Hãy cùng điểm lại một số sự kiện nổi bật nhất của thế giới trong năm 2021, thậm chí có thể tiếp tục là tâm điểm thu hút chú ý của dư luận quốc tế trong năm 2022 và hơn thế nữa.
COVID-19: CHIẾN DỊCH VẮC-XIN VÀ NHỮNG BIẾN THỂ VIRUS
Vắc-xin phòng Covid-19 được phát triển và sản xuất với tốc độ nhanh đáng ngạc nhiên trong năm 2021, trở thành một trong những bước tiến lớn nhất, giúp cứu sống nhiều sinh mạng, giảm tỷ lệ nhiễm bệnh.
Một số vắc-xin có hiệu quả hơn 90% đối với các biến thể Covid-19 ban đầu. Tính đến hết tháng 11, đã có 184 quốc gia triển khai tiêm 7,4 tỷ liều vắc-xin, 70 quốc gia tài trợ vắc-xin, dù vấn đề bài xích vắc-xin và thiếu công bằng trong phân bổ vắc-xin giữa các nước đã và đang làm đau đầu nhiều chính trị gia.
Delta với khả năng lây nhiễm cao đã trở thành biến thể virus “thống trị” trên toàn cầu. Mới đây, trước khi khép lại năm 2021, người ta lại phát hiện biến thể Omicron không kém phần gây quan ngại, khiến khó có thể đoán định, liệu cuộc chiến với đại dịch đã cướp đi 5 triệu sinh mạng có đẩy thế giới vào vòng xoáy khác trong những tháng sắp tới.
ĐỨT GÃY CÁC CHUỖI CUNG ỨNG
“Chuỗi cung ứng” đã trở thành cụm từ phổ biến trong năm 2021. Covid-19 xuất hiện đã làm đảo lộn quan niệm suốt nhiều thập kỷ qua của giới kinh doanh. Người ta cảm nhận rõ mặt trái của chuỗi cung ứng, khi thiếu hụt và đình trệ ở những nơi xa xôi lại ảnh hưởng và gây thiếu hụt, đình trệ ngay tại quốc gia, khu vực của mình.
Nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh thiếu phụ tùng, nguồn cung ứng, và hồi tháng 3, sự kiện tàu container Ever Given bị mắc kẹt tại kênh đào Suez lại khiến tuyến đường biển chính của thế giới bị ùn ứ, gây thiệt hại tới 9,6 tỷ USD/ngày.
Trong năm, nhiều mặt hàng bị thiếu hụt nguồn cung như khí đốt, dầu cọ, thịt gà, ngô, xúc xích,…
Đó là chưa kể ở một số nơi, khi nguồn cung ứng đã dồi dào, thì lại thường xuyên thiếu hụt lực lượng lao động. Chuỗi cung ứng gián đoạn do Covid-19 đã góp phần khiến lạm phát tăng cao trên toàn thế giới, có thể để lại hệ lụy nhiều năm nữa.
KHỦNG HOẢNG DI CƯ - PHÉP THỬ VỚI NHIỀU QUỐC GIA
Tuy dịch Covid-19 đã tạo nên chiều hướng giảm bớt dòng người di cư quốc tế từ năm 2020, nhưng điều đó không đồng nghĩa với hồi kết của các cuộc khủng hoảng di cư. Bên cạnh những tác động của dịch bệnh, khó khăn về kinh tế, các sự kiện chính trị và các thảm họa tự nhiên, chẳng hạn như vụ ám sát tổng thống và sau đó là động đất đã khiến hàng nghìn người Haiti bỏ xứ ra đi, khiến số người di cư lại có xu hướng tăng mạnh.
Mỹ phải tiếp tục duy trì các chính sách cứng rắn với người di cư, EU đã ghi nhận số người nhập cảnh trái phép trong năm tăng 70% so với cùng kỳ năm 2020. Vấn đề người di cư vượt eo biển Manche từ Pháp sang Anh đã châm ngòi tranh cãi ngoại giao giữa Paris và London…
Khoảng 84 triệu người trên thế giới đã rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, và xung đột, suy thoái kinh tế, cùng biến đổi khí hậu có thể khiến con số này tăng thêm.
TALIBAN TRỞ LẠI NẮM QUYỀN
Cuộc chiến tranh của Mỹ tại Afghanistan đã khép lại với tình thế giống hệt lúc khởi xướng 20 năm trước: Đó là Taliban nắm quyền. Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 4 ra lệnh rút toàn bộ binh lính Mỹ về nước trước hạn chót 11/9/2021, và tuyên bố này khiến lực lượng Chính phủ Afghanistan tan rã, trong lúc Taliban lần lượt chiếm được nhiều thành trì quan trọng.
Ngày 15/8, Taliban tiến vào Kabul, hàng nghìn người nước ngoài bị mắc kẹt tại thủ đô nước này. Mỹ đã phát động nỗ lực quy mô nhằm sơ tán công dân Mỹ trước hạn chót 31/8 mà Taliban đặt ra.
Ước tính Mỹ đã chi hơn 2,3 nghìn tỷ USD trong 2 thập niên tại Afghanistan, hơn 2.500 quân nhân Mỹ cùng 4.000 nhà thầu dân sự của nước này đã thiệt mạng. Thiệt hại về người của Afghanistan cũng vượt con số 170.000 người.
IRAN THÚC ĐẨY CHƯƠNG TRÌNH HẠT NHÂN
Đầu năm, nhiều người lạc quan cho rằng, thỏa thuận hạt nhân Iran có thể sẽ được “hồi sinh” 3 năm sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận này, khi ông Joe Biden lên nhậm chức cam kết sẽ nối lại thỏa thuận nếu Iran quay trở lại tuân thủ. Nhưng sau đó, đàm phán đình trệ, và hồi tháng 4 Iran tuyên bố bắt đầu làm giàu urani lên ngưỡng 60%.
Thêm 5 vòng đàm phán diễn ra trước cuộc bầu cử tổng thống của Iran vào tháng 6, tình thế thay đổi khi nhà lãnh đạo mới lên nắm quyền ở nước này. Các bên trở lại bàn đàm phán vào cuối tháng 11, nhưng Iran từ chối các nhượng bộ đã đưa ra trong các vòng trước đó, nhắc lại yêu cầu ban đầu rằng, Mỹ phải dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt.
Ngoài ra, còn rất nhiều dòng chảy sự kiện khác cần phải ghi nhớ trong năm 2021, như việc hồi tháng 1, Saudi Arabia đồng ý mở lại biên giới với Qatar, chấm dứt khủng hoảng ngoại giao dài 3 năm.
Hay vào giữa tháng 9, liên minh AUKUS ra đời, với tuyên bố “Giữ gìn an ninh và ổn định tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, được cho là phản ứng của Australia, Anh và Mỹ trước những bước tiến của Trung Quốc.
Đó còn là sự bùng nổ của Hồ sơ Pandora, với 12 triệu tài liệu tiết lộ cách những cá nhân, tổ chức giàu có, quyền lực sử dụng các tài khoản ở nước ngoài để trốn thuế, giấu tiền…
Tất cả đã định hình một năm đầy biến động, mở ra năm mới 2022 với nhiều diễn biến bất ngờ.