762141_small_42501.jpgSản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại Công ty TNHH Quang Triều Ảnh: Đặng Đình Nhật
LTS: Như bao gương mặt người Nghệ, chỉ nhận ra quê hương họ qua giọng nói, họ đã đến đây, qua đây, và trụ lại với mảnh đất này. Họ làm bao nhiêu thứ nghề khác nhau, có những nghề là gia truyền, làm nên "thương hiệu". Báo Nghệ An xin được giới thiệu với bạn đọc về một góc đời sống và một phần công việc của những người tha hương trên đất Nghệ.


Từ bàn tay người thợ...


Đã từ lâu nghe tiếng Lương Quang Triều với những sản phẩm gỗ tinh xảo có tiếng ở Thành phố Vinh. 26 năm lặn lội đất này, mà anh nói vẫn vẹn nguyên âm ngữ Hải Hậu, Nam Định, nơi anh đã sinh ra, lớn lên và chứng kiến nỗi đau mất cha khi còn nhỏ tuổi. Người cha vốn là một thợ mộc nổi tiếng, khi ông mất đi, thứ quý giá nhất mà ông để lại cho cậu con trai cả là niềm quyết tâm nối tiếp nghề truyền thống của gia đình. Cuối năm 1982, với hành trang là một chiếc đục và một chiếc cưa tay, cậu thanh niên 22 tuổi đã nuôi ước mơ khởi nghiệp trên một chuyến xe đường dài, trên vai là gánh nặng gia đình với 6 người em đang tuổi ăn học...


Bước đầu, anh đi làm thuê cho các xưởng mộc, lúc thì ngược lên Tân Kỳ, lúc vòng sang Nghĩa Đàn, có lúc lại dạt lên các huyện miền núi xa xôi. Có lần, gặp mùa thất bát, anh phải nài nỉ một số xưởng nhỏ ở TP.Vinh để kiếm cơm qua ngày. Cứ thế, mỗi năm qua đi, bàn tay người thợ lại thêm một lớp chai sạn...

Thế nhưng ý chí xây dựng cơ nghiệp bằng nghề truyền thống của gia tộc vẫn nung nấu trong tâm khảm người thanh niên xứ Bắc. Sau một vài năm, khi tay nghề đã vững, kinh nghiệm đã nhiều và lối sống đã quen, Lương Quang Triều mạnh dạn thuê đất, mở xưởng sản xuất đồ mộc riêng của mình. Cái xưởng bé tí ở trung tâm Thành phố Vinh lúc ấy chỉ có một người vừa là thợ, vừa là ông chủ. Xưởng của anh đi lên từ những cánh cửa, những bộ bàn ghế, những chiếc tủ gỗ; chậm mà chắc, khách hàng tìm đến xưởng ngày càng nhiều, lượng thợ ở quê vào Vinh làm cùng anh cũng tăng lên qua từng giai đoạn. Nhờ bàn tay hào hoa của người thợ, cộng với khối óc của một nhà kinh doanh, Quang Triều đã trở thành một "thương hiệu" nổi tiếng về chế tác và cung cấp đồ gỗ cao cấp.


Xứ Huế vốn nổi tiếng với "đất trăm nghề": xây dựng, cây cảnh, thợ may, làm tóc, làm các loại bánh, chè,.... trong đó nghề đóng giày Tây vốn có tiếng từ Bắc chí Nam. Từ mảnh đất Phú Vang, Nguyễn Đăng Tuấn cũng đã tìm đến TP Vinh lập nghiệp. Năm 1991, anh quyết định mở một cửa hàng nhỏ, và từ cửa hàng nhỏ nhoi ban đầu ấy, giờ đây anh đã có tới 2 cửa hàng lớn trên đường Lê Lợi, Quang Trung (TP.Vinh). Cũng từ đây, thương hiệu " Tuấn Huế" ra đời, cạnh tranh ngang ngửa với những "Đài Sài Gòn" hay " Bách hoá giày Hà Nội"... ở Thành phố Vinh. Còn đến Huế, có mấy ai biết được rằng ông chủ 2 khách sạn Nam Giao hoài cổ, Vĩ Dạ xưa và một Trung tâm lữ hành du lịch chính là anh thợ giầy nhỏ bé năm nào...


Sinh năm 1968, 14 tuổi, Nguyễn Văn Thứ (TP.Huế) đã đi học nghề đóng giày. Thành nghề sau 3 năm mang cơm gạo đi học việc và 1 năm rưỡi làm không công để trả ơn thầy, Nguyễn Văn Thứ mới đầu quân cho các hiệu giày nổi tiếng ở Huế như Ông Tri, Tân Định, Thành Phát,...Năm 1998, Thứ ra Nghệ An làm thợ đóng giày thuê cho một ông chủ người Huế vốn là thầy của mình, thấy thị trường Nghệ An rất lớn, thợ đóng giày giỏi lại còn ít nên anh quyết định đứng ra mở cửa hiệu độc lập trên đường Quang Trung, vừa làm giày, vừa bán. Đến nay, hiệu giày của anh được nhiều người biết đến với mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng. Thứ đã mua được nhà ở Vinh, đưa vợ con ra sinh sống và giúp cha mẹ ở Huế nuôi em ăn học đàng hoàng.


Nhiều thợ giày Huế ra Vinh hành nghề đều có "mẹo" nhỏ mở cửa hàng lấy tên "Tuấn Huế", một thương hiệu đã được khẳng định. Như Thứ, anh đặt chữ "Tuấn" làm tên lót của mình nhưng vẫn ước mong một ngày nào đó, khi nhiều người đã biết đến tay nghề của mình, anh sẽ không còn phải "mượn" tên người đồng hương nổi tiếng nữa. Giờ đây, phố Quang Trung đã trở thành "phố giày Huế" với những tên tuổi: Tuấn Thứ, Tuấn Thạnh, Thành Phát, Tân Định,...


Không chỉ những người thợ giày, thợ mộc đến đây lập nghiệp, Nghệ An còn là mảnh đất hứa cho những người thợ dệt chăn Hà Tây, thợ sơn mài Bắc Ninh, thợ xây Huế, thợ làm nem từ Thanh Hóa... Có người đến đây theo mùa vụ, người định cư để làm ăn lâu dài; người thất bại, người làm nên những thương hiệu. Họ làm phong phú thêm cho xứ Nghệ vốn nổi tiếng là "đất học"...


...Quê hương thứ 2


Mấy chục năm sống trên đất Nghệ, họ không nỡ rời xa. Gia đình, anh em quy tụ ở đây là một nhẽ nhưng rời xa lại nhớ cái giọng Nghệ trầm hùng, nhớ vị gió Lào ran rát chạm vào da thịt; xứ Nghệ níu giữ họ bằng nỗi chân tình. Với họ, đây là quê hương thứ hai, là nơi họ gửi gắm những ước mong, những tâm nguyện và những hoài bão mới.


Anh Nguyễn Văn Thứ và cửa hiệu của mình trên đường Quang Trung - TP. Vinh Ảnh: Nguyên Khoa

Thành danh nhờ nghề mộc, Quang Triều đang phất lên với những hướng kinh doanh mới như xây dựng nhà hàng, khách sạn, siêu thị. Dự án Bệnh viện Quang Triều hơn 300 giường bệnh cũng đang được xây dựng trên quê hương Nam Định. Thế nhưng, trong sâu thẳm người thợ này vẫn mong muốn được truyền nghề cho người Nghệ. Lương Quang Triều đã từng dạy nghề miễn phí cho hàng trăm thanh niên các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Đô Lương,... với hi vọng từ nghề này mà họ có thể trang trải và xây dựng cuộc sống. Nhưng khó nhất vẫn là tính cách người Nghệ "chịu khổ nhưng không chịu khó", thế nên mong muốn của Quang Triều vẫn còn dang dở. Nhắc đến điều này, giọng của anh buồn buồn: "Để tạo dựng được một thương hiệu không chỉ có tay nghề giỏi mà còn phải tôn trọng đạo đức nghề nghiệp nữa, hầu hết những người thợ mà tôi đào tạo đều mạnh dạn đứng ra mở xưởng sản xuất nhưng rất ít người biến nó thành nghề gia truyền và xây dựng được tên tuổi của mình..."


Cũng với mong muốn như thế, Nguyễn Đăng Tuấn, Nguyễn Văn Thứ cũng đã truyền nghề đóng giày cho nhiều người Nghệ. Nhưng khi được hỏi về những người thợ học việc của mình thì họ thở dài: "Thanh niên Nghệ An thông minh lanh lợi nhưng ít chịu khó. Họ học rất nhanh nhưng tất cả đều chỉ muốn làm chủ... Để có ngày hôm nay, anh Tuấn, anh Thứ phải khăn gói cơm gạo đến nhà thầy học trong 3 năm. Sau khi thành nghề thì họ còn phải làm 1 năm rưỡi hoặc hơn thế để vừa trả ơn thầy vừa học thêm kinh nghiệm rồi mới tính đến chuyện đứng ra mở hiệu kinh doanh. Trong khi đó những học trò của họ chỉ 2 đến 4 tháng là xin nghỉ để mở cửa hàng riêng.


Xưa, xứ Nghệ nổi tiếng là đất học, là quê hương của những ông đồ; nay TP.Vinh đang là điểm đến của rất nhiều người từ mọi miền đất nước. Từ hai bàn tay trắng, với ước mơ và ý chí lập nghiệp trên miền đất mới, nhiều người ngoại tỉnh đã vươn lên thành triệu phú.... Những "thương hiệu" mà họ gây dựng được đang góp phần vào công cuộc xây dựng tỉnh nhà.


Thay lời kết


Trên một chuyến xe lữ thứ nào đó, từ một miền quê xa xôi nào đó, họ đã ra đi và nơi họ quyết định dừng chân là mảnh đất gió lào, cát trắng. Từ nơi đây, họ bắt đầu ấp ủ một ước mơ, nuôi lớn một hy vọng và đôi khi chỉ đơn thuần là giã từ một quá khứ... Bên cạnh những người đã thành danh kể trên vẫn còn không ít những kiếp người thủ thường với túp lều rách, còn nhiều người thất bát phải trở về cố hương. Những bài viết của chúng tôi không thể đề cập được tất cả. Chỉ đơn thuần, chúng tôi muốn viết về họ - những người đã tự ví mình như những hạt cát nhỏ nhoi. Họ ở bên cạnh chúng ta; cũng như bao người Nghệ đang ở những miền quê khác, họ cần sự thấu hiểu, cần những tấm chân tình...


Thùy Vinh - Nguyên Khoa