(Baonghean) - “Ngôi nhà an toàn” là một trong những mô hình được ngành LĐ-TB&XH triển khai xây dựng từ năm 2011, nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích cho trẻ em.

Theo thống kê, Nghệ An hiện có 188.748 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn ngôi nhà an toàn, tuy nhiên, trên thực tế, những ngôi nhà này liệu có đảm bảo và giữ vững được các tiêu chí an toàn?

Thiếu thực chất

Gia đình ông Chu Văn Nguyên - một trong những gia đình được cấp giấy chứng nhận ngôi nhà an toàn ở xóm Phong Hảo, xã Hưng Hoà (TP Vinh). Ngôi nhà mái bằng sạch sẽ, gọn gàng, cơ bản đầy đủ các vật dụng sinh hoạt.

Thế nhưng, dường như cách bố trí, sắp xếp các vật dụng trong gia đình lại chưa phù hợp, còn ẩn chứa rủi ro cho trẻ. Trong nhà, các ổ điện đặt rải rác trong tầm với của trẻ, các vật dụng như phích nước, bình ga, bếp ga... đặt dưới đất, chưa có cửa che chắn... Nếu đối chiếu với Bộ tiêu chí ngôi nhà an toàn, thì rõ ràng ngôi nhà của gia đình ông Chu Văn Nguyên chưa đáp ứng được.

Bếp ga, bình gas, phích nước… đặt trong tầm tay trẻ trong ngôi nhà an toàn của ông Chu Văn Nguyên, xóm Phong Hảo, xã Hưng Hòa. Ảnh: Phước Anh
Bếp ga, bình gas, phích nước… đặt trong tầm tay trẻ trong ngôi nhà an toàn của ông Chu Văn Nguyên, xóm Phong Hảo, xã Hưng Hòa. Ảnh: Phước Anh

Xã Hưng Hoà là địa phương được ngành LĐ-TB&XH thành phố Vinh chọn xây dựng mô hình điểm về ngôi nhà an toàn cho trẻ từ năm 2015. Theo báo cáo, thống kê ngôi nhà an toàn gia tăng theo từng năm, nếu như năm 2015 mới chỉ có 86% gia đình đạt tiêu chí thì cuối năm 2016 là 90%, và đến thời điểm này là 96%.

Chị Hoài Thương - cán bộ chính sách UBND xã Hưng Hoà cho biết, xã chỉ cấp giấy chứng nhận cho những ngôi nhà đủ tiêu chí an toàn, còn với những hộ chưa đạt thì “cho họ nợ tiêu chí”. Thế nhưng, có nhiều hộ dù “nợ” đến mấy năm vẫn chưa “trả” được.

Gia đình chị Đặng Thị Lan là một ví dụ. Nhà giáp mặt đường xóm nhưng chưa có cổng, bể chứa nước trong khu vực vệ sinh thiếu nắp đậy, hệ thống ổ điện, dây dẫn... còn đặt trong tầm tay của trẻ... 

Bể nước trong ngôi nhà chị Đặng Thị Lan, xóm Phong Hảo, xã Hưng Hòa (TP. Vinh) thiếu nắp đậy. Đây có thể là một trong những rủi ro đối với trẻ. Ảnh: Phước Anh

Thực tế tại nhiều địa phương, có những tiêu chí rất khó đạt. Như ở xã Hưng Hoà - một xã có hơn 500 ha diện tích mặt nước (sông, hồ, ao, đầm...), phần lớn bao quanh khu vực dân cư, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao. Nơi đây có những năm, 3 - 4 trường hợp bị đuối nước.

Mặt khác, nếu chiếu theo bộ tiêu chí ngôi nhà an toàn do Bộ LĐ-TB&XH ban hành, thì tiêu chí “Xung quanh ao, hố chứa nước, hố vôi, cống thoát nước trong khu vực nhà ở phải có hàng rào chắc chắn đảm bảo an toàn cho trẻ em”... Lãnh đạo xã Hưng Hoà phân vân không biết đến bao giờ mới đạt được!

Không thể chỉ tuyên truyền “suông”

Bà Lê Thị Nguyệt - Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH cho biết: Trong giai đoạn từ 2011 - 2016, UBND tỉnh bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em khoảng 300 triệu.

Tính riêng việc xây dựng mô hình ngôi nhà an toàn thì chỉ có kinh phí truyền thông, in ấn tờ rơi, sách mỏng… và hỗ trợ 10 triệu đồng/ mô hình, mỗi huyện chỉ 1 - 2 mô hình/ năm. Kinh phí hạn hẹp khiến thực chất hiệu quả của chương trình thấp, tính lan toả, nhân rộng kém. 

Xã Hưng Hoà (TP. Vinh) hiện có hơn 500ha diện tích sông, ao, hồ, đầm… phần lớn không có rào chắn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước trẻ em. Ảnh: Phước Anh

Bên cạnh đó, việc thiếu thực chất trong xây dựng mô hình ngôi nhà an toàn còn xuất phát từ hạn chế về nhận thức của người dân. Nhiều cán bộ chính sách các địa phương chia sẻ, khi tuyên truyền, vận động các gia đình xây dựng mô hình ngôi nhà an toàn, không ít người dân phản ứng, cho là cán bộ “thừa giấy vẽ voi”, bao nhiêu năm nhà cửa, sinh hoạt vẫn thế có sao đâu!

Lại có người biện bạch rằng không có điều kiện kinh tế để sửa sang, thay đổi nhà cửa, trong khi điều mà họ cần sửa nhất lại chưa cần đến tiền bạc, mà có khi chỉ là sửa thói quen, hành vi đặt phích nước, bật lửa… lung tung, ổ cắm điện long ốc vít xộc xệch gắn hờ trên tường…

Bộ tiêu chí ngôi nhà an toàn do Bộ LĐ-TB&XH ban hành gồm 33 chỉ số. Ngôi nhà này phải đảm bảo trong năm không có trẻ em bị tai nạn thương tích tại đây và có 15 điều bắt buộc phải đạt, ví dụ:

- Xung quanh ao, hố chứa nước, hố vôi, cống thoát nước trong khu vực nhà ở phải có hàng rào chắc chắn đảm bảo an toàn cho trẻ em.

- Giếng, bể nước (chum vại nước ăn) có nắp đậy chắc chắn, an toàn.

- Khu bếp phải riêng biệt, có cửa ngăn và có khóa để trẻ dưới 6 tuổi không tiếp xúc được với bếp lửa, bình ga.

- Dây dẫn điện phải được đi ngầm trong tường hoặc có vỏ bọc chắc chắn nếu đi bên ngoài.

- Các công tắc điều khiển, cầu chì, ổ cắm được lắp đặt ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi và phải có hộp hay lưới bảo vệ hoặc có nắp đậy an toàn.

- Phải sử dụng các loại đèn có phần vỏ ngoài bằng vật liệu cách điện tại các phòng trong nhà.

- Phích nước phải có hộp đựng hoặc dây đai giữ và để ở vị trí an toàn, ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi.

Phước Anh

TIN LIÊN QUAN