(Baonghean) - Ngày 9/4/2011, tại thị trấn Đô Lương (Nghệ An), Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh tổ chức gặp mặt cán bộ, hội viên và nhà hảo tâm tiêu biểu lần thứ nhất. Đây là dịp để cảm ơn những tấm lòng vì nạn nhân chất độc da cam và nêu gương những nạn nhân đã vượt qua khó khăn, vươn lên khẳng định mình trong cuộc sống.

Suốt 50 năm qua, hàng triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam phải sống trong nỗi đau dai dẳng, phải gánh chịu hậu quả thảm khốc của cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, thời gian dài nhất trong lịch sử loài người.
 
Ở tỉnh Nghệ An hiện có hơn 3.000 người bị phơi nhiễm loại chất độc hoá học nguy hiểm này. Hằng ngày, những cơn đau hành hạ họ, những đứa trẻ sinh ra bị dị tật, những người cha đau đớn nhìn con chống chịu với nỗi đau dai dẳng, những người mẹ tảo tần, lam lũ chăm sóc những đứa con sinh ra đã không còn nguyên vẹn.

764553_small_61880.jpg
 Hỗ trợ xe lăn cho người tàn tật là nạn nhân chất độc da cam.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) tỉnh cho biết: hầu hết họ là những người nghèo khó, gia đình luôn ở trong tình trạng thiếu thốn. Đó là gia đình bà Trương Thị Tuất, xóm Xuân Tiến (xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ) có hai con bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha. Ông mất, để lại mình bà và hai cô con gái tật nguyền, không làm chủ được hành vi và không tự phục vụ sinh hoạt. Hằng ngày ngoài công việc đồng áng, cày thuê cuốc mướn, bà lại tất bật chăm sóc hai con gái đã cận kề tuổi 40 nhưng vẫn ngây ngô như đứa trẻ lên ba. Đó là hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Nghiêm (xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn) có chồng là ông Đào Trung Tuyển, bộ đội tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam ác liệt. Trong 5 người con của ông bà thì 4 người bị phơi nhiễm chất độc da cam, mọi chi tiêu trong gia đình chỉ mình bà xoay xở. Đau xót hơn, khi đứa cháu nội vừa ra đời cũng đã mang trong mình di chứng da cam;v.v…
 
Chia sẻ với những mất mát, đau thương đó, nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đã cùng chung tay, góp sức hàn gắn những vết thương do chiến tranh để lại. Những gương tiêu biểu trong trong triệu những tấm lòng được nhắc đến. Họ chỉ là những con người bình dị, dành dụm tiền tiết kiệm, chi tiêu hằng ngày để hỗ trợ các nạn nhân; Hay đó là chủ những doanh nghiệp có tâm sáng như ông Nguyễn Văn Tám - Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Tám Tài ở Tân Kỳ; Đó là những cán bộ Hội, dù phụ cấp ít ỏi nhưng vẫn lặng thầm đi “gõ cửa” từng cá nhân, doanh nghiệp kêu gọi họ hỗ trợ cho các nạn nhân. Điển hình như ông Đinh Xuân Tứ, Chủ tịch tỉnh hội, ông Lê Văn Tỵ , Thường trực huyện hội Đô Lương; ông Nông Như Quế huyện hội Tương Dương... Hay như cán bộ huyện uỷ Nghĩa Đàn bớt chi tiêu nhận hỗ trợ thường xuyên một gia đình nạn nhân khó khăn.


 Chăm sóc những người bị di chứng do chiến tranh để lại.

Nhận được sự quan tâm của xã hội, sự chia sẻ của cả cộng đồng, các nạn nhân đã ấm lòng hơn, vững tin hơn vươn lên trong cuộc sống. Từ nguồn vốn được hỗ trợ ban đầu, nhiều gia đình nạn nhân đã mua con giống chăn nuôi, mở cửa hàng tạp hoá, mua dụng cụ sản xuất... ổn định việc làm, cải thiện cuộc sống. Những ngôi nhà tình thương từ nguồn quĩ hội được xây dựng nên giúp các nạn nhân có mái ấm nương thân...
 
Hi vọng rằng, ngày càng có nhiều hơn nữa tấm lòng hảo tâm vì nạn nhân chất độc da cam, và sẽ có nhiều bàn tay sẵn sàng đưa ra nâng đỡ những hoàn cảnh éo le, bất hạnh...


Phúc Thanh