Mỹ và Trung Quốc từng nhiều lần có các vụ "chạm trán" quân sự trên biển và trên không, đặc biệt là tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang tăng tốc hiện thực hóa yêu sách về chủ quyền dựa trên "đường 9 đoạn" phi lý.

Tàu USS Fort Worth của Mỹ tuần trước xuất phát từ cơ sở hải quân ở Singapore, thực hiện nhiệm vụ tuần tra 7 ngày trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Tàu khu trục nhỏ tên lửa dẫn đường Yancheng của Trung Quốc đã bám đuôi tàu hải quân Mỹ, khi chiến hạm Mỹ tiến vào gần khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hôm 11/5. Video: US Navy

Vụ việc xảy ra khi có tin Mỹ có thể xem xét điều tàu, máy bay vào khu vực 12 hải lý quanh các bãi đá ngầm Trung Quốc đang cải tạo ở Trường Sa.

Trong cuộc gặp tuần trước tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hối thúc Bắc Kinh phải có hành động cụ thể để giảm căng thẳng trên Biển Đông. Kerry cho biết Mỹ rất lo ngại về quy mô cũng như tốc độ của hoạt động cải tạo mà Trung Quốc đang ráo riết thực hiện trên 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị không thể hiện bất kỳ dấu hiệu thỏa hiệp nào và vẫn giữ giọng điệu cho rằng Bắc Kinh "có quyền xây dựng" những công trình đó. Giới chuyên gia dự đoán có thể sẽ còn nhiều vụ "chạm trán" Mỹ - Trung xảy ra trong tương lai.

Một chiếc Su-27 của Trung Quốc hôm 19/8/2014 tiếp cận rất gần và lộn vòng phía trên máy bay trinh sát chống ngầm Mỹ P-8 ở không phận quốc tế, cách đảo Hải Nam 215 km về phía đông. Hải Nam là nơi có căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc. Video trên mô phỏng sự việc xảy ra. Video: CBS

Lầu Năm Góc cho biết máy bay Trung Quốc đã vượt qua qua mũi phi cơ Mỹ với một góc 90 độ, phơi bụng hướng về phía P-8 Poseidon để khoe vũ khí. Mỹ lên án đây là loại hành vi vừa không chuyên nghiệp, vừa không an toàn và là "sự khiêu khích gây quan ngại sâu sắc". 

Trung Quốc sau đó cho rằng chỉ trích của Mỹ là "hoàn toàn vô căn cứ" và nói rằng phi công nước này đã duy trì khoảng cách an toàn với máy bay Mỹ.

Tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Mỹ, USS Cowpens tháng 12/2013 hoạt động tại vùng biển quốc tế ở Biển Đông, gần tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Một chiến hạm khác của hải quân Trung Quốc cắt ngang và dừng trước tàu Mỹ chỉ 500 m, buộc USS Cowpens phải chuyển hướng khẩn cấp để tránh va chạm. Chuyên gia an ninh Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Australia thời điểm đó nhận định vụ suýt va chạm là sự cố hàng hải Mỹ - Trung nghiêm trọng nhất tại Biển Đông từ năm 2009. Ảnh minh họa: US Navy
Mỹ tháng 25/11/2013 điều hai oanh tạc cơ B-52 đi vào vùng trời trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và không thông báo cho Bắc Kinh. Động thái này được cho là nhằm phát đi tín hiệu rằng Washington không công nhận vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc lập ra tại khu vực này hai ngày trước đó, đồng thời thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với đồng minh Nhật Bản. Ảnh minh họa: aircraftinfo
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, hai tàu đánh cá của Trung Quốc ngày 1/5/2009 áp sát tàu USNS Victorious (trong ảnh) của Mỹ tại vùng biển quốc tế ở Hoàng Hải, giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Có lúc hai tàu này tới gần Victorious khoảng 30 m, khiến tàu Mỹ phải phun vòi rồng để xua đuổi. USNS Victorious là tàu trinh sát không vũ trang, được vận hành bởi một nhóm thủy thủ dân sự làm việc cho hải quân Mỹ. Ảnh minh họa: US Navy
Lầu Năm Góc cáo buộc 5 tàu Trung Quốc ngày 8/3/2009 đã quấy rối bằng cách áp sát tàu Mỹ USNS Impeccable tại Biển Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 120 km về phía nam. Trong ảnh, hai tàu Trung Quốc dừng ngay trước tàu Mỹ, khiến USNS Impeccable phải dừng đột ngột để tránh va chạm. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho hay có lúc một tàu Trung Quốc chỉ cách USNS Impeccable khoảng 7,5 m và lên án "đây là một hoạt động khiêu khích nguy hiểm và không chuyên nghiệp". Washington yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng luật hàng hải quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại cho rằng chính hải quân Mỹ đã phạm luật và yêu cầu tàu Mỹ ngừng các hoạt động đó. Quan chức quốc phòng Trung Quốc cho rằng USNS Impeccable đã làm nhiệm vụ do thám hoạt động tàu ngầm của Bắc Kinh khi sự cố xảy ra. Ảnh: US Navy
Ngày 1/4/2001, máy bay do thám EP-3 ARIES II của Hải quân Mỹ đang bay cách đảo Hải Nam khoảng 110 km thì bị hai máy bay tiêm kích J-8II của Trung Quốc đánh chặn. EP-3 va chạm với một máy bay Trung Quốc và sau đó hạ cánh khẩn cấp trên đảo Hải Nam. Trong ảnh, EP-3 bị hư hỏng đỗ tại đảo Hải Nam sau sự cố. Ảnh: Wiki Tiêm kích cơ J-8II của Trung Quốc bị phá hủy, phi công mất tích và được coi là đã chết. Trong khi đó, 24 thành viên đội bay của Mỹ đều an toàn. Họ bị bắt, thẩm vấn và được thả 11 ngày sau đó. Chiếc EP-3 được tháo rời và đưa trở về Mỹ. Trung Quốc cáo buộc Mỹ gây nên vụ va chạm còn phía Mỹ cho rằng đây chỉ một tai nạn. Washington gửi cho Trung Quốc hơn 34.000 USD tiền đền bù thiệt hại phát sinh trong sự cố.

Theo VNE