(Baonghean) - Taliban tại Afghanistan mới đây đã tuyên bố chỉ định Mawlawi Haibatullah Akhundzada làm thủ lĩnh mới của lực lượng này. Trở thành kẻ lãnh đạo phong trào Taliban tại Afghanistan chắc hẳn phải là một trong những công việc dễ gây thoái chí nhất trên thế giới. 

Điều cần làm đầu tiên của “người mới” khi ngồi vào chiếc ghế này là phải thuyết phục toàn bộ phong trào tin vào tính chính danh của hắn. Haibatullah phải biểu hiện rằng y là ứng cử viên hoàn toàn xứng đáng, ngoan đạo, được chọn ra theo đúng luật Hồi giáo Sharia, hay ít nhất là theo cách Taliban diễn giải luật này.

resize_images1563334__nh_nh_n_v_t_s__ki_n_27_5_1.jpgChân dung Mawlawi Haibatullah Akhunzada, tân thủ lĩnh Taliban tại Afghanistan. Ảnh: AP

Một khi làm được toàn bộ những nội dung trên, tân thủ lĩnh Taliban mới có thể có được sự phục tùng vô điều kiện từ cấp dưới, đặc quyền dành riêng cho các nhà lãnh đạo của phong trào khét tiếng lâu năm. Trước đây, không lâu sau khi người tiền nhiệm Mansour tiếp quản quyền lực, y đã buộc Ủy ban văn hóa đưa ra bản phác họa tiểu sử nhấn mạnh những phẩm chất lãnh đạo của mình.

Với tân thủ lĩnh mới chừng 50 tuổi đến từ bộ tộc Noorzai, trưởng thành từ vùng đất là “cái nôi” của Taliban tại huyện Panjwai, phía Nam tỉnh Kandahar, Afghanistan, người ta cũng đang quan tâm y sẽ có động thái gì, nhất là khi giới phân tích cho rằng việc chỉ định Haibatullah kế nhiệm Mullah Akhtar Mohammad Mansour sau khi tên này bỏ mạng trong cuộc không kích tại Pakistan hôm 21/5 là “sự lựa chọn tự nhiên”, cho thấy nhóm vũ trang này của Afghanistan hy vọng sẽ tránh được tranh cãi kế tiếp.
 
Quan hệ với Pakistan
 
Thách thức lớn nhất từ bên ngoài đối với Haibatullah sẽ là việc xử lý quan hệ với Pakistan. Bộ máy chỉ huy của Taliban có xu hướng tính toán trên cơ sở giả định lực lượng này cần được giới chức Pakistan khoan dung, như vậy Taliban có thể sử dụng Pakistan làm cơ sở, hậu phương cho phong trào thánh chiến của mình tại Afghanistan. Taliban tại Afghanistan từng tính toán rằng chừng nào mà lực lượng này không tiến hành hoạt động quân sự trên lãnh thổ Pakistan, thì tại đó Taliban vẫn được yên ổn.
 
Trong 6 tháng qua, giới chức Pakistan tuyên bố với Taliban rằng luật lệ giờ đây đã thay đổi. Taliban phải đàm phán với chính quyền Kabul, nếu không sẽ phải sẵn sàng đối mặt với những hậu quả khó lường. Mansour, cho đến lúc chết, vẫn cực lực coi thường sức ép này, từ chối cho phép quan chức Taliban tham gia các cuộc đàm phán, mà thay vào đó viện hết loạt lý do này đến thủ thuật câu giờ nọ.
 
Haibatullah cần tái đánh giá sự nghiêm túc của Pakistan đối với vấn đề đưa Taliban vào bàn đàm phán, và phải đoán định được rằng liệu Taliban có thực sự phải đối mặt với hậu quả nào không nếu lực lượng này tiếp tục đường lối của Mansour, tức đứng ngoài các vòng đàm phán do Pakistan làm trung gian.
 
“Tiếp thị” hình ảnh Taliban
 
Một câu đố hóc búa không kém là Haibatullah phải quyết định cách đối phó với mạng lưới thánh chiến quốc tế, đặc biệt là tổ chức al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, hiện đang hoạt động tại cả Afghanistan lẫn Pakistan.
 
Mansour, như nhiều quan điểm khác tại Trung Đông, xem IS vừa là mối đe dọa, vừa là cơ hội. IS đã tìm cách thách thức thế độc quyền của Taliban đối với việc lãnh đạo thánh chiến Afghanistan. Mansour đã thẳng tay đẩy lùi nhóm này trong các chiến dịch quân sự của Taliban.
 
Lập trường cứng rắn của Taliban đối với IS đã giúp lực lượng này đưa ra những đề nghị với các nước khác trong khu vực. Người Nga đã tuyên bố có liên hệ với Taliban, và người Iran đóng dấu vào hộ chiếu đi lại của Maansour, biểu trưng cho những nỗ lực của Mansour nhằm khiến Iran hậu thuẫn cho Taliban.
 
Nhưng ngay cả khi thực tế không như vậy, IS vẫn suy yếu hơn tại Afghanistan so với năm trước. Do đó, Haibatullah sẽ phải tìm các cách mới để tiếp thị hình ảnh Taliban như là lực lượng chống IS đầy tiềm năng và xứng đáng nhận được sự ủng hộ. Tuy nhiên, với al-Qaeda, nhà lãnh đạo này lại đối mặt với vấn đề gần như trái ngược.
 
Khi chấp thuận lời thề trung thành từ Ayman Al Zawahiri và al-Qaeda, Mansour và phong trào Taliban đã không rút ra bài học đầu tiên về sự kiện 11/9, đó là tổ chức các băng nhóm khủng bố quốc tế âm mưu hành động chống lại Mỹ có thể chuốc lấy sự báo thù khủng khiếp.
 
Haibatullah sẽ tìm cách duy trì uy tín của Taliban với tư cách là một tổ chức thánh chiến không thỏa hiệp, xem liên kết với al-Qaeda là điều có ích, đồng thời y cũng sẽ thận trọng giữ khoảng cách với căn cứ của Taliban, nơi nhiều cái tên đang tỏ ý nghi ngờ về sự hiện diện và vai trò của các chiến binh ngoại quốc của Taliban.
 
Né tránh không kích
 
Và, dĩ nhiên Haibatullah sẽ tìm cách lý giải chiến dịch không kích của Mỹ tại Pakistan mà đã tiêu diệt kẻ cầm đầu tiền nhiệm. Liệu đó là chiến dịch duy nhất hay người Mỹ quyết định truy đuổi ban lãnh đạo Taliban tại Pakistan?
 
Hiểu được điều này là vấn đề sống còn đối với Haibatullah. Y sẽ phải xác định đâu là nơi chốn an toàn cho bản thân, để có thể yên ổn thoát khỏi loạt máy bay không người lái.
 
 
Chiến dịch không kích của Mỹ tại Pakistan đã tiêu diệt kẻ tiền nhiệm của Taliban. Ảnh: Internet.
Có lẽ vấn đề cuối cùng trong quan hệ khu vực mà thủ lĩnh mới này sẽ phải cân nhắc là cách thức ứng phó với những lời kêu gọi từ các nước Mỹ, Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan yêu cầu Taliban tham gia các cuộc hòa đàm. Dưới thời Mansour, Taliban xem tiến trình này là một trò chơi ngoại giao - làm thế nào để yên ổn khi không tham gia và làm thế nào để tránh khiêu khích các cường quốc nếu không cần thiết.
 
Mansour quyết tâm duy trì lực lượng thánh chiến và theo đuổi giấc mộng tái thiết Vương quốc Hồi giáo bằng vũ lực và sự thống khổ. Cái chết của y là minh chứng lớn nhất mà Taliban nhận được cho đến nay, cho thấy khát vọng quân sự của Mansour đã quá mức tham vọng.
 
Giờ đây, vẫn cần phải chờ xem sự nhận thức trên sẽ đưa ban lãnh đạo mới của Taliban đi xa tới đâu, trong bối cảnh đối mặt với viễn cảnh “nỗi nhục cay đắng” là ngồi vào bàn thương thuyết với chính quyền Kabul.
Phú Bình
(Theo CNN)