(Baonghean) - Ngày cuối năm, đi đâu cũng râm ran chuyện CLB Consadole Sapporo bỏ ra 5 tỷ đồng cùng với nhiều chế độ ưu đãi khác để đưa tiền đạo Công Vinh sang đất nước mặt trời mọc. Trong lúc “trà dư tửu hậu” với các cựu cầu thủ Sông Lam Nghệ An về cú áp-phe (*) giữa Sapporo, SLNA và Công Vinh, còn được nghe kể thêm những “phi vụ làm ăn” thời còn “ngăn sông cấm chợ”.
Lúc đó, A1 là giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam, giống như V.League bây giờ, nhưng cách thức thi đấu không có lượt đi lượt về mà tập trung các đội bóng thi đấu từng đợt tại một địa phương nào đó, mỗi đợt từ 15 - 20 ngày. Mỗi lần như vậy, cả đội bóng Nghệ Tĩnh (tiền thân của đội bóng SLNA) từ Ban huấn luyện đến các cầu thủ đều gói ghém hành lý, lên xe ca của Sở chở đi. Thời bao cấp, cầu thủ trong đội bóng đều hưởng lương như một cán bộ công nhân viên, không có chuyện thưởng nóng hay lương cao ngất như bây giờ. Cầu thủ “ráo mồ hôi là hết tiền”, nhiều khi đi đá bóng cả mấy tuần liền nhưng về không có tiền mua quà cho người thân.
Trong một lần, được tiểu thương ở chợ Vinh mách nước là đội hay đi thi đấu xa thì nên tìm kiếm các mặt hàng ở xứ Nghệ có nhiều mà các địa phương khác không có để bán kiếm lời. Thời “ngăn sông cấm chợ”, phương tiện đi lại khó khăn nếu vận chuyển được mặt hàng từ địa phương này đến địa phương khác thì xem như đã là “một vốn bốn lời”. Nghe bùi tai, anh em trong đội bóng “lên kế hoạch” chuẩn bị cho cú “áp phe” đầu tiên.
Lần đó, đội bóng chuẩn bị vào thi đấu với các đội bóng ở miền Nam, nghe nói trong đó tỏi, lạc là mặt hàng khan hiếm, cả đội góp tiền ra chợ Vinh gom mấy bì chất lên xe. Chuyến đó lãi gấp mấy lần, anh em có tiền mua quà Tết về cho gia đình và bạn bè, ai cũng phấn khởi.
Trên đà “thắng lợi”, lần khác vào Nam thi đấu, cả đội lại đem mấy bì tỏi và lạc nhân vào bán, nhưng lần này, các tiểu thương ở đây biết được các cầu thủ xứ Nghệ “làm thêm” chứ không phải là “con buôn” nên tìm cách ép giá. Ban đầu, họ trả giá rất rẻ, các cầu thủ không bán vì nghĩ kiểu gì cũng có người trả hơn. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy động tĩnh gì, đến ngày đoàn chuẩn bị thu quân về mà mấy bì tỏi vẫn còn nguyên, chưa bán được. Cuối cùng, phải “bán tống bán tháo”, lỗ mất nửa tiền vốn. Hóa ra, các tiểu thương ở đây đã biết lịch thi đấu của các cầu thủ nên cứ ung dung chờ ngày cuối, họ kiểu gì cũng phải bán để về.
Bán đã khó, việc vận chuyển cũng không phải đơn giản, vì qua mỗi tỉnh thời đó đều có trạm kiểm soát liên ngành nên các cầu thủ cũng phải nghĩ cách để giấu hàng. Một lần, sau chuyến thi đấu ở Tây Nguyên, các cầu thủ muốn mua cà phê làm “kế hoạch ba”, nhưng nghĩ mãi chưa có cách gì để “qua mặt” liên ngành với số lượng lớn, cuối cùng, một giải pháp được đưa ra là dùng các quả bóng để đựng cà phê. Thế là mấy chục quả bóng đem theo để tập và thi đấu lần lượt được xì hơi, tháo ruột để nhét cà phê vào. Khi qua trạm liên ngành các tỉnh, nhân viên kiểm tra trèo lên xe nghe mùi thơm cà phê nhưng không tài nào phát hiện ra, thậm chí lôi cả mấy quả bóng ra để xem dưới ghế có gì không mà không ngờ cà phê lại được dấu trong quả bóng căng chặt. Tết năm đó, nếu đến chơi các gia đình cầu thủ, ai cũng được đãi cà phê Tây Nguyên!
Lần khác, để động viên tinh thần đội bóng, vị Phó giám đốc Sở xung phong đi với đoàn, lần này, ông nói anh em không cần phải vất vả tìm cách để cải thiện đâu, cái đó để ông lo. Nói là làm, trong kế hoạch, ông xin thêm một thùng phi xăng mang theo xe. Anh em ai cũng ngạc nhiên, ông bảo, cái này tớ có cách rồi. Lúc lên xe ông bảo, xăng này tớ làm kế hoạch là để xe đi đường dài, nhưng không phải đâu, vào trong đó ta bán lấy tiền mà liên hoan. Nghe vậy, cả xe vỗ tay và hò reo ầm ĩ. Đến địa điểm thi đấu, ông Phó giám đốc Sở chưa vội vào làm thủ tục cho đoàn mà bảo lái xe đánh đi một vòng tìm nơi bán xăng. Sau khi ướm hỏi vài cửa hàng, có một tay nhận mua số xăng đoàn mang theo. Tay này dẫn đến một quán cà phê, bảo đoàn vào quán của nhà lão uống nước còn lão gọi người đem can đến hút xăng ra. Vị Phó giám đốc Sở vừa vào quán, vừa nhâm nhi cà phê, tay gõ nhịp, rung đùi, miệng lẩm nhẩm hát bài “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”. Đợi mãi, cà phê đã uống hết mà chưa thấy tay “cò” đến tính tiền, ông vội vào trong nhà hỏi, một người đàn ông chạy ra nói, đây là quán của ông, còn người mua xăng lúc nãy ở đâu đến ông không biết, không phải người của quán này. Lúc đó ông mới ngã ngửa ra mình bị lừa mất toi một thùng phi xăng. Anh em đội bóng biết chuyện, vừa buồn cười vừa tiếc rẻ số xăng, vừa thương sự nhiệt tình của vị Phó giám đốc Sở.
Bây giờ, những cựu cầu thủ đội bóng Nghệ Tĩnh thời đó, giờ có người vẫn đang làm công tác huấn luyện tại các đội trẻ CLB SLNA, mỗi lúc có học trò được các CLB khác mời với số tiền lót tay hàng tỉ đồng, lương tháng dăm chục triệu họ mừng cho các học trò của mình, cho việc “con hơn cha là nhà có phúc”, thỉnh thoảng, họ lại kể cho các học trò nghe về những cú “áp phe” thời trước của mình, để học trò biết trân trọng những đồng tiền có được.
Những người làm bóng đá xứ Nghệ hôm nay càng tự hào hơn, bởi bây giờ lò đào tạo SLNA đã có những cú áp-phe đúng nghĩa. Đó là những vụ chuyển nhượng những cầu thủ có trình độ, có đẳng cấp từ lò đào tạo SLNA đến các CLB khác và ngược lại, và số tiền đó vừa được cho cá nhân cầu thủ vừa làm lợi cho CLB, các cầu thủ đã thực sự làm giàu từ tài năng của mình. Chỉ tính riêng cuối mùa bóng 2013, sau phi vụ Công Vinh sang Nhật Bản khá thành công và mở ra hướng mới cho bóng đá Việt Nam, thì việc chuyển nhượng Văn Hoàn, Văn Bình, Trọng Hoàng về B.Bình Dương, CLB SLNA cũng đã thu được một khoản tiền kha khá. Cùng với đó, cá nhân Trọng Hoàng sẽ nhận khoản tiền lót tay khoảng 7 tỷ đồng cho 3 năm; còn Văn Bình và Âu Văn Hoàn khoảng 5 tỷ đồng... Đó là chưa kể những gương mặt ưu tú như: Nguyên Mạnh, Phi Sơn, Đình Hoàng, Ngọc Hải và Mạnh Hùng... nếu đem chuyển nhượng thì SLNA cũng thu được một khoản tiền rất lớn!
Đức Dũng
-------------------------------------------
(*) Áp-phe: Từ tiếng Pháp affaire, Tiếng Anh: affair: vụ làm ăn, giao dịch lớn.