Người tiên phong ở Phá Kháo
Phá Kháo được xem là một trong những bản xa xôi, cách trở nhất của xã Mai Sơn, huyện Tương Dương. Nhưng Bí thư Chi bộ bản Già Bá Gâu (SN 1971) nói rằng, dù cách trở, nhưng nhìn chung đời sống bà con dân bản đã dần khởi sắc.
Còn nhớ, năm 2002, khi Bá Gâu được dân bản tin yêu bầu giữ chức Bí thư Chi bộ, bản vùng sâu này còn muôn vàn khó khăn: 100% hộ trong bản đều là hộ nghèo, tỷ lệ trẻ em bỏ học cao, tình trạng di dịch cư tự do sang Lào còn tồn tại...
Là người con của Phá Kháo, uống nước nguồn Moong Nậm mà lớn lên, ông Già Bá Gâu trăn trở rất nhiều với thực trạng nghèo khó của bản làng. Ông hiểu rằng, mấu chốt của thực trạng ấy là từ vấn đề nhận thức.
Thế là, Già Bá Gâu nhiều lần tìm đến các hộ có người di dịch cư tự do, nói cho họ biết rằng di cư tự do như vậy là không đúng đâu, trẻ con phải cho đi học cái chữ, bố mẹ ở lại bản để tập trung trồng trọt, chăn nuôi đi thôi.
Cùng với đó, ông vận động các đảng viên trong chi bộ cùng tiên phong xóa bỏ tập quán canh tác cũ, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất để bà con tin và làm theo.
Ông Già Bá Gâu mạnh dạn đưa lúa nước về bản, những vùng rẫy hoang hóa thì cải tạo lại để trồng ngô, gừng, bí xanh... Ông còn tuyên truyền cho bà con tập trung phát triển bò nuôi nhốt theo hướng hàng hóa, thay vì chăn thả trong rừng như trước đây. Đặc biệt, ông Già Bá Gâu còn được bà con ghi nhận khi phần nào giải được “bài toán” về nguồn điện sinh hoạt, bằng cách ngăn dòng đặt máy phát điện mini.
Dấu ấn của Bí thư Chi bộ Già Bá Gâu còn hiện rõ trong công tác phát triển đảng viên trẻ. Những năm gần đây, nhiều đảng viên trẻ thế hệ 9x đã trở thành hạt nhân tiêu biểu, tiên phong trong thực hiện các phong trào phát triển kinh tế - xã hội.
Làm được nhiều điều cho bản làng, nhưng ông Già Bá Gâu cho rằng, đó chỉ là những việc đương nhiên của một người con Phá Kháo dành cho quê hương. Mong mỏi nhất của ông bây giờ cũng như bà con dân bản, là Phá Kháo sớm có đường điện lưới quốc gia, để nhân dân có điều kiện phát triển kinh tế tốt hơn.
“Thắp lửa” đam mê văn hóa dân tộc
Sinh ra và lớn lên ở bản Na Cống, xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, từ năm lên 12 tuổi, ông Trương Văn Thông (SN 1958) đã được ông, cha trao truyền “vốn liếng” sử dụng nhạc cụ và các làn điệu dân ca đồng bào dân tộc Thái thuần thục, điêu luyện. Cùng với đó, những bài văn cúng, tế lễ theo nghi thức truyền thống vốn chỉ được trao cho dòng nam chính cũng được ông khắc cốt ghi tâm và phục vụ cho các lễ hội tại địa phương.
Hàng chục năm nay, người dân xã Châu Hoàn vẫn quen gọi ông là “nghệ nhân” của bản. Cách gọi đầy kính trọng ấy xuất phát từ việc người đàn ông này luôn nhiệt huyết, đam mê trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, và dù gặp nhiều khó khăn, vẫn chẳng “nguội lòng” trên hành trình trao truyền các giá trị văn hóa tốt đẹp ấy cho thế hệ trẻ.
Không chỉ vào dịp hội diễn, mà nhiều thời gian trong năm, ngôi nhà sàn của gia đình ông Thông luôn rộn ràng tiếng hát, tiếng khèn. Ông tập hợp các cháu nhỏ ở bản gần, bản xa lại, rồi dạy cho các cháu hát nhuôn, xuối, bày cho các cháu cách làm khèn bè...
Ông bảo, các cháu bây giờ có điện thoại, ti vi, mạng internet rồi, nên ban đầu học hát uể oải lắm, nhưng dần dần, các cháu đã cảm nhận được vẻ đẹp của văn hóa dân tộc mình. “Người Thái mà không biết hát nhuôn, hát xuối thì buồn lắm. Giới trẻ ngày nay không nhiều người biết và yêu thích văn hóa dân tộc. Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, cần có nhiều chính sách thiết thực hơn” - ông Trương Văn Thông chia sẻ.
“Điểm tựa” của bà con người Thổ
Ở xóm 5, xã Nghĩa Tiến, thị xã Thái Hòa, bà Hồ Thị Luật - Phó Bí thư Chi bộ, Xóm trưởng kiêm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân được biết đến như một điển hình “miệng nói, tay làm”, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc Thổ nơi đây.
Giữa vườn bưởi trĩu quả đang vào vụ thu hoạch thứ 3, bà Luật cho biết, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi 2,5 ha sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng giống bưởi hồng Quang Tiến và canh tác cây cao su. Tới nay, mô hình đã cho thu nhập khoảng 90 triệu đồng/năm.
Sau thành công của Phó Bí thư chi bộ, nhiều đảng viên trẻ và bà con trong xóm đã học hỏi, phát triển mô hình, “biến” gần chục ha đất đồi trở thành nông trại trồng cây ăn quả cho thu nhập bền vững.
Từ đây, phong trào khai hoang phục hóa đất trống, đồi trọc được bà con triển khai đồng bộ. Bà Hồ Thị Luật còn vận động 105 hộ dân trong xóm tham gia lớp học nghề ngắn hạn như nuôi ong, chăn nuôi gà, thú y... Nhờ vậy mà cuộc sống của bà con xóm 5 ngày càng khởi sắc.
Khi cuộc sống đã dần thoát khỏi đói nghèo, bà đứng ra vận động người dân đồng sức, đồng lòng để xây dựng nông thôn mới. Cùng với cấp ủy, bà đã đi đến từng hộ dân để tuyên truyền, động viên bà con hiến đất mở đường, thu gom rác thải, nạo vét kênh mương, vệ sinh thôn xóm để giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.
Nữ Phó Bí thư Chi bộ được người dân tin yêu xem như là “điểm tựa” trong các phong trào cơ sở này bày tỏ mong mỏi: Hiện, đa phần người đứng đầu chi bộ, thôn xóm đều là những người luống tuổi, thiếu sự tham gia của thế hệ trẻ. Vì vậy, bà mong muốn Đảng, Nhà nước và địa phương có thêm những chính sách để thu hút người trẻ, củng cố sức chiến đấu cho tổ chức cơ sở Đảng.
“Thủ lĩnh” ở La Ngan
Hơn 10 năm đảm nhận vai trò là Bí thư Chi bộ bản La Ngan, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, ông Moong Biên Phòng đã dành trọn tâm huyết để cùng 142 hộ đồng bào Khơ mú ở La Ngan vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
Nhận thức rõ trách nhiệm của người có uy tín trong cộng đồng, ông Moong Biên Phòng tìm cách tuyên truyền, vận động bà con chăm chỉ làm ăn, vận dụng những mô hình khuyến nông do Nhà nước hỗ trợ để nâng cao đời sống. Đặc biệt, ông là người tiên phong xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, khuyến khích con cháu học hành, không để thất học, mù chữ rồi bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt.
Về kinh tế, ông luôn đi đầu làm gương khi khai hoang vùng Bãi Phăng, Khe Tiêu để xây dựng trang trại chăn nuôi hơn 10 con trâu, bò và đưa những giống cây ăn quả, cây nông nghiệp có giá trị kinh tế về canh tác.
Khi mô hình thành công, ông tích cực chia sẻ với bà con những gì mình biết, mình hiểu. Điều đó đã góp phần củng cố niềm tin, khuyến khích tinh thần chủ động của bà con trong phát triển kinh tế.
Nhờ vậy, bộ mặt của La Ngan ngày càng khởi sắc. Hiện toàn bản có hơn 40 hộ khoanh nuôi, bảo vệ hơn 100 ha rừng. Bình quân mỗi hộ chăn nuôi từ 3 - 5 con gia súc và có hơn 20 ha trồng cây lâm nghiệp. Bình quân mỗi năm, bản giảm từ 5 - 10 hộ nghèo, trên 20 hộ vươn lên khá giả.
“Thủ lĩnh” ở La Ngan nói rằng, nâng cao nhận thức, phát triển kinh tế là “chìa khóa” để thoát nghèo bền vững. “Bà con mong muốn được hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp cận với nguồn vốn vay nhiều hơn để có động lực mở rộng sản xuất, chăn nuôi”.