Một số người cho rằng chỉ cần ăn nhiều và ngon là đủ dưỡng chất, nhưng theo bác sĩ Đào Thị Yến Thủy - Trưởng khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc - điều này không đúng.
Bác sĩ chia sẻ những ngộ nhận thường gặp khiến bữa ăn thiếu dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Thường xuyên chỉ ăn một vài loại thực phẩm
Có một số thực phẩm được đánh giá là giàu dưỡng chất và rất tốt cho sức khỏe, vì vậy nhiều người vẫn cho rằng chỉ cần tập trung ăn thật nhiều thực phẩm ấy là tốt, ví dụ như thịt bò. Trong 100g thịt bò có tới 21g protein cùng vitamin B12, B6, khoáng chất, canxi, kali, kẽm, magie, sắt, cung cấp 218 kcal năng lượng - gấp đôi so với cá và nhiều loại thịt động vật khác.
Do thịt bò chứa nhiều dinh dưỡng, giàu đạm giúp tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật và thúc đẩy quá trình hình thành các protein mới, nên được xem là loại thực phẩm không thể thiếu để bồi bổ cho những ai muốn tăng cường sức khỏe, ăn kém do bị bệnh, người ăn kiêng sợ thiếu chất, người năng chơi thể thao.
Hay trường hợp một số chị em thường chọn cá làm thực phẩm chính trong bữa ăn gia đình. Cá cung cấp đủ nhiều protein và có các acid amin, chất béo tốt, chất khoáng với các vi lượng quan trọng. Mỡ cá có vitamin D, tốt cho sức khỏe. Lượng protein trong cá dao động 16-18%, lượng chất béo thay đổi tùy mỗi loại cá.
Vì những lý do trên, một số gia đình thường chọn thực phẩm chính là thịt bò hoặc cá trong mỗi bữa ăn mà thiếu bổ sung, kết hợp thêm những thực phẩm khác hoặc thay đổi món ăn khác nhau trong ngày. Tuy nhiên, khi ăn quá nhiều một loại thực phẩm sẽ khiến cơ thể dư một số chất dinh dưỡng và thiếu những dưỡng chất khác do không có cơ hội ăn món khác.
Thực tế, không có thực phẩm nào là duy nhất chứa đầy đủ tất cả chất dinh dưỡng cần thiết để cung cấp cho cơ thể cả 4 nhóm dưỡng chất. Vì vậy, cần đổi món và phối hợp thực phẩm trong bữa ăn để cân bằng dinh dưỡng mỗi ngày.
Kiêng tinh bột, chất béo để giảm cân
Những người muốn giảm cân thường không ăn tinh bột và đồ ngọt, chỉ ăn rau và thịt. Cơ sở lý thuyết cho việc khuyến khích áp dụng chế độ này là khi mọi người dùng thức ăn giàu protein sẽ nhanh có cảm giác no và lượng thức ăn vào cơ thể sẽ giảm. Trong khi đó, vì thiếu carbohydrate nên chất béo không bị đốt cháy hoàn toàn, protein cũng nhanh chóng bị phá vỡ khiến các chất dinh dưỡng này không hấp thụ tối đa vào cơ thể, sớm bị đào thải.
Tuy nhiên, điều này không đúng bởi tinh bột và béo là hai nguồn cung cấp năng lượng chính. Nếu cơ thể thiếu năng lượng sẽ uể oải và không hoạt động tốt, có thể hạ đường huyết gây ngất xỉu. Tình trạng này kéo dài dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng nên dễ mắc bệnh. Nếu bạn bị thừa cân béo phì chỉ nên kiêng vừa phải và không ăn quá nhiều.
Trên thực tế, mỗi ngày cơ thể cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng từ các loại dưỡng chất như bột đường, đạm, béo; đến các vi chất dinh dưỡng là vitamin (vitamin A, nhóm B, C, D, E, K, H, PP...) và khoáng chất (canxi, sắt, kẽm, đồng, mangan, phosphor...); yếu tố vi lượng (I ốt, Selen...).
Tùy vào từng độ tuổi, giới tính, hoạt động thể lực, tình trạng sinh lý (trẻ em, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, người già...) và bệnh lý của từng cơ thể mà cần cung cấp số lượng các chất dinh dưỡng khác nhau.
Tẩy chay một số thực phẩm vì tin đồn
Giữa những thông tin chưa được kiểm chứng hiện nay, nhiều chị em nội trợ đã vội tránh xa một số thực phẩm quen thuộc vì cho rằng chúng gây tác hại cho sức khỏe. Đơn cử như tin đồn dưa muối chiếm 1,4% lượng muối hàng ngày vào cơ thể, dễ dẫn đến nguy cơ ung thư dạ dày và làm tăng huyết áp; măng tươi chứa axit oxalic có thể gây ra sỏi thận; hay ngay cả thực phẩm đóng gói và được cơ quan chức năng kiểm soát như mì ăn liền cũng bị cho là thiếu dinh dưỡng và dễ gây nóng trong người, khó tiêu...
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Bạch Mai (Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cũng cho rằng không có thực phẩm xấu mà chỉ có bữa ăn xấu, ăn sai cách sẽ không tốt cho sức khỏe. Lấy ví dụ về mì ăn liền, bà cho biết một gói loại thông dụng (75g) thường chứa 40-50g chất bột đường; 13-17g chất béo và không ít hơn 6,8g đạm, do vậy có thể cung cấp cho cơ thể 300-350 kcal (tương đương 15-17% nhu cầu năng lượng mỗi ngày đối với người trưởng thành). Đồng thời, đây còn được xem là thực phẩm cơ bản, tương tự như như cơm, cháo, bún, nui, phở... nên hoàn toàn có thể kết hợp với nhiều thực phẩm khác để tạo thành bữa ăn hoàn chỉnh, dinh dưỡng.
Theo đó, để thưởng thức mì ăn liền đúng cách và gạt bỏ những lo ngại về sức khỏe, người tiêu dùng nên chú ý kết hợp cải xanh, giá đỗ, cải cúc, rau má, rau muống, cà rốt, cà chua... Ngoài các vitamin và khoáng chất, sự hiện diện của chất xơ trong rau củ làm tinh bột được hấp thu chậm hơn, tăng lượng phân đào thải giúp tránh táo bón, không gây nóng trong người, giảm nguy cơ bị bệnh trĩ, ngăn ngừa cholesterol máu cao, giảm nguy cơ bệnh tim mạch và bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Mỗi bát mì cũng nên bổ sung thịt bò, thịt lợn, tôm, trứng... hoặc một ít nấm, đậu hũ để bữa ăn từ mì gói được cân bằng hơn về năng lượng đến từ chất đạm, đặc biệt là cân đối giữa đạm động vật và thực vật. Ngoài ra, người dùng cần kiểm tra chất lượng gói mì trước khi lựa chọn như: xem hạn sử dụng, an toàn đóng gói và cấp phép của các cơ quan thẩm quyền để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngay cả một thực phẩm dù rất giàu dinh dưỡng mà sử dụng quá mức hoặc không phối hợp với các thực phẩm khác cũng gây những ảnh hưởng bất lợi cho cơ thể. Vì vậy, mì ăn liền hay bất cứ thực phẩm đơn lẻ nào đều không phải là nguyên nhân gây hại cho sức khỏe, mà quan trọng người dùng nên biết cách sử dụng như thế nào cho phù hợp.