(Baonghean) - Dấu ấn nổi bật trong 5 qua của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An chính là việc đưa vào sử dụng cơ sở mới tại xã Nghi Phú (TP. Vinh). Với không gian làm việc khang trang, hiện đại, kế thừa và tiếp nối những kết quả đã đạt được, bệnh viện tiếp tục có nhiều thay đổi lớn, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tạo sự yên tâm và hài lòng đối với bệnh nhân và người nhà vào cơ sở y tế lớn nhất tỉnh Nghệ An.

Cách đây gần 1 tháng, cụ ông Trần Quốc Điệp, 70 tuổi  (Đức Thọ, Hà Tĩnh) bị ngất lịm, người nhà lập tức gọi xe đưa ông ra Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cấp cứu. Tại đây, với sự vào cuộc kịp thời, các bác sỹ đã chẩn đoán ông bị sốc tim, nhồi máu cơ tim cấp, viêm phổi ARDS. Bệnh viện đã tiến hành can thiệp đặt ống stent. Tuy nhiên, do tuổi cao sức yếu, ông không thể phục hồi nhanh và được chuyển tiếp xuống Khoa Hồi sức tích cực để chăm sóc. Nay, sau gần 1 tháng điều trị, ông Trần Quốc Điệp đã có chuyển biến tốt, sức khỏe phục hồi. Đứng nhìn cha qua ô cửa kính, các thiết bị kỹ thuật cao đã được tháo ra khỏi người và ông có thể tự cử động, chị Trần Thị Tâm, con gái ông Điệp không giấu được niềm vui.
 
Chị Tâm là nhân viên y tế một bệnh viện lớn và có uy tín ở Hà Nội. Tâm sự với chúng tôi, chị kể: Lúc đầu, gia đình cũng chỉ có ý định đưa ông vào đây điều trị để ổn định sức khỏe rồi chuyển tiếp ra Hà Nội. Nhưng qua điều trị, thấy chất lượng khám, chữa bệnh rất tốt; thái độ đội ngũ y tế lại nhẹ nhàng, thân thiện chu đáo với bệnh nhân nên chúng tôi quyết định không chuyển tuyến. “Mặc dù là bệnh viện tuyến tỉnh nhưng trang thiết bị, kỹ thuật đều được chuẩn hóa ngang tầm với một số bệnh viện hàng đầu trong cả nước. Điều trị ở đây vừa chất lượng, lại vừa giảm chi phí đi lại, ăn ở, điều trị cho bệnh nhân… Nhìn sự chăm sóc tận tình của các y, bác sỹ, gia đình tôi rất yên tâm”, chị Tâm nhấn mạnh.
 
images1166895_c_c_y_t__khoa_s_n_cham_s_c_b__sinh_non_trong_ph_ng_cham_s_c_d_c_bi_t.jpgChăm sóc bé sinh non trong phòng chăm sóc đặc biệt. Ảnh: Phương Chi
 
Còn ở Khoa Sản, chúng tôi được chứng kiến niềm vui khôn tả của gia đình sản phụ Nguyễn Thị Hoa quê ở xã Nghi Phong (Nghi Lộc). Vào trung tuần tháng 4 vừa qua, lúc chị đang mang bầu cháu thứ 2 được 6 tháng thì có biểu hiện đau bụng quằn quại. Gia đình lập tức cho chị nhập bệnh viện tỉnh. Các bác sỹ chẩn đoán nhanh tình trạng của chị là khô ối, đe dọa sẩy thai và quyết định mổ đẻ. Ca mổ thành công nhưng thời điểm đó niềm vui chưa thực sự trọn vẹn với gia đình chị vì cháu bé chào đời lúc 6 tháng tuổi chỉ cân nặng đúng 0,6 kg.
 
Bằng kiến thức, kinh nghiệm và cả tấm lòng sẻ chia, các bác sỹ đã vận dụng hết tất cả khả năng để chăm sóc, giành giật sự sống từng giây, từng phút cho cháu bé, bởi theo các bác sỹ đánh giá, việc cứu sống cháu là rất khó do cháu quá non, nhẹ cân, chăm sóc rất phức tạp. Đến nay, sau gần 1 tháng, cả gia đình chị Hoa có thể thở phào nhẹ nhõm, sinh linh bé bỏng của gia đình đã ổn định, bé không còn thở phụ thuộc vào máy và cân nặng cũng tăng gần gấp đôi. 
 
Chăm sóc bệnh nhân bỏng nặng
 
Ngay tại sảnh bệnh viện, chúng tôi gặp một cô gái trẻ đang dìu mẹ mình trên những bậc cầu thang. Hỏi chuyện, cô gái cho hay: “Nhiều tháng trước bọn em đã nghĩ không còn mẹ nữa. Mẹ bị ung thư tử cung, đã di căn, nhà em khó lắm, nhưng cũng cố chạy vạy để đưa mẹ ra Viện K Hà Nội. Các bác sỹ khuyên nên đưa về vì thực ra nhà em cũng không trụ nổi tiền thuốc. Đưa mẹ về rồi, nhìn mẹ ngày một héo mòn, đau đớn, cầm lòng chẳng đặng, chúng em đưa mẹ xuống viện tỉnh. Xuống đây, mẹ được bác sỹ giám đốc viện trực tiếp mổ, sau đó được chăm sóc bởi các bác sỹ chuyên ngành ung bướu, được truyền hóa chất. Nay tình trạng sức khỏe của mẹ em đã khá hơn, đã đi lại được, đã an tâm chữa bệnh, sống lạc quan. Hôm nay theo hẹn đến chụp phim, những nốt ung thư di căn trong phổi không còn thấy nữa”.
 
Niềm vui của mẹ con cô gái trẻ tên Tú khiến chúng tôi vui lây. Mỗi lần đến bệnh viện, lại được nghe kể về những đổi thay. Không chỉ là chuyện tận tình của y, bác sỹ, không chỉ là chuyện “tốn ít tiền mà vẫn khỏi bệnh”, chuyện thoát khỏi “cửa tử” mà còn là câu chuyện của những khoa phòng ngăn nắp, sạch sẽ; về Nhà ăn bệnh viện mỗi ngày phục vụ trên 3.000 suất ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, những suất ăn được phát đến tận giường bệnh với giá cả phải chăng, trong đó có những suất miễn phí cho người bệnh khó khăn đặc biệt; về khu gửi xe được đầu tư hiện đại, hệ thống quản lý xe bằng thẻ đảm bảo an toàn, nhanh gọn; về những quầy tạp hóa có hệ thống thu ngân “như siêu thị”, giá cả niêm yết và hệ thống quản lý bằng mã vạch... Và nhờ tất cả những nỗ lực quan tâm đến người bệnh ấy, mà niềm tin của bệnh nhân đối với bệnh viện được nhân lên mỗi ngày…
 
Thùy Phương