(Baonghean.vn) - Hội nghị ngoại giao lần thứ 29; Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường;Họp báo công bố môi trường biển  4 tỉnh miền Trung; Máy bay quân sự rơi ở Phú Yên; Chặt chân tay để trục lợi bảo hiểm; Sập hầm vàng ở Lào cai 7 người chết... là những sự kiển nổi bật trong nước tuần qua.

1 - Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29

resize_images1668626_1.jpgQuang cảnh hội nghị.

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 diễn ra từ ngày 22-26/8 tại Trung tâm hội nghị Quốc tế, Hà Nội. Với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế – Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII”, hội nghị tập trung trao đổi nhằm tìm ra phương hướng, biện pháp nhằm thúc đẩy, nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của đất nước.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 là dịp chúng ta kiểm điểm, triển khai công tác  đối ngoại, đánh giá những việc làm được, những việc cần làm tốt hơn trong 5 năm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI cũng như hơn 2 năm triển khai Chương trình hành động của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28, rút ra kinh nghiệm, trên cơ sở đó tổ chức quán triệt và triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII.

2 - Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị nhằm kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đánh giá tổng thể các vấn đề môi trường bức xúc trong giai đoạn hiện nay; phân tích các tồn tại, yếu kém, nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan của các tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, Hội nghị cần tập trung vào những điểm quan trọng, đó là: Đánh giá thực chất tình trạng ô nhiễm môi trường; Hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước dẫn đến ô nhiễm môi trường; làm rõ những khó khăn thách thức như kinh phí, khoa học công nghệ... đồng thời thảo luận những giải pháp trước mắt, lâu dài, quan điểm chỉ đạo trong vấn đề này.

3 - Tổ công tác của Thủ tướng bắt tay vào việc

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng với Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.

Ngay sau khi Tổ công tác được thành lập, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng đã quyết định thành lập Đoàn kiểm tra, kiểm tra tại các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính.

Trong 2 ngày (25-26/8), Đoàn sẽ kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm đến ngày 21/8/2016 và tình hình cập nhật kết quả thực hiện nhiệm vụ lên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi liên thông từ Văn phòng Chính phủ đến các bộ, cơ quan, địa phương.

Đây là hoạt động đang hết sức được trông đợi trong bối cảnh hiện nay, khi kinh nghiệm thực tiễn cho thấy khâu thực thi có vai trò quyết định nhất nhưng lại cũng là khâu yếu nhất trong hệ thống vận hành thể chế ở nước ta.

4- Máy bay quân sự rơi ở Phú Yên, phi công tử vong

Hiện trường vụ tại nạn máy bay quân sự.

Vụ tai nạn xảy ra lúc 8h45, ngày 26/8, khi máy bay quân sự do thượng sĩ Phạm Đức Trung (22 tuổi, quê Ninh Bình, học viên phi công) cất cánh  từ sân bay Tuy Hòa (Phú Yên) lấy độ cao bay tập luyện. Sau đó máy bay bị hỏng động cơ và rơi tại cánh đồng thôn Phước Lộc, xã Hòa Thành, khiến phi công tử vong.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia buồn sâu sắc đến thân nhân, gia đình đồng chí học viên phi công bị nạn và chỉ đạo: Bộ Quốc phòng tập trung tổ chức điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc và tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ các quy trình trong công tác chỉ huy, huấn luyện, điều hành bay, đảm bảo kỹ thuật hàng không, tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn bay, không để xảy ra vụ việc tương tự. Đồng thời thực hiện tốt chế độ chính sách, thăm hỏi động viên thân nhân gia đình người bị nạn và tổ chức mai táng chu đáo đồng chí bị hy sinh, nhanh chóng khắc phục giải quyết tốt hậu quả xảy ra.

5- Họp báo công bố chất lượng nước biển 4 tỉnh miền Trung

Ảnh minh họa.

Sáng 22/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch, Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Đại học quốc gia Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.

Để tìm nguyên nhân, 7 bộ ngành cùng các viện nghiên cứu, 100 nhà khoa học trong và ngoài nước đã vào cuộc. Sau gần 2 tháng, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm họa cá chết, cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả và cải tạo môi trường. Hội nghị đã đưa ra kết luận, chất lượng môi trường nước biển và trầm tích biển tại các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm thể thao Nhà nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.

6- Vụ 26 tỷ đồng “biến mất” khỏi tài khoản tại VPBank

Ảnh minh họa.

Ngày 24/8, vụ việc bà Trần Thị Thanh Xuân, giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển Quang Huân (Công ty Quang Huân) có trụ sở huyện Củ Chi, TP.HCM tố khoản tiền 26 tỷ đồng bổng dưng biến mất khỏi tài khoản ngân hàng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo thông tin phản ánh trên báo chí, bà Xuân cho rằng số tiền trên do chồng bà là ông Nguyễn Huy Nhật, bà Đoàn Thị Thuý Hằng (nhân viên ngân hàng VPBank và Phạm Văn Trinh (kế toàn Công ty Quang Huân) cấu kết để rút bằng séc. Ngoài ra, bà Xuân còn cho biết mình có đăng ký Mobile Banking nhưng không nhận được tin nhắn thông báo giao dịch.

Chiều 24/8, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh đã có công văn chỉ đạo xử lý vụ này. Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng Công an TP .Hồ Chí Minh vào cuộc và tiến hành điều tra, xác minh, xử lý vụ việc.

7- Thuê người chặt tay chân để trục lợi bảo hiểm

Trong tuần qua, dư luận trong nước đã chấn động bởi một người phụ nữ thuê người chặt tay chân, tạo hiện trường tai nạn đường sắt nghiêm trọng với ý định "cuỗm" số tiền bảo hiểm lên đến hơn 3 tỷ đồng.

Trước đó, chị L.T.N, 30 tuổi trú tại huyện Phúc Thọ - Hà Nội, đã thuê một thanh niên chặt đứt rời 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái. Sau đó, hai người tự tạo hiện trường giả một vụ tai nạn tàu hỏa và trình báo lên công an. Sau 3 tháng điều tra, lực lượng công an đã xác định chị N và người thanh niên đến trình báo tại Công quan quận Bắc Từ Liêm về vụ tai nạn có quen biết nhau.

Biết không thể thực hiện được hành vi lừa đảo, chị N đã đến cơ quan công an, thừa nhận hành vi thuê người thanh niên chặt tay chân của mình để có thể được thanh toán quyền lợi bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã mua trước đó. Hiện nay, dư luận quan tâm về hình thức xử lý của cơ quan chức năng đối với chị L.T.N và thanh niên trong vụ việc này.

8- Sập mỏ vàng ở Lào Cai khiến 7 người tử vong

Sập mỏ vàng ở Lào Cai khiến 7 người tử vong

Mưa lớn cùng với lũ quét ngày 19/8, đã cuốn trôi một lán trại của công nhân khai thác vàng tại xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn (Lào Cai) khiến 7 người chết, 4 bị thương. Sáng 21/8, lực lượng chức năng mới tiếp cận được hiện trường và tìm thấy thi thể của 7 công nhân xấu số ở khu vực suối Chăn.

Chiều 23/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh làm rõ thông tin Lào Cai sập mỏ vàng, 18 người chết, thông tin bị “cô lập” được đăng tải trên báo chí và yêu cầu UBND tỉnh Lào Cai phải khẩn trương thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả tai nạn, hỗ trợ gia đình người bị nạn sớm ổn định cuộc sống

9- Việt Nam đạt giải thưởng tại Đại hội Khoa học và Công nghệ thực phẩm toàn cầu

Đại diện của Việt Nam đoạt giải thưởng công nghiệp thực phẩm toàn cầu.

Một sự kiện đáng chú ý với ngành công nghệ thực phẩm thế giới vừa diễn ra tại thủ đô Dublin, cộng hoà Ireland, đó là Đại hội Khoa học và công nghệ thực phẩm toàn cầu năm 2016.

Đáng chú ý, tại đại hội lần này, đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia là doanh nghiệp Hanoimilk đã đạt được giải thưởng, nhờ những đánh giá nổi bật từ các tổ chức, chuyên gia quốc tế cho sản phẩm của mình.

Đại hội Khoa học và Công nghệ thực phẩm toàn cầu là sự kiện được tổ chức 2 năm một lần, thu hút sự tham gia của hàng nghìn nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư đầu ngành của mảng công nghiệp thực phẩm.

Thái Bình (Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN