(Baonghean) - Y Xua bỏ học năm lớp 7, rồi đi lấy chồng, chồng đi rẫy, vợ ở nhà bồng con, nhiều việc chưa biết làm. Con nhỏ, lại ốm đau suốt, Y Xua chỉ ước mình không lấy chồng sớm như thế này.
Nạn tảo hôn là thực tế đang diễn ra ở các bản vùng cao ở huyện Tương Dương, Nghệ An, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc Mông.
Phá Lõm là bản có 100% đồng bào Mông, bà con sinh sống chủ yếu bằng làm rẫy, cuộc sống đang còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Chiều xuống, khi bà con trở về nhà sau một ngày sản xuất trên nương rẫy, không khó để bắt gặp vô số những bà mẹ trẻ địu con trên lưng trông giống như chị cõng em. Thậm chí, nhiều bé gái người Mông, dù mới chỉ 13 - 14 tuổi đang ở độ tuổi cắp sách đến trường đã phải gánh thiên chức làm vợ, làm mẹ.
Vợ chồng Xồng Y Xua - Lầu Bá Kỷ ở bản Phá Lõm là 1 trong 33 trường hợp tảo hôn ở xã Tam Hợp trong 3 năm qua. Thời điểm kết hôn vào năm 2015, lúc đó Y Xua mới chỉ 14 tuổi, Lầu Bá Kỷ - chồng của Y Xua cũng chưa đủ tuổi kết hôn, dù hơn vợ 1 tuổi. Cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ con này ra sao, người dân bản Phá Lõm cũng không ai trả lời được, khi mà chính Bá Kỷ và Y Xua cũng đang vụng về chưa biết chăm sóc bản thân, gia đình.
Trò chuyện với Y Xua, em cho biết, em bỏ học năm lớp 7, rồi đi lấy chồng, hàng ngày chồng đi rẫy với bố mẹ, còn em chỉ biết ở nhà bồng con, nhiều việc chưa biết làm. Con nhỏ, lại ốm đau suốt, chỉ biết trông cậy vào ông bà nội ngoại 2 bên. Vất vả, khổ sở đủ bề, giờ đây, Y Xua chỉ ước mình không lấy chồng sớm như thế này.
Danh sách của những cặp vợ chồng ở xã Tam Hợp, huyện Tương Dương vẫn đang tiếp tục nối dài. Những cặp vợ chồng chưa đủ tuổi kết hôn, sinh năm 2003, 2002, 2000 thậm chí là 2006, nghĩa là mới chỉ 11,12 tuổi, hoặc 16 tuổi đã là vợ chồng.
Nhìn Hờ Y Mỉ không ai nghĩ em đã kết hôn, bởi em chưa đến 12 tuổi. Lầu Bá Chống - chồng của Y Mỉ cũng chỉ vừa tròn 16 tuổi. Còn rất nhiều trường hợp khác như Y Xua, Y Chò, Y Dở..., lấy chồng khi đang tuổi ăn, tuổi học. Hiện toàn xã Tam Hợp có 33 cặp vợ chồng chưa đủ tuổi kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình, trong đó có 6 cặp kết hôn ở thời điểm dưới 13 tuổi.
Ông Nguyễn Anh Minh - Chủ tịch UBND xã Tam Hợp thẳng thắn nhìn nhận, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên là do chính quyền xã chưa có biện pháp xử lý về mặt pháp luật, mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động đối với các trường hợp này. Một số cán bộ, đảng viên chưa thật sự gương mẫu trong việc chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình, một số con em cán bộ, đảng viên vẫn còn tảo hôn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động chưa thật sự hiệu quả. Phần lớn cán bộ, đảng viên là người địa phương nên nhiều lúc còn nặng tình cảm, ngại va chạm. Thêm vào đó, văn bản chỉ đạo của cấp trên đối với vấn đề phòng, chống tảo hôn chưa thật sự quyết liệt. |
Không chỉ có xã Tam Hợp là điểm nóng tảo hôn, mà các xã Lượng Minh, Xá Lượng, Nga My, Lưu Kiền, Mai Sơn… tình trạng tảo hôn cũng tiếp tục gia tăng. Theo thống kê chưa đầy đủ của các ngành chức năng, chỉ trong 3 năm qua, toàn huyện Tương Dương có tới 97 trường hợp tảo hôn.
Chỉ tính riêng năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017, đã có 84 cặp tảo hôn. Đói nghèo - bệnh tật - thất học - tảo hôn là một vòng luẩn quẩn, vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả. Nạn tảo hôn diễn ra dai dẳng, kèm theo những hệ lụy đau lòng, những đứa con sinh ra bị suy dinh dưỡng trầm trọng, bởi ngay cả cha mẹ các em cũng không lo được cho bản thân mình.
Kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, chưa sẵn sàng về tâm lý là một trong những nguyên nhân làm tăng gấp 2 lần tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể hiện ở thiếu cân và thấp còi; tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của các bà mẹ nghèo vùng dân tộc miền núi liên quan đến thai sản...
Ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương trao đổi: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ sử dụng một số giải pháp mạnh như xử lý hành chính, cần thiết sẽ truy tố một số vụ vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình để tăng tính răn đe, giáo dục cho đồng bào”.
Hiến Chương