Ngày 5/10/1960, một báo động giả được phát đi sau khi hệ thống cảnh báo sớm của Mỹ ở Greenland truyền tin về Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) rằng đã phát hiện hàng chục tên lửa Liên Xô đang hướng tới Mỹ.

NORAD lúc bấy giờ nâng mức cảnh báo lên tối đa. Song nhà chức trách Mỹ sau đó nhận ra rằng hệ thống radar họ vận hành đã bị đánh lừa bởi "Mặt Trăng mọc ở Na Uy".

Người dân Hawaii hoảng loạn khi nhận được thông tin báo động khẩn cấp về tên lửa đạn đạo tấn công
Người dân Hawaii hoảng loạn khi nhận được thông tin báo động khẩn cấp về tên lửa đạn đạo tấn công "giả" hôm 13/1/2018

Ngày 9/11/1979, các máy tính ở NORAD ghi nhận tín hiệu Mỹ đang bị tấn công bởi tên lửa phóng từ tàu ngầm Liên Xô. Quân đội Mỹ nhanh chóng triển khai 10 hệ thống đánh chặn tại ba căn cứ ở Mỹ và Canada. Các căn cứ tên lửa cũng được đặt trong tình trạng "báo động cấp thấp".

Tuy nhiên, trải qua 6 phút im ắng, dữ liệu vệ tinh xác nhận không có bất kỳ cuộc tấn công nào. Giới chức Mỹ quyết định không cần hành động. Các nhà điều tra sau đó phát hiện ra rằng một đoạn băng tập trận tải lên hệ thống máy tính của NORAD chính là nguyên nhân gây ra cảnh báo nhầm. Một nhân viên kỹ thuật thuộc NORAD đã vô tình tải nó vào máy tính

Tên lửa Liên Xô chế tạo từ những năm 1960.

Ngày 3/6/1980, hệ thống máy tính ở NORAD lại phát đi cảnh báo về một cuộc tấn công hạt nhân. Ông Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh quốc gia cho tổng thống Mỹ Jimmy Carter, đã nhận được cuộc gọi khẩn thông báo rằng 2.200 tên lửa đang nhắm vào Mỹ.

Song không lâu sau, ông lại tiếp nhận một cú điện thoại khác, xác nhận đó chỉ là cảnh báo giả. Nhà chức trách tiến hành điều tra và phát hiện một con chip máy tính có giá khoảng 46 cent bị lỗi là nguyên nhân gây ra báo động nhầm.

Bên trong NORAD năm 1982. Ảnh: NYTimes.

Ngày 26/9/1983, Stanislav Petrov, trung tá thuộc Lực lượng Phòng không Liên Xô, đang làm nhiệm vụ tại một trung tâm chỉ huy bí mật bên ngoài thủ đô Matxcơva thì còi báo động vang lên. Máy tính cảnh báo 5 tên lửa đã được phóng đi từ một căn cứ Mỹ.

Sau khi thông tin được truyền đi, các cấp trên của Petrov đã cùng họp lại và cân nhắc liệu có nên tấn công đáp trả không. Bản đồ điện tử và đèn liên tục nhấp nháy trong lúc ông cố gắng thu thập thông tin.

Nhưng sau 5 phút, thông tin về 5 tên lửa Mỹ nhắm vào Liên Xô được xác nhận là giả. Vệ tinh đã nhầm ánh nắng phản chiếu lên trên các đám mây là một vụ phóng tên lửa.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.

Ngày 11/8/1984, tổng thống Mỹ Ronald Reagan chuẩn bị xuất hiện trong chương trình phát thanh trực tiếp thứ 7 hàng tuần. Trong lúc chờ lên sóng, ông Reagan đã nói đùa rằng Mỹ sẽ "bắt đầu ném bom" Liên Xô "trong 5 phút nữa".

Sau khi tổng thống Reagan đưa ra phát ngôn như vậy, một quan chức quân sự Liên Xô cấp thấp đã ra lệnh đặt lực lượng ở khu vực Viễn Đông trong tình trạng báo động cao. Song qua 30 phút, báo động bị hủy vì Liên Xô cuối cùng nhận ra đó chỉ là câu nói đùa.