(Baonghean) - Nằm bên hữu ngạn dòng Lam, làng Đô Đặng (nay thuộc xã Đặng Sơn - Đô Lương) trải dài theo những rặng cây xanh và cánh đồng bát ngát. Ngôi làng mấy trăm năm lịch sử này có nhiều điều đáng để tự hào, trong đó, dòng họ Hoàng Trần bao đời nay một lòng theo cách mạng, lấy cả từ đường để làm nơi hoạt động bí mật...
Về Đặng Sơn những ngày này, chúng tôi được chứng kiến không khí vui tươi, náo nức, khắp nơi cờ đỏ tung bay, lúa hè - thu cũng đang vào kỳ thu hoạch. Con đường dẫn về nhà thờ họ Hoàng Trần - Di tích lịch sử quốc gia rợp bóng cây xanh và màu cờ đỏ thắm. Ông Hoàng Trần Kháng - Trưởng tộc đang tranh thủ dọn dẹp, chỉnh trang lại khuôn viên nhà thờ để đón chào ngày trọng đại, ngày kỷ niệm 85 năm Xô viết Nghệ Tĩnh. Nhà thờ Hoàng Trần được dựng trên 100 năm, là cơ sở hoạt động của chi bộ đảng địa phương trong những ngày đầu thành lập. Toàn bộ cấu kiện và các đồ thờ tự, tế khí đều nhuốm “màu thời gian”. Con cháu của dòng họ Hoàng Trần có nhiều người tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng tại địa phương, góp phần cùng nhân dân làm nên thắng lợi, khẳng định tinh thần và ý chí của dân tộc Việt Nam.
Theo tư liệu lịch sử và gia phả dòng họ, nhà thờ họ Hoàng Trần được xây dựng năm 1884, là nơi thờ thần tổ Mạc Đăng Lượng, và cụ Hoàng Đăng Ích - những người có công đánh giặc giữ nước. Phát huy truyền thống của tổ tiên, con cháu dòng họ Hoàng Trần nhiều người đã đứng về phía cách mạng, sẵn sàng đóng góp của cải và hy sinh tính mạng cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Đó là cụ Hoàng Trần Siêu (1870 - 1949), người nổi tiếng học giỏi và có chí khí, thi đỗ Tú tài năm 36 tuổi. Noi gương các vị tiền bối trong dòng họ, Hoàng Trần Siêu và em trai Hoàng Trần Đài từ chối các tước vị của triều đình và xin bà con dòng tộc lấy từ đường họ Hoàng Trần để mở lớp dạy học, khai mở tri thức cho con em trong vùng. Tương truyền, chí sỹ Phan Bội Châu từng đến vùng Đô Đặng và ghé nhà thờ họ Hoàng Trần để đàm đạo việc nước. Đây cũng là nơi hội họp, trao đổi tài liệu bí mật giữa cụ Phan và các bậc chí sỹ yêu nước trong vùng. Cụ Hoàng Trần Siêu cũng là người đứng ra vận động con cháu trong họ và nhân dân trong vùng phản đối thực dân Pháp kết án Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và phản đối sưu cao, thuế nặng. Cụ bị địch bắt, tra tấn và giam cầm tại Nhà lao Vinh vào tháng 8/1931 vì tội danh “tham gia hoạt động cộng sản”. Ra tù, trở về quê hương, Hoàng Trần Siêu tiếp tục hoạt động, kêu gọi nhân dân trong vùng tiếp tục cuộc đấu tranh và mất vào cuối năm 1949. Năm 2012, Hoàng Trần Siêu được Đảng và Nhà nước công nhận “Người có công hoạt động cách mạng”.
Chi bộ Đảng ở Đặng Sơn ra đời (3/1930), nhà thờ họ Hoàng Trần tiếp tục trở thành nơi hội họp của các đảng viên, cũng là nơi in ấn, cất giấu tài liệu. Trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An đã chọn nơi đây làm điểm hội họp, tập trung quần chúng nhân dân và treo cờ Đảng, cũng là nơi làm việc của chính quyền Xô Viết ở Đặng Sơn. Thời kỳ này, dòng họ Hoàng Trần và người dân vùng Đô Đặng luôn tự hào vì có Hoàng Trần Thâm (1909 -1931) - một trong những “thủ lĩnh” của phong trào đấu tranh cách mạng. Thân phụ của Hoàng Trần Thâm là Hoàng Trần Đài, một sỹ phu yêu nước, từng tham gia chống Pháp từ phong trào Cần Vương. Sinh ra trong một gia đình, dòng họ và vùng quê giàu truyền thống yêu nước, lại sớm được tiếp xúc với các bậc túc nho có tư tưởng tiến bộ nên Hoàng Trần Thâm sớm được giác ngộ tinh thần cách mạng. Bản tính thông minh, hiếu học, lại được “gieo” ở vùng đất có nhiều bậc anh tài, Hoàng Trần Thâm trở thành niềm hy vọng của dòng họ và vùng quê Đô Đặng. Năm 1930, chàng thanh niên 21 tuổi ấy được đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ giới thiệu và kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Và không lâu sau, Hoàng Trần Thâm được bầu làm Bí thư Phủ ủy Anh Sơn. Với cương vị này, ông đã không quản ngày đêm để tập hợp và vận động quần chúng ủng hộ phong trào cách mạng, sẵn sàng đứng lên đấu tranh với kẻ thù. Về sau, ông còn được phân công phụ trách công tác tuyên truyền và kinh tài của Tỉnh ủy. Công việc lại bộn bề hơn, đi khắp nơi tuyên truyền vận động, lại phải lo kinh phí hoạt động cho Đảng.
Sáng 1/6/1930, nhân dân khắp nơi trong vùng tập trung tại đình Phú Nhuận tham gia cuộc biểu tình đưa yêu sách tới Tri phủ Anh Sơn. Tại đây, đồng chí Hoàng Trần Thâm đã đứng lên diễn thuyết, phân tích rõ bản chất, âm mưu thâm độc của kẻ thù. Đồng thời, chỉ rõ con đường đấu tranh cách mạng, con đường đi tới độc lập, tự do. Thay mặt đoàn biểu tình, bà Hoàng Thị Ủy đưa yêu sách của quần chúng và buộc Tri phủ Hà Xuân Hải ký vào văn bản. Hơn 3 tháng sau, ngày 8/9/1930, đồng chí Hoàng Trần Thâm lãnh đạo nhân dân khắp toàn phủ Anh Sơn tiến hành biểu tình, đấu tranh cách mạng. Từ sáng sớm, nhân dân các tổng Đặng Sơn, Lãng Điền, Yên Lãng, Thuần Trung... đã bao vây phủ lỵ. Hoảng sợ trước sức mạnh của nhân dân, thực dân Pháp cho máy bay ném bom vào đội hình làm 9 người chết, nhiều người khác bị thương.
Ngày 12/4/1931, trong lúc đang diễn thuyết tại vùng Hạnh Lâm (Thanh Chương), Hoàng Trần Thâm bị địch bắn lén và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại bao tiếc thương cho đồng chí, đồng bào và họ hàng, người thân. Noi gương các bậc tiền bối cách mạng, nhiều gia đình trong dòng họ Hoàng Trần đã tự nguyện đóng góp tiền của, tài sản và nuôi giấu cán bộ trong các thời kỳ đấu tranh bí mật. Qua các thời kỳ đấu tranh, nhà thờ họ Hoàng Trần luôn được chọn làm cơ sở hội họp, trụ sở hoạt động của chính quyền cách mạng. Vì thế, từ năm 1994, cùng với đình Phú Nhuận, nhà thờ họ Hoàng Trần được Nhà nước công là Di tích lịch sử quốc gia. Cùng với đó, 11 gia đình trong dòng họ được Chính phủ tặng Bằng khen có công với nước.
Trong khuôn viên nhà thờ họ Hoàng Trần có một am thờ dành riêng cho các liệt sỹ là con em của dòng họ. Mỗi lần dâng hương cho tổ tiên, các thành viên dòng họ sẽ dâng hương cho các liệt sỹ. Đó là một cách để tri ân, xây đắp niềm tự hào truyền thống và nhắc nhở cháu con ghi nhớ công lao và sự hy sinhh của thế hệ tiền nhân. Dòng họ ấy có tới 65 người ngã xuống vì độc lập, tự do, trong đó có 7 liệt sỹ hy sinh trong thời kỳ đấu tranh 1930-1931 và 45 là cán bộ tiền khởi nghĩa.
Tiếp nối mạch nguồn truyền thống, ngày nay con cháu dòng họ Hoàng Trần luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu học tập, công tác và góp phần xây dựng giàu đẹp. Nhiều người là phó giáo sư, tiến sỹ, cán bộ, thương nhân, mỗi người một công việc nhưng ở họ có một điểm chung là luôn tự hào về quê hương và dòng họ.
Công Kiên