Keng Đu (năm 2008), rồi làm mẹ của 3 đứa con, Lương Thị Xôm mới có một chuyến đi xa, ra khỏi bản làng biên giới, về tận thành phố Vinh để nhận quyết định nhập quốc tịch.

bna2fotojet_169083435_712020.jpgChị Lương Thị Xôm vui mừng được trở thành công dân Việt Nam. Ảnh: K.L

Đối với chị Lương Mẹ Khăm (SN 1978), trú ở bản Huồi Phuôn 2, xã Keng Đu thì tờ quyết định công nhận công dân Việt Nam là món quà vô cùng ý nghĩa trước một mùa xuân mới sắp gõ cửa. 20 năm theo chồng là anh Lương Văn Thon về Việt Nam cư trú, sinh 6 người con (5 gái, 1 trai) nhưng người phụ nữ Lào có vẻ ngoài chân chất, thật thà này vẫn chưa được nhập quốc tịch nên đôi lúc không tránh khỏi cảm giác tủi thân, lạc lõng.

Nay được công nhận là công dân Việt Nam, chị Lương Mẹ Khăm sẽ đón một mùa Xuân ấm áp, một cái Tết tròn đầy, hạnh phúc hơn bên gia đình. Trò chuyện với chúng tôi, chị vui vẻ chia sẻ mặc dù sinh ra và lớn lên bản Co Đù, huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) nhưng về an cư tại quê chồng, dẫu cuộc sống còn khó khăn, song trong lòng chị đã xem đây là quê hương thứ 2 của mình. “Từ hôm đi nhận quyết định nhập quốc tịch Việt Nam ở thành phố về, bà con ở làng trên, bản dưới đến chia vui...”.

Chị Lương Mẹ Khăm, trú ở bản Huồi Phuôn 2, xã Keng Đu (Kỳ Sơn) bày tỏ niềm hạnh phúc khi được trở thành công dân Việt Nam. Ảnh: K.L

Chị Già Y Mỹ (SN 1981) làm dâu ở bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) xúc động bày tỏ “Về làm dâu Việt Nam, tôi và nhiều chị em người Lào khác luôn được quan tâm, tạo điều kiện như đồng bào trong bản, trong xã, không phân biệt gì cả, nay còn được công nhận là công dân Việt Nam, không chỉ tôi mà cả gia đình tôi biết ơn các cấp chính quyền nhiều lắm, không sao diễn tả được bằng lời..”.

Chị Y Mỹ là vợ anh Hờ Bá Chá - hiện là Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn. Anh chị nên duyên vợ chồng từ năm 1999 và trái ngọt của mối tình Lào - Việt là 3 đứa con chăm ngoan học giỏi, trong đó 2 cô con gái đầu đang học tại Trường Đại học Vinh, cậu út đang theo học tại Trường PT DTNT THCS Kỳ Sơn...

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao quyết định công nhận Quốc tịch Việt Nam cho người Lào di cư. Ảnh: K.L

Niềm vui sướng, phấn khởi của chị Xôm, chị Khăm và chị Y Mỹ cũng là tâm trạng chung của 70 cô dâu, chàng rể Lào thuộc nhiều độ tuổi đang cư trú tại các xã biên giới ở Nậm Cắn, Đoọc Mạy, Keng Đu, Mỹ Lý (Kỳ Sơn) khi được công nhận là những công dân Việt Nam chính thức.

Ông Cụt Phò Phút (SN 1968), trú bản Kèo Cơn, xã Keng Đu phấn khởi chia sẻ: “Đã hàng chục năm an cư ở quê vợ, nhưng năm nay tôi mới có cảm giác hạnh phúc trọn vẹn. Cảm ơn nhà nước Việt Nam, cảm ơn cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành tỉnh Nghệ An đã quan tâm đến nguyện vọng của người dân. Chúng tôi xin hứa sẽ cố gắng trở thành những công dân tốt, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước...”.

Những phụ nữ Lào lấy chồng Việt vui mừng đi làm thủ tục nhập quốc tịch. Ảnh: Khánh Ly

Đảm bảo quyền lợi công dân mới

Nghệ An là tỉnh có đường biên giới dài 419 km, tiếp giáp 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bôlykhămxay của nước bạn Lào; bởi vậy, chuyện những chàng trai, cô gái của 2 nước bén duyên, về ở với nhau, hình thành những mái nhà 2 quốc tịch tại các bản làng sát hai bên biên giới đã là thường.

Hầu hết cư dân Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú đang sinh sống ở các xã biên giới của Nghệ An đều đã có cuộc sống ổn định, có nhà ở, đất canh tác tại nơi cư trú. Tuy nhiên, tất cả đều chưa được nhập quốc tịch Việt Nam, chưa được đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, giấy tờ tùy thân... Thực trạng này không những làm cho cuộc sống người di cư gặp khó khăn mà còn phát sinh nhiều vấn đề phức tạp cho công tác quản lý dân cư tại khu vực biên giới.

Ngành chức năng triển khai làm thủ tục nhập quốc tịch cho người Lào. Ảnh: K.L

Xác định việc nhập quốc tịch cho người dân theo Thỏa thuận giữa hai chính phủ Việt Nam - Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú khu vực biên giới là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các ngành chức năng, tổ chuyên viên liên hợp của tỉnh và các huyện có người Lào cư trú là Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông tập trung đẩy nhanh công tác hướng dẫn các thủ tục nhập quốc tịch và hộ tịch cho người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú theo danh sách được phê duyệt.

Đồng thời phối hợp với các đồn biên phòng đóng trên địa bàn thực hiện công tác tuyên truyền, vận động để người dân nắm bắt đầy đủ các quyền lợi được hưởng như nhập quốc tịch Việt Nam, đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh...

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Bôlykhămxay (Lào) ký biên bản thống nhất giải quyết vấn đề người di cư tự do. Ảnh: K.L

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp Nghệ An và các ngành liên quan đã chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức các đoàn công tác lưu động đến tận các xã biên giới tiến hành thực hiện đơn giản hóa thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho người Lào di cư được phép cư trú trên địa bàn các huyện biên giới của tỉnh.

Đến thời điểm hiện tại, ngành chức năng đã tổng hợp danh sách, trình UBND tỉnh xem xét và đề xuất Bộ Tư pháp đề nghị Chủ tịch nước xem xét, ký quyết định cho 135/172 trường hợp đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo Thỏa thuận (trừ một số trường hợp nằm trong danh sách đủ điều kiện nhập quốc tịch nhưng do đã trở về Lào; đã mất hoặc do người dân đang đi làm ăn xa chưa thể về hoàn tất các thủ tục nhập quốc tịch).
Trong đó Kỳ Sơn 70 trường hợp, Quế Phong 27 trường hợp, Tương Dương 38 trường hợp. Kỳ Sơn là địa phương đầu tiên của Nghệ An được Chủ tịch nước ký quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam cho các công dân Lào. Tiếp đó trong đợt hai (cuối tháng 12/2019) đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, BĐBP tỉnh, Công an tỉnh đã trao Quyết định công nhận Quốc tịch Việt Nam cho các công dân Lào đủ điều kiện ở lại cư trú tại 2 huyện Quế Phong, Tương Dương theo thỏa thuận.

Việc thực hiện nhập quốc tịch cho công dân Lào đang cư trú tại các xã biên giới trên địa bàn mang một ý nghĩa quan trọng, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa 2 nước Việt Nam - Lào và các tỉnh biên giới của Lào với các huyện biên giới của Nghệ An. Đồng thời, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về dân cư vùng biên giới ngày càng chặt chẽ; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng...

Lãnh đạo Sở Tư pháp Nghệ An trao Quyết định nhập Quốc tịch Việt Nam cho người Lào di cư đủ điều kiện ở lại cư trú trên địa bàn huyện Quế Phong. Ảnh: K.L

Một năm mới, mùa Xuân mới đang về trên khắp các bản làng miền Tây xứ Nghệ, và với những chàng rể, cô dâu Lào vừa đón nhận niềm vui chính thức trở thành công dân Việt thì đây là mùa Xuân trọn vẹn, ý nghĩa nhất.

Một trang mới của cuộc đời họ đã mở ra với bao ấm áp và hy vọng như giai điệu tha thiết của bài ca Việt - Lào: “Như ánh trăng soi, ánh trăng sáng chung núi đồi biên giới/mối tình sắt son mấy nghìn năm thắm sâu đất Việt - Lào... Việt - Lào anh em, sát vai tiến lên xây dựng ngày mai...”.