(Baonghean) - Nhạc sỹ Phan Thanh Chương chia sẻ với Báo Nghệ An kỷ niệm về nhạc sỹ An Thuyên trong ngày tiễn đưa người đồng nghiệp, người bạn lớn của ông về cõi vĩnh hằng.

Tôi hơn nhạc sỹ An Thuyên 2 tuổi, nhưng lại học sau nhạc sỹ An Thuyên một khóa về sơ cấp âm nhạc ở Trường Nghệ thuật tỉnh, nay là Trường Cao đẳng VH-NT Nghệ An. Hồi đó học viên các khóa còn ít, sinh hoạt tập trung, nên giữa các khóa học rất gắn bó với nhau. Sự học, rồi cái sự làm nghề của những người làm văn hóa, văn nghệ vào những năm 70 rất gian nan, vất vả. Ngẫm lại thấy vô cùng thân thương và đáng trân quý.

An Thuyên là một trong những người hăng hái thực tế điền dã, sưu tầm, nghiên cứu. Anh đằm mình trong ca dao Dân ca ví, giặm, say mê với các điệu lăm, nhuôn, tơm... của người miền núi. Năm 21 tuổi, anh viết “Em chọn lối này”, nó như một tuyên ngôn nhẹ nhàng, khiêm tốn, mà cũng hết sức cương quyết về một lẽ sống. Nhạc sỹ An Thuyên để lại dấu ấn đáng kính trong lòng bạn bè, đồng nghiệp. Với tôi, An Thuyên thực sự là người bạn lớn, gần gũi với An Thuyên, nhưng trong lòng chúng tôi An Thuyên đã là thần tượng. 

Khi nhạc sỹ An Thuyên viết “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, mỗi lời, mỗi câu đều day dứt, đong đầy tình nghĩa, mộc mạc mà vẫn rất lịch lãm, bình dị mà vẫn rất sang trọng. Viết về Bác mà đưa được hình ảnh “quần xắn gối đứng đầu sông”, rồi “đêm theo phường đi nghe hát”, tài tình quá, lạ quá! Khi ca sỹ Lệ Thanh vừa cất lên, lần đầu được nghe vào những năm 1979, chúng tôi đã sững sờ vì quá nhiều người viết về Bác rồi, mà nghe bài của An Thuyên vẫn thấy rất “vào”, rất hay...

Từ đó, tôi ngày càng mê cách lập ý, lập tứ, mê nhạc của An Thuyên như người nghiện nặng. Tôi coi anh là người thầy trong sáng tác. Và dõi theo, trông chờ, rưng rưng cảm phục và hạnh phúc mỗi lần chào đón những “đứa con tinh thần” của nhạc sỹ An Thuyên như Huế Thương, Hà Tĩnh mình thương, Ca dao em và tôi, Neo đậu bến quê, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Thơ tình của núi... Sau mỗi tác phẩm “để đời” như thế, tôi mừng cho An Thuyên đã thực sự trở thành người của công chúng, là niềm tự hào và tin yêu của mọi người, mọi nhà. Hạnh phúc làm sao, với anh em, bạn bè anh vẫn trước sau như một, thậm chí tình cảm ngày một đậm đà, thắm thiết hơn.

Nhạc sỹ Phan Thanh Chương bàng hoàng trước tin người bạn, người thầy An Thuyên đã đi xa mãi mãi. Ảnh: T.H

Còn nhớ, đầu năm 1980, trong chuyến đi thực tế miền núi phía Bắc, tôi viết xong nhạc phẩm “Nhà mế có ảnh Bác” trên nền nhạc của điệu then đàn tính Tây Bắc, về Hà Nội tôi đưa ngay cho nhạc sỹ An Thuyên và nhà thơ - nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo. An Thuyên khen “lạ và hay”. Rồi các anh kéo tôi sang nhà ca sỹ Thanh Hoa nhờ Thanh Hoa hát, sau đó, được Đài Tiếng nói Việt Nam thường xuyên sử dụng. 

Tôi may mắn được biết đến với ca khúc “Thanh Chương mời bạn về thăm”. Ca khúc đó là tấm lòng của tôi với quê nhà Thanh Chương, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Quê tôi cũng thường được “gọi yêu” là “quê nhút”. Nhút là món ăn dân dã, quê mùa, dễ làm, nguyên liệu sẵn có từ quả mít, lại là món ăn có thể lưu trữ để ăn lâu dài những khi lụt lội. Món ăn đó cũng phần nào phản ánh được cuộc sống của vùng quê khó khăn, và ở Thanh Chương vùng nào cũng có. Dân gian có câu “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn”... Khi viết bài “Thanh Chương mời bạn về thăm”, tôi có viết “Đất Thanh Chương nhút mặn chua cà/ Chắc có lẽ rứa mà anh chê/ Chắc có lẽ rứa mà anh nỏ về”. Thú thật, tôi vẫn chưa hết ám ảnh tự ti, may mắn là điều đó (hình như) lại trở nên đáng yêu, và bài hát của tôi may mắn cũng lắng đọng trong lòng người. 

Năm 1995, khi tôi ra Hà Nội dựng đĩa nhạc hình “Với Thanh Chương”, tôi nhờ nhạc sỹ An Thuyên thẩm định. Xem qua danh mục các bài hát, bất ngờ nhạc sỹ An Thuyên hỏi “Thanh Chương mời bạn về thăm” ở đâu? Tại sao Phan Thanh Chương không đưa vào đĩa hình này? Lúc đó, tôi mới thú nhận là tôi vẫn “tự ti” vì bài hát đó có chút gì đó “quê mùa”. An Thuyên đề nghị tôi đưa “Thanh Chương mời bạn về thăm” vào đĩa. Nhưng phần nhạc đã phối khí xong cả rồi. An Thuyên nói không thành vấn đề. Rồi anh mời ca sỹ Bích Ngọc, lúc này đang theo học ở Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật quân đội (sau này là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) lên hát. Phần nhạc, rất bất ngờ, anh nhờ nhạc sỹ Đức Trịnh đệm đàn Organ cho Bích Ngọc hát (Thiếu tướng, nhạc sỹ Đức Trịnh sau này kế nhiệm nhạc sỹ An Thuyên làm Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội).

Có không ít người nghe đĩa hình “Với Thanh Chương” đã tưởng rằng tôi chủ ý chọn cách thể hiện ca khúc “Thanh Chương mời bạn về thăm” theo “kiểu riêng” để tạo nên sự độc đáo. Nhưng đó chính là kỷ niệm đẹp trong đời làm nghệ thuật của tôi. Sau này, nhờ thế “Thanh Chương mời bạn về thăm” được phát trên Đài Truyền hình Việt Nam, được con em quê hương sinh sống mọi nơi nồng nhiệt đón nhận. Kỷ niệm đó với tôi cũng là ân nghĩa không thể nào phai. Nhạc sỹ An Thuyên đã giúp tôi đưa ca khúc của “quê nhút” đi xa hơn...

Ngày 3/7/2015, khi hay tin An Thuyên mất, tôi bàng hoàng quá đỗi. Sự nghiệp sáng tác của anh thật đồ sộ mà bất cứ nghệ sỹ nào cũng mơ ước, nhưng ở An Thuyên sức sáng tác vẫn còn sung sức lắm, công chúng và đồng nghiệp vẫn chờ đợi sáng tác của anh rất nhiều. Lúc ấy, bưng bát nước chè xanh lên uống, bất giác tôi rưng rưng khóc như một đứa trẻ. Trong “Ca dao em và tôi” - một tuyệt phẩm của An Thuyên và của dòng nhạc mang âm hưởng dân gian, An Thuyên có những ca từ thật đẹp như “Trưa nắng hè gọi nhau râm ran chè xanh”. Tôi nghĩ, An Thuyên xứng đáng là người đưa chè xanh quê kiểng vào âm nhạc Việt một cách trữ tình nhất, gợi nhất, đáng yêu nhất. 

Từ những ngày còn nhỏ ở làng quê huyện Quỳnh, cho đến những lúc đi điền dã, thực tế, những bát nước chè ở huyện Quỳnh, hay thứ chè Gay miền Tây xứ Nghệ, những lần cùng anh em ở Ty Văn hóa, ở Đội Tuyên truyền Văn hóa Văn nghệ Tỉnh đội, hay ở Đoàn Văn công Quân khu IV... có ai ngờ đã thấm đượm vào hồn cốt, vào tâm trí anh, theo anh đi khắp mọi miền quê, đượm vào vị chè riêng của mỗi miền quê trên khắp mọi miền Tổ quốc, và rồi đi vào thế giới tác phẩm của anh. Bằng tài hoa tuyệt vời của mình, anh đã ban tặng cho bát nước chè xanh một đời sống văn hóa rất bền vững trong thế giới nghệ thuật. 

Ngày 9/7, Lễ truy điệu anh được tổ chức ở Thủ đô Hà Nội, tôi giờ trong những nghịch cảnh éo le về sức khỏe và số phận đã không thể ra Hà Nội viếng anh. Lòng tôi lại rưng rưng chuồi theo những ca từ của anh “Một ngày bằng mấy trăm năm hỡi người”, huống chi tôi với anh đã có bao gắn bó, kỷ niệm.

Trộm nghĩ, nếu may mắn được, tôi cũng chỉ dám ví âm nhạc của mình như món nhút quê mùa và còn nhiều giới hạn, còn âm nhạc của anh, tầm vóc của anh rộng lớn như món nước chè xanh dường như khó có thể thiếu của mọi miền quê đất Việt. Ngày tiễn anh đi, xứ Nghệ vẻ như cũng trầm mặc và gió lào bớt dữ dội hơn. Ngồi trước bát chè xanh mà mơ câu “đưa tôi về với người tôi yêu”, rồi chỉ biết thương khóc gọi anh trong tâm tưởng như đứa trẻ quê mình gọi nhau: “Nhút thương chè xanh lắm! Chè xanh ơi!”

Ngô Kiên - Cảnh Nam

(Ghi theo lời kể của nhạc sỹ Phan Thanh Chương)