(Baonghean) - Tết cận kề, vậy mà nhiều người dân trên khu tái định cư Thuỷ điện Hủa Na (xã  Đồng Văn - Quế Phong) cơm không đủ ăn no ngày 2 bữa.  "Mong sang năm mới bà con được  chia đất sản xuất",  tâm sự của ông Lô Văn Ngân ở bản Mường Hinh cũng là tâm sự, của người dân ở đây…

Xã Đồng Văn có 10 thôn, bản, trong đó có 4 bản thuộc chương trình tái định cư Thuỷ điện Hủa Na: Mường Hinh, Pù Duộc, Pù Khón và Piềng Văn. Chủ tịch UBND xã Đồng Văn ông Lang Văn Tuần chia sẻ: " Trên vùng đất mới, cuộc sống người dân tái định cư đang đứng trước 2 khó khăn lớn, đó là thiếu nước sinh hoạt và thiếu đất để sản xuất.  Lâu nay, bà con các bản đang sống vào gạo cứu trợ và tự đi hái lượm sinh sống. Duy nhất, mỗi bản Piềng Văn đỡ vất vả hơn cả".

Gia đình trưởng bản Piềng Văn Lô Đình Thi (thứ 2 trái sang) chọn những hạt giống mùa sau.

Lâu lắm rồi, tôi lại mới được ăn bát cơm trắng do bàn tay đồng bào bản Piềng Văn làm, uống chén nước cây rừng cũng do bàn tay người dân Piềng Văn rang vàng hạ thổ, rồi mới sắc uống kể từ ngày tôi về đây năm 2006, khi đang ở bản cũ. Tình người Piềng Văn vẫn mộc mạc, chân thật, giàu lòng hiếu khách như thuở nào.

Ông Lô Đình Thi - Trưởng bản Piềng Văn vừa bắt sâu trong vườn rau cải đầu mùa vừa tâm sự: "Ra bản mới thuận lợi điện- đường- trường- trạm. Hồi ở bản cũ không điện, đường đi lại khó khăn, từ bản Piềng Văn (cũ) ra trung tâm xã Đồng Văn mất gần 3 cây số, lội qua gần chục khe suối sâu, mùa mưa lũ phải chịu cảnh chia cắt bởi các khe suối nước dâng cao. Cái cách trở về giao thông nên mọi giao lưu bên ngoài vô cùng hạn chế, hầu hết sản phẩm làm được, bắt được cũng chỉ để phục vụ gia đình. Có lần, ông Huyên (người cùng bản) bắt được nhiều cá, ăn không hết, lội suối mang cá ra xã Đồng Văn bán, đang mùa mưa, nước suối dâng cao suýt chết. Bà con Piềng Văn cũng từng đem cá ra Thị trấn Kim Sơn bán vào mùa cá rộ (tháng 4 đến tháng 9 hàng năm) nhưng cũng bị người mua ép giá! Cá có ăn quanh năm, còn lúa nương, lúa rẫy nhà nào ít nhất cũng có hơn chục bì lúa xếp trong gian bếp, chẳng bao giờ thiếu ăn cả. Trâu, bò nhà ít cũng dăm, bảy con, nhà nhiều cũng trên 20 con. Có nhà gần 50 con, như gia đình ông Bí thư bản Lô Hồng Ngân. Gia đình tui cũng trên 30 con bò".

Piềng Văn từ khi chuyển nơi ở mới khá hơn các bản còn lại là "có của để dành" và khai hoang được đồi xa làm lúa, ngô...  Một phần do ngày di dời ra bản mới, đồng bào Piềng Văn không bán rẻ trâu, bò, đưa trâu, bò ra cùng. Gia đình Bí thư Lô Hồng Ngân bỏ ra mấy ngày chuyển gần 30 con trâu, bò ra bản mới, mang theo cả rơm khô, tre nứa để làm chuồng cho trâu, bò trú ngụ.  Nhà ít nhất cũng có 2, 3 con. Có trâu, bò, người dân Piềng Văn đi tìm các đồi xa để khai hoang trồng lúa, trồng sắn, trồng ngô. Mỗi nhà có gạo ăn 6 đến 9 tháng trong năm. Gia đình Trưởng bản Thi, Bí thư Ngân ngoài gạo, còn có nếp, tết này gói bánh. Trưởng bản vui mừng: "Nhờ khai hoang được mấy vạt rẫy, nếu không cũng như các bản còn lại thôi". 

Bà con Piềng Văn nhà nào ít cũng có vài con bò đẻ, mỗi năm bán được một con bê, có trên chục triệu đồng. "Đó là giải pháp tình thế trong lúc bà con trông chờ phân chia đất sản xuất, còn lâu dài thì phải có đất chớ", Trưởng bản Thi ngậm ngùi. 

Qua các bản Mường Hinh, Pù Duộc và bản Pù Khón. Người dân 3 bản này ngày ngày chỉ biết lên rừng hái lượm, bẫy con chim, tìm con cá ở khe trang trải cuộc sống. Trẻ con ngây ngô nô đùa trên con đường mới, áo không đủ ấm mà vẫn cười vui, bọn trẻ nào biết cái khổ của người lớn.

Ông Lô Văn Ngân ở bản Mường Hinh, cả tháng nay phải ăn cháo loãng, rau rừng thay cơm. Ông nói với chúng tôi, giọng buồn buồn: " Ra đây 2 năm rồi, đã có đất mô. Gạo ở bản cũ mang ra hết từ năm ngoái, tiền bán trâu, bò cũng sắp hết rồi, nỏ dám tiêu nữa, phải để dành phòng khi ốm đau chứ". Hầu hết bà con ở bản Mường Hinh đều sống trong cảnh thiếu ăn hàng ngày. Tại đây, chúng tôi gặp cảnh em Lô Thị Thơm, 7 tuổi, ở  bản Pù Duộc cầm nắm cơm nguội trên tay ăn ngon lành.

Chị Lô Thị Thắm đang ngồi khâu áo trước hiên nhà, đã gần trưa, bếp nhà chị vẫn nguội lạnh. Chồng và các con chị đi rừng chưa về. Trong bếp, tôi chỉ thấy ít cơm nguội. Chị Thắm bảo chờ bố con đi rừng về, có bẫy được con chim, con sóc mô thì đem ra quán bán lấy tiền mua gạo.

Người dân các bản Mường Hinh, bản Pù Duộc, Pù Khón đang nóng lòng chờ đất để sản xuất. "Nhớ nương nhớ rẫy mà nỏ có đất để làm". Tâm sự của ông Ngân ở Mường Hinh cũng là nỗi khao khát của bà con 4 bản khu tái định cư Thuỷ điện Hủa Na trên vùng đất mới Đồng Văn.

Tết cận kề, chỉ thấy màu khởi sắc và tiếng chày giã gạo thấp thoáng ở bản Piềng Văn, còn lại, người dân đang rất vất vả.

Thu Hương