(Baonghean) - Từ vùng đất nghèo, đầm lầy, cỏ lác, bây giờ xã Diễn Đoài (Diễn Châu) đã là địa phương đi đầu trong phong trào nuôi cá của huyện. Đó là nhờ những nông dân dám nghĩ dám làm, vật lộn với khó khăn khai phá cải tạo đất đai, và đã xuất hiện những “vua cá”... 

Một góc trang trại của anh Lễ.
Một góc trang trại của anh Lễ.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Ngọc Lễ (sinh năm 1962), tại xóm 3, xã Diễn Đoài. Trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, anh Lễ vui chuyện: “Bao năm nay tôi ăn cá, ngủ cá, đêm vẫn mơ… cá. Nhà rộng thế này, tôi vẫn làm một chòi nhỏ ở giữa mênh mông ao hồ”. Không phải anh Lễ nói vui. Quả thật, chứng kiến câu chuyện của anh kể về bước khởi nghiệp từ cá, chúng tôi không khỏi thán phục. Năm 1988, sau khi xuất ngũ về địa phương, anh đã xoay trở đủ nghề, từ nghề nông đến nghề xây, nghề mộc nhưng vẫn thiếu ăn.

Nhìn đồng đất quê mình bao la, mà hoang hóa, cái vùng đầm lầy thuở nhỏ hay đi trâu giờ vẫn thấy đất cỏ tranh, cỏ lác mọc um tùm. Anh bàn với vợ khai hoang tạo hướng làm ăn mới. Bàn đêm trước, hôm sau, anh đạp xe vào xã Diễn Trường nhờ một người bạn vay 1 tạ lúa non để vợ chồng có cơm ăn lấy sức khai hoang. Chỉ bằng đôi tay, vợ chồng anh phát dọn cỏ lác tốt lút người, cứa thịt da. Anh còn đi vay tiền mua hàng trăm con cá trắm về thả để cá dọn sạch cỏ tranh. Một sào, hai sào, ba sào... khai hoang đến đâu anh đắp bờ làm mô hình cá - lúa đến đó.

Xung quanh bờ anh Lễ trồng mía tím, đưa ra chợ Giát (Quỳnh Lưu) bán lấy tiền mua cá giống, mua lợn, gà, gan, vịt về nuôi. Bà con trong xã thoạt đầu thấy anh nuôi cá xen lúa, ai cũng lắc đầu bảo liều quá. Nuôi gà, vịt thì còn được, ai lại nuôi cá, chỉ cần một trận mưa coi như mất trắng! Nhưng bà con lại tiếp tục bất ngờ khi thấy anh đào ao, đầu tư hàng triệu tiền mua cá về thả. Có người lại đến khuyên anh mua đất ngoài thị trấn. Thời điểm ấy (năm 1990), vài ba triệu đồng có thể mua được mấy dằm đất tốt ở thị trấn Diễn Châu. Anh Lễ chỉ nghĩ đến việc phải biến nơi đây trở thành một vùng cá lúa hoặc chuyên cá, làm giàu trên đồng ruộng.

Hiện, gia đình anh Lễ có 7 ao nuôi cá, chủ yếu cá trắm đen, trắm cỏ mà cá lóc (cá tràu) cho thu nhập mỗi năm từ 250 triệu đến 300 triệu đồng. Chưa tính các nguồn thu từ mía, cây ăn quả cam, bưởi, đàn gia súc gia cầm, hươu... mỗi năm xấp xỉ trăm triệu nữa. Anh Lễ khoe: "Nhiều lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đã về tham quan mô hình của gia đình ". Anh còn nhớ như in vào năm 1998, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Trương Đình Tuyển về thăm, động viên: "Xung quanh ao, chú nên trồng chanh. Người mua chỉ lo cam, bưởi không ngọt chứ không ai chê chanh chua cả. Cứ mạnh dạn mà làm". Từ góp ý, gia đình anh Lễ quyết tâm thực hiện và từ đó có thêm thu nhập kha khá từ chanh trồng quanh ao cá. 

Để có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ 7 ao cá thịt, không hề đơn giản. Anh Lễ hàng năm phải bón phân chuồng trước cày bừa ao, thay nước, đắp bờ tránh mưa lụt. Anh còn cung cấp cá giống cho bà con trong và ngoài xã. Hỏi về phương pháp làm cá giống, anh Lễ cho hay, từ việc bản thân mình hàng năm cũng mua hết 5, 5 triệu tiền cá giống, bà con trong xã cũng nuôi cá lúa nhiều, anh đi ra Hậu Lộc (Thanh Hoá) học tập cách nuôi cá từ khi cá 3 ngày tuổi. Phải hút ao sạch, rải vôi bột, lấy nước vào đầy ao và phơi ao 3 đến 5 ngày. Khi thấy nước có màu đọt chuối xanh thì thả cá xuống (cá 3 ngày tuổi nhỏ như sợi tóc). Cho cá ăn sữa, nuôi trong vòng 30 ngày, cá bằng cán đũa. Bà con đến mua về thả ao, ruộng cá lúa... Trong bữa cơm trưa, được anh Lễ chiêu đãi món cá trắm đen ao nhà và được anh cho biết, mỗi ao có khoảng vài ba chục con cá trắm nặng gần hàng yến. Từ nhiều nguồn thu: cá thịt, cá giống, cây ăn quả, gia súc gia cầm... anh Lễ trở thành hộ giáo dân làm kinh tế tiêu biểu huyện. Một năm, anh còn trích ra hàng trăm triệu để làm từ thiện.

Tại xóm 11, Diễn Đoài, có anh Cao Đăng Nhật cũng ấp ủ giấc mơ biến đất hoang thành ruộng cá, ao cá. Từ 2 bàn tay trắng, cũng không một đồng vốn, hai vợ chồng anh phải bện từng cái chổi đót kiếm thêm chút tiền để đầu tư cho cá. Anh Nhật nhớ lại những ngày gian khó đó với một nụ cười hiền: “Tui thấy anh Lễ chịu khổ được, răng mình lại không! Tui cũng dựng lều giữa đồng không mông quạnh, nhiều hôm phải nấu cám ăn thay cơm vì nhà hết sạch gạo. Hai anh em (tui và anh Lễ) có lần rủ nhau đạp xe ra tận Hậu Lộc (Thanh Hóa) để xem người ta làm Làm đến mô tính đến đó. Anh em xung quanh đều nghèo cả, biết dựa vào đâu. Biết nuôi cá rồi cũng sẽ có rủi ro, nhưng chí mình đã quyết. Nếu cứ sợ thế thì ai dám làm. Được cái, vợ tui cũng một lòng một dạ tin chồng. Nhiều đêm, hai vợ chồng, bất kể gió mưa, cũng đi lội ruộng để nhổ lác...”.

Chỉ có đôi tay của 2 vợ chồng, mà bờ đã lên bờ, ao đã thành ao. Nhìn từng đàn cá lớn lên từng ngày, nghe tiếng chúng quẫy trong ao mà mừng rơn. 2 ha ao cá hình thành từ ngày đó, những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Lo sợ nhất là mùa mưa bão. Bão đến, người ta lo về nhà cửa, vợ chồng anh chỉ thấp thỏm ở ao đầm. Cũng may, cái mất vẫn ít hơn cái được. “Có lẽ là vì tui có duyên với cá”- anh Nhật nói. Đến nay, mỗi năm anh Nhật cung cấp ra thị trường 20-30 tấn cá thịt và cá giống (chủ yếu cá giống). Cá giống thì bán dễ, nhưng không mấy ai chịu khó nuôi bởi khâu chăm sóc đòi hỏi phải cẩn thận, tỷ mẩn lắm. Thuê 4 lao động, nhưng anh Nhật vẫn tự tay mình làm nhiều khâu chăm sóc cá. Từ chỗ cơm không đủ ăn trước khi cải tạo đất nuôi cá, gia đình anh Nhật bây giờ mỗi năm thu nhập lên tới gần 300 triệu đồng sau khi đã trừ hết các chi phí. Đã xây được nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ, nuôi 6 người con học hành, trong đó có 3 con đại học, ra trường, có việc làm ổn định!

Anh Lễ chuẩn bị lưới bắt cá.

Một “vua cá” nữa của Diễn Đoài, là CCB Nguyễn Hữu Lạn, ở xóm 4. Tự nhận mình không có “sức dài, vai rộng” như 2 anh Nhật và Lễ, ông nghĩ “một người lính Cụ Hồ không được phép lùi bước”. Xuất ngũ về, thấy hoàn cảnh vợ nhọc nhằn nuôi 5 người con, bằng giá nào ông cũng cải tạo hoàn cảnh. Ông Lạn nghĩ đến chuyện trồng chuối, nuôi lợn kết hợp nuôi cá. Thân chuối để lấy nuôi lợn, quả thì bán buôn, được đồng nào thì làm kè cho ao. Cần mẫn thế, cuối cùng ông Lạn cũng có 1 ha ao. Lúc đầu, vợ ông lo lắm, nói ông rằng không phải thấy người ta làm được mà mình cũng làm được! Mình yếu hơn, lại còn phải tập trung chuyện học hành của con cái, sợ không đảm đương nổi việc khó. Thế nhưng, ông vẫn quyết làm. Ông tự hào khoe với chúng tôi “Mặc dù làm sau, học theo anh Nhật và Lễ, thương hiệu cá giống của tui cũng không thua kém”. Thu nhập mỗi năm của gia đình ông từ cá mỗi năm là trên 150 triệu, còn có thu nhập từ vườn cây và chăn nuôi. Đã trên 60 tuổi nhưng giờ nào cũng thấy ông lặn lội hết ao cá, ra chuồng lợn rồi lại vườn cây...

Ông Mai Minh Mẫn- Phó Bí thư Đảng ủy xã Diễn Đoài (Diễn Châu) phấn khởi sẻ chia khi dẫn chúng tôi tới thăm những cánh đồng trong xã: “Hiện toàn xã có 172 ha diện tích nuôi cá, trong đó 120 diện tích cá lúa và 52 ha cá nuôi ao. Tổng sản lượng cá giống, cá thịt đã đạt 260 tấn/năm. Dẫu địa bàn ngõ cụt, không có Quốc lộ 1 A, đường 48 đi qua nhưng nhờ Diễn Đoài nay có tiếng nhất, nhì của huyện Diễn Châu về phong trào nuôi cá, nên người ta đến tận ao, ruộng thu mua, không lo ứ đọng khâu tiêu thụ”. Thành tựu đó ở Diễn Đoài, không thể phủ nhận đóng góp của 3 “vua cá” Nguyễn Ngọc Lễ, Cao Đăng Nhật và Nguyễn Hữu Lạn. Họ đã cho thấy năng lực quyết tâm của người nông dân quyết tâm đi lên từ vất vả, đầm lầy và đôi bàn tay trắng; trở thành những tấm gương làm giàu, khiến bà con khâm phục và làm theo, tạo nên phong trào nuôi trồng thủy sản ở địa phương như hiện nay!

Bài, ảnh: Thu Hương