Nhiều tình huống dở khóc, dở cười
Sau khi hết kỳ nghỉ Tết, học sinh trên địa bàn tỉnh chỉ đi học ngót nghét tuần lễ sau đó hơn 800.000 học sinh Nghệ An có lịch được nghỉ từ ngày 7/2 kéo dài đến hết tháng 2 để phòng dịch bệnh Covid - 19. Nỗi lo của phụ huynh phần nào được xoa dịu khi con mình không phải đến chỗ đông người, nơi có thể tiếp cận với các nguồn lây nhưng kèm theo đó là những phiền toái không giống nhau của hàng ngàn phụ huynh khi phải nghĩ cách quản lý con ở nhà.
Chúng tôi thường xuyên phải nghĩ cách giao việc cho con. Cách này mấy ngày đầu khá hiệu quả, khi đa số chúng đều chăm chỉ để nhận được phần thưởng của bố mẹ vào cuối ngày nếu chúng làm tốt. Thế nhưng, sau hơn 1 tuần thì không còn hiệu quả nữa, vì chúng chán làm việc nhà và tìm cách ra ngoài chơi. Và kết quả là ngày nào bố mẹ cũng phải đi tìm con vì chúng đạp xe đi tận đẩu, tận đâu.
Không như chị Mai, chị Đoàn Thị Yến ở phường Trung Đô (TP. Vinh) lại đăng ký rất nhiều chương trình học trực tuyến trên mạng để tạo hứng thú cho con. Thế nhưng, chỉ được tuần đầu, tuần thứ hai con chị không muốn học nữa mà thay vào đó là tìm kiếm các trang game trên mạng để chơi, và vợ chồng chị “tá hỏa” khi thấy con trai 13 tuổi của mình tải những game không lành mạnh so với độ tuổi, lại còn liên kết trực tuyến với nhiều người để chơi online. Vậy là chị Yến đành gửi con về ông bà ngoại kèm theo một tập đề cương các môn do các cô giáo bộ môn gửi qua Zalo cho phụ huynh, với hy vọng con vừa tránh được chỗ đông người vừa giúp con tự ôn tập kiến thức lúc ở nhà. “Thế nhưng, đề cương cháu chỉ làm qua quýt lấy lệ, còn đâu đi chơi với đám bạn trong xóm suốt trưa cho tới tận chiều, khiến ngày nào chúng tôi cũng thấp thỏm, lo lắng”, chị Yến nói.
Chuyện “dở khóc, dở cười” cũng xảy ra nhiều ở các khu chung cư, nơi mật độ gia đình trẻ khá đông. Theo nhiều ý kiến chia sẻ của đa số phụ huynh, các cháu chấp hành khi bố mẹ chúng dặn dò, giao việc, nhưng hễ bố mẹ đi làm là chúng rủ nhau tụ tập một nhà nào đó và phá phách đủ thứ.
Chị Nguyễn Thị Hòa - Chung cư Nam Nguyễn Sỹ Sách, phường Hưng Dũng (TP. Vinh) cho biết. “Có hôm đi làm về tôi tá hỏa vì thấy thùng sữa tươi mới mua và hộp mì tôm nguyên đã “không cánh mà bay”, còn lại là một đống vỏ rác, hỏi ra mới biết cháu mời các bạn cùng chung cư về chơi và rủ các bạn cùng nấu ăn cho vui. Lúc đó cũng chỉ biết cười trừ”.
Phụ huynh ở nhiều vùng nông thôn cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Anh Nguyễn Văn Tú (Yên Thành) cho biết: “Trước khi đi làm tôi dặn các cháu ở nhà học bài rồi giúp bà việc nhà. Thế nhưng, trưa về thì phát hiện trên đầu cháu nhỏ lớp 2 không còn sợi tóc nào với các vết cạo nham nhở, hóa ra hai anh em lấy tông đơ của bố và tự cắt tóc”.
Cũng có phụ huynh lên Facebook than thở rằng, gia đình hai anh em ở nhà nghịch dại đến mức lấy vòi nước xịt rửa hết các đồ đạc trong nhà cho bố mẹ, để rồi sau đó thì các đồ điện tử trong nhà phải mang đi sửa.
Có hàng trăm chuyện khóc dở, cười dở nhưng đa số các gia đình đều than thở rằng cuộc sống sinh hoạt của họ đều bị đảo lộn khi các con thức khuya dậy sớm, hoặc nhiều gia đình phải đánh thức con từ 5h30 sáng để chở về nội ngoại gửi, tối khuya lại chở về nhà.
Bên cạnh đó, việc tổ chức học trực tuyến của các trường tuy đã được triển khai nhưng vì điều kiện máy móc không phải nhà nào cũng giống nhau khiến việc học rất khó diễn ra đều đặn.
Quản lý như thế nào?
Nhiều phụ huynh nghĩ ra nhiều cách quản lý con để có thể yên tâm đi làm, bởi trên thực tế nhiều gia đình có con nhỏ tuổi, hai đứa chỉ cách nhau từ 2 -3 tuổi, thì việc để chúng tự quản lý là rất khó khăn. Hơn nữa, nhiều gia đình do ông bà ở xa nên việc đưa các cháu đi đi, về về trong ngày rất mất thời gian, khiến bố mẹ không yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, các trường học đều có phương thức giao bài về nhà thế nên phụ huynh cũng phải thường xuyên bám sát con mình, đốc thúc các cháu hoàn thành bài tập cô giao.
Theo cô Hương, việc quản lý học sinh bằng cách giao đề cương theo tuần ở tất cả các bộ môn sẽ giúp các cháu bận bịu cả ngày mà quên việc chat chit, tụ tập và xem ti vi.
Nhiều phụ huynh lại cho rằng, quản lý con ở nhà thời điểm này quan trọng nhất vẫn là khuyến khích được tính tự giác cho con. Trẻ nhỏ tầm tiểu học trở xuống thì phải có người ở nhà trông hoặc gửi ông bà, trẻ lớn cấp THCS cần giao việc nhà cho các cháu, kiểm soát bài vở cô giao, có thể đăng ký học trực tuyến trên các trang mạng uy tín. “Tốt nhất là bố mẹ học cùng con vào buổi tối, tránh tình trạng giao máy cho con rồi đi làm, các em sẽ “tự tung tự tác” học ít chơi nhiều, mà “chơi trên mạng” thì hậu quả cũng không phải là nhỏ....”, cô giáo Nguyễn Thị Soa - Trường THCS Hưng Dũng cho biết.
Trong nhiều cách quản lý con ở nhà thì xem ra việc thuê gia sư dạy con tại nhà hay lắp camera giám sát con đang được nhiều gia đình thực hiện.