(Baonghean) - Thế giới đang sắp sửa đi hết 3/4 chặng đường của năm 2015. Báo Nghệ An điểm lại một số sự kiện nổi bật diễn ra trong quý III năm nay, gắn liền với đó là các điểm “nóng” thu hút sự quan tâm chú ý của cộng đồng quốc tế.

1 - Iran

Ngày 14/7 được xem là một mốc son đánh dấu thành quả của thời kỳ đàm phán gian truân kéo dài dai dẳng tới 11 năm và quá trình thương lượng nước rút căng thẳng trong suốt 18 ngày tại Thủ đô Vienna (Áo), khi Iran và nhóm P5+1 (bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đạt thỏa thuận "lịch sử" về chương trình hạt nhân của Iran, được đánh giá sẽ làm thay đổi toàn bộ khu vực Trung Đông. Nhóm 6 cường quốc kỳ vọng thông qua thỏa thuận này ngăn chặn Cộng hòa Hồi giáo Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Iran sẽ được gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận kinh tế và được tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân hòa bình.

Ảnh minh họa: Internet

2 - Trung Quốc 

Sau lần đầu tiên điều chỉnh tỷ giá hôm 11/8, với lý giải nhằm phản ứng tốt hơn trước những diễn biến của thị trường về tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã có 3 ngày liên tiếp phá giá đồng nội tệ. Động thái này được nhìn nhận là “kháng sinh liều cao” mà Bắc Kinh đưa ra để cứu nền kinh tế quốc dân sau khi xuất hiện những chỉ số “xấu” về mọi mặt. Dư luận đã dấy lên lo ngại về khởi nguồn của một cuộc “chiến tranh tiền tệ”. Các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới bao gồm cả Việt Nam đã có những đối sách kịp thời để hạn chế tác động tiêu cực từ biến động nêu trên.

Tháng 8 cũng là thời điểm Trung Quốc chịu tổn thất nặng nề do những vụ nổ chấn động. Hôm 12/8, một vụ nổ kinh hoàng xảy ra tại kho chứa hóa chất thuộc địa phận thành phố cảng Thiên Tân, khiến hơn 150 người thiệt mạng. Khi người dân chưa hết bàng hoàng, ngày 22/8 và 31/8 lại chứng kiến thêm 2 vụ nổ khác ở tỉnh Sơn Đông tại một kho hóa chất và nhà máy sản xuất pháo hoa; khiến ít nhất 7 người thiệt mạng. Các vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng an toàn lao động tại đất nước đông dân nhất thế giới, và hiện giới chức nước này đang tiếp tục điều tra để giải đáp những câu hỏi còn để ngỏ.

3 - Mỹ và Cuba

Sau tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro vào tháng 12/2014, hai nước đã có nhiều hành động thực tế để thúc đẩy tiến trình này. Hôm 14/8, lần đầu tiên trong vòng hơn 50 năm qua, quốc kỳ Mỹ được kéo lên nóc Đại sứ quán Mỹ tại La Habana, cùng với đó là chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry đến xứ sở nổi tiếng với những điếu xì gà hảo hạng. Trước đó, ngày 20/7 Đại sứ quán Cuba cũng đã được mở lại tại Washington. Đây là sự kiện biểu tượng cho việc hoàn tất chương đầu tiên trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước láng giềng chỉ cách nhau chừng 150 km, mở ra những chương mới trong quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, chấm dứt chính sách cấm vận và cô lập Cuba mà Mỹ từng đặt ra trong hàng chục năm trời.

4 - Châu Âu

Những ngày đầu tháng 9, không chỉ riêng châu Âu mà toàn bộ thế giới đều chấn động trước bức ảnh chụp một đứa trẻ di cư người Syria bị chết đuối và trôi dạt vào bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ đăng tải trên mạng xã hội và trang nhất của nhiều tờ báo lớn. Nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ tột bậc, nhưng cũng có những người tin rằng tấm hình gây ám ảnh sẽ có tác động mạnh tới các nước châu Âu, tạo bước ngoặt trong cuộc tranh luận làm thế nào để xử lý vấn nạn nhập cư đang là thách thức hàng đầu tại “lục địa già”. Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2015, đã có hơn 300.000 người di cư hướng về các nước Đức, Áo, Thụy Điển,… với mong muốn có được một cuộc sống tốt đẹp hơn, thoát khỏi tình cảnh chiến tranh hoặc bất ổn tại quê nhà.v

Thu Giang